Mặc dù mạng lưới phòng chống lao của Đồng Nai được phủ kín từ tỉnh đến cơ sở, nhưng số bệnh nhân lao hàng năm phát hiện vẫn khá cao, với hơn 3 ngàn ca. Đáng lưu ý là có đến 70% số ca mắc lao ở trong độ tuổi lao động.
Khám và điều trị bệnh nhân tại Bệnh viện phổi Đồng Nai. Ảnh: T.Thắng |
Mặc dù mạng lưới phòng chống lao của Đồng Nai được phủ kín từ tỉnh đến cơ sở, nhưng số bệnh nhân lao hàng năm phát hiện vẫn khá cao, với hơn 3 ngàn ca. Đáng lưu ý là có đến 70% số ca mắc lao ở trong độ tuổi lao động.
Tại Đồng Nai, ở tuyến tỉnh có bệnh viện chuyên lao và bệnh phổi, tuyến huyện có các tổ chống lao và tuyến xã, phường, thị trấn có cán bộ chuyên trách chương trình lao. Tuy nhiên, mạng lưới phòng chống lao ở cơ sở chưa đủ mạnh, chưa được trang bị đầy đủ kiến thức và thường xuyên thay đổi về con người nên công tác truyền thông, phát hiện, quản lý và giám sát lao ở cộng đồng còn nhiều khó khăn.
* Phủ kín nhưng chưa phát huy hiệu quả
Bác sĩ Nguyễn Đức Phước, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Trảng Bom cho hay: “Hiện trung tâm có một cán bộ phụ trách chống lao, nhưng còn kiêm nhiệm nhiều việc khác. Ở các xã cũng vậy, cán bộ phụ trách chương trình lao có nơi do điều dưỡng, có nơi do y sĩ đảm nhiệm, trình độ không đồng đều. Có nơi cán bộ vừa được tập huấn, cập nhật kiến thức mới về phòng chống lao xong thì lại bị thay người khiến cho công tác này gặp không ít khó khăn”.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Hai, Giám đốc Bệnh viện phổi Đồng Nai, tuyển dụng bác sĩ về công tác tại tuyến cơ sở đã khó, tuyển bác sĩ về làm công tác phòng chống lao còn khó gấp nhiều lần. “Gần chục năm nay bệnh viện chưa có thêm bác sĩ mới. Còn các tổ chống lao tuyến huyện cũng không kiếm đâu ra người. Có 2/11 tổ chống lao tuyến huyện có tổ trưởng là bác sĩ, còn lại là do y sĩ, điều dưỡng phụ trách” - bác sĩ Hai cho biết.
Với nguồn nhân lực thiếu hụt, tỷ lệ bác sĩ làm công tác chống lao trên địa bàn hiện chỉ đạt 1,5 bác sĩ/100 ngàn dân. Sự thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực đảm nhận công tác phòng chống lao chính là một trong những nguyên nhân sâu xa làm gia tăng số người mắc lao.
* Tiếp cận bệnh nhân lao từ cơ sở
Nếu nói người dân chưa tiếp cận với các thông tin về bệnh lao thì chưa đúng, nhưng qua thực tế cho thấy, các hoạt động tuyên truyền hiện nay thường chỉ tập trung chủ yếu vào dịp có ngày thế giới chống lao (24-3), còn những thời điểm khác trong năm tần suất thông tin tuyên truyền tại tuyến cơ sở còn hạn chế. Vì thế, tỷ lệ phát hiện bệnh lao hằng năm của tỉnh mới chỉ đạt 115 trường hợp/100 ngàn dân, trong khi nguồn lây ngoài cộng đồng vẫn còn nhiều.
Phát hiện chậm, điều trị muộn cũng là thực tế đang diễn ra ở Đồng Nai. Mỗi huyện có một cán bộ chuyên trách công tác chống lao, vừa phụ trách tiếp nhận hồ sơ, vừa đảm nhận việc cấp phát thuốc, chỉ đạo tuyến... Ngần ấy công việc trong tháng khiến cho việc đi giám sát, quản lý, phát hiện bệnh nhân là rất ít thời gian đối với cán bộ làm công tác chống lao ở tuyến huyện. Tình trạng thiếu cán bộ làm công tác chống lao cũng dẫn đến hạn chế trong việc nhắc nhở, giải thích, động viên người bệnh phải kiên trì. Bởi, trong quá trình điều trị, khi thấy có phản ứng thuốc thì không ít người bỏ dở điều trị nên không mang lại kết quả như mong muốn hoặc có thể dẫn đến kháng thuốc rất nguy hiểm.
Nhiều người mắc lao đã không được biết đến chương trình điều trị lao miễn phí, không được tiếp cận những cơ sở y tế chuyên lao và không được tư vấn trong điều trị, phòng ngừa lây nhiễm… dẫn đến điều trị thất bại, gia tăng bệnh nhân lao và lao kháng thuốc. Cũng từ thực tế này, tỉnh vừa được tiếp nhận 2 chương trình mà mục đích chính là tiếp cận và quản lý bệnh nhân lao ngay từ tuyến cơ sở. |
Không chỉ thiếu cán bộ, việc thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị chẩn đoán, phát hiện bệnh lao cũng là những hạn chế mà Đồng Nai đang phải đối mặt. Bác sĩ Nguyễn Văn Bình, Giám đốc Bệnh viện đa khoa khu vực Định Quán cho biết: “Bệnh viện không có phòng khám chuyên khoa lao nên bệnh nhân lao đến thường khám ở khoa nội. Do chưa có những thiết bị chuyên dụng để chẩn đoán và xác định lao nên trong quá trình khám, bác sĩ thấy các triệu chứng đặc trưng của bệnh, chụp X-quang phổi bệnh thấy có tổn thương thì chuyển lên bệnh viện phổi. Nếu bệnh viện được trang bị thêm thiết bị để chẩn đoán thì sẽ điều trị tốt bệnh lao, tránh tình trạng phải chuyển lên tuyến trên hay bệnh nhân bỏ dở việc điều trị, hoặc điều trị ở những cơ sở không chuyên khoa…”.
Theo thống kê, mỗi năm, nước ta có khoảng 180 ngàn người mắc bệnh lao và gần 30 ngàn người chết do lao. Tình hình bệnh lao vẫn còn diễn biến rất phức tạp, khi mà trung bình cứ 20 phút có 1 người chết vì bệnh lao và hàng năm vẫn còn 80 ngàn bệnh nhân lao chưa được phát hiện, quản lý điều trị. Cùng với cả nước, vấn đề đặt ra cho công tác chống lao trên địa bàn Đồng Nai là các cấp, các ngành, địa phương và toàn xã hội phải quan tâm và tích cực giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong phòng chống lao để công tác này phát huy hiệu quả, vì sức khỏe của cả cộng đồng…
Thuận Thắng