Báo Đồng Nai điện tử
En

Nỗ lực vì một môi trường lao động an toàn

08:03, 18/03/2012

Tại hội thảo quốc tế về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) và công tác thanh tra lao động ASEAN lần 2 do Bộ Lao động - thương binh và xã hội tổ chức tại TP.Biên Hòa vào cuối tuần qua, các ý kiến đều cho rằng: Việc xây dựng một môi trường lao động an toàn sẽ giúp Việt Nam có sự phát triển bền vững, hiệu quả.

Tại hội thảo quốc tế về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) và công tác thanh tra lao động ASEAN lần 2 do Bộ Lao động - thương binh và xã hội tổ chức tại TP.Biên Hòa vào cuối tuần qua, các ý kiến đều cho rằng: Việc xây dựng một môi trường lao động an toàn sẽ giúp Việt Nam có sự phát triển bền vững, hiệu quả.

Thứ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Bùi Hồng Lĩnh khẳng định: “ATVSLĐ là một chính sách lớn được Đảng, Nhà nước quan tâm nhằm phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững. Điều đó có ý nghĩa hơn bao giờ hết khi Việt Nam đặt mục tiêu tới năm 2020 sẽ trở thành nước công nghiệp, hiện đại. Vì vậy, Việt Nam tiếp tục cam kết và nỗ lực để đảm bảo ngày càng tốt hơn công tác ATVSLĐ”.

* Điều kiện để đảm bảo an toàn

Tại hội nghị, các tổ chức lao động quốc tế, như: Tổ chức lao động quốc tế (ILO), Hiệp hội An toàn mỏ quốc tế, quan chức Bộ Lao động của các nước ASEAN, các cơ quan an toàn lao động của Hàn Quốc, Đan Mạch, Đức... đã ghi nhận tình hình ATVSLĐ của Việt Nam được cải thiện đáng kể trong những năm qua. Các tổ chức này một mặt cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ các biện pháp mang tính kỹ thuật và nguồn lực tài chính; đồng thời đề nghị Việt Nam cần nỗ lực nhiều hơn nữa trong công tác ATVSLĐ.

Tổ chức Lao động quốc tế đến tìm hiểu về công tác an toàn lao động tại công trình xây dựng của Công ty cổ phần đầu tư - kiến trúc - xây dựng Toàn Thịnh Phát tại TP.Biên Hòa.    Ảnh: T.TRANG
Tổ chức Lao động quốc tế đến tìm hiểu về công tác an toàn lao động tại công trình xây dựng của Công ty cổ phần đầu tư - kiến trúc - xây dựng Toàn Thịnh Phát tại TP.Biên Hòa. Ảnh: T.TRANG

Theo nhận định chung, ATVSLĐ vẫn đang thực sự là thách thức của Việt Nam khi mà số vụ tai nạn lao động, tình hình bệnh nghề nghiệp... vẫn còn ở mức tương đối cao. Bình quân mỗi năm Việt Nam có khoảng trên 6 ngàn vụ tai nạn lao động, trên 500 người chết và trên 5 ngàn người bị thương - đó chỉ là những thống kê chưa đầy đủ về tình hình ATVSLĐ. Còn theo tính toán của các nhà khoa học, các nhà quản lý, mỗi năm ngành công nghiệp của nước ta có trên 40 ngàn vụ tai nạn, khoảng 1,5-2 ngàn người bị mắc mới các bệnh nghề nghiệp.

Ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh lao động (Bộ Lao động - thương binh và xã hội) bày tỏ mong muốn Việt Nam tiếp tục nhận được sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật và các nguồn lực tài chính để thực hiện chiến lược về ATVSLĐ, nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác ATVSLĐ, đội ngũ thanh tra lao động có đầy đủ các kỹ năng, áp dụng có hiệu quả các sáng kiến về ATVSLĐ tiên tiến của thế giới. “Trong đó, điều quan trọng là nâng cao nhận thức cho đội ngũ lãnh đạo các doanh nghiệp và người lao động...” - ông Thắng nhấn mạnh.

* Nỗ lực vì người lao động

Theo nhận định của các tổ chức lao động quốc tế, bất kỳ một quốc gia nào trong giai đoạn phát triển như Việt Nam thì vấn đề ATVSLĐ cũng đều gặp phải những vấn đề khó khăn nhất định. Điều quan trọng là cần kiểm soát xem mức độ mất ATVSLĐ đang ở mức độ nào, ngành nghề nào, khu vực nào và đối tượng nào dễ bị những ảnh hưởng tiêu cực nhất để từ đó xây dựng chiến lược phòng ngừa một cách hiệu quả, lấy văn hóa phòng ngừa là quan trọng chứ không phải chạy theo khắc phục hậu quả của nó. 

Chia sẻ các kinh nghiệm đảm bảo ATVSLĐ đã và đang triển khai tại Đồng Nai, bà Lê Thị Mỹ Phượng, Giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội cho biết: “Đồng Nai đã và đang cố gắng huy động mọi khả năng có thể, kể cả việc tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức lao động quốc tế để ngăn ngừa tình hình mất ATVSLĐ, đặc biệt trong các ngành có mức độ nguy hiểm cao như: xây dựng, khai thác khoáng sản, hóa chất… Công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức cho chủ sử dụng lao động và người lao động đặc biệt được quan tâm, nhất là ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tất cả vì sự an toàn trước hết cho người lao động, đồng thời đảm bảo cho sự phát triển bền vững của địa phương.

Theo ông Henmut Ehnes, Tổng thư ký Ban An toàn mỏ thuộc Hiệp hội An sinh quốc tế, để kiểm soát được tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, Việt Nam cần xây dựng chiến lựợc phòng ngừa ATVSLĐ cả ngắn hạn lẫn dài hạn. “Đội ngũ lãnh đạo của các doanh nghiệp là những người cần được nâng cao kiến thức về bảo hộ lao động vì họ là những người có ảnh hưởng nhiều nhất tới đời sống, thu nhập, an toàn và sức khỏe của người lao động. Đồng thời cần giám sát chặt chẽ lãnh đạo doanh nghiệp thực hiện các cam kết về xây dựng môi trường an toàn cho người lao động” - ông Henmut Ehnes cho biết.

Còn ông Ulrich Meesmanm, Giám đốc điều hành an toàn lao động Bộ Lao động Cộng hòa liên bang Đức cho rằng: “Việt Nam là nước đang phát triển và có lực lượng lao động trẻ. Trong quá trình xây dựng tác phong công nghiệp rất cần chú trọng tới việc xây dựng văn hóa phòng ngừa an toàn lao động và bệnh nghề nghiệp cho họ. Khi xây dựng được vấn đề này sẽ có những tác động rất tích cực đến quá trình phát triển bền vững mà Việt Nam đang mong muốn”.

Công Nghĩa

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều