Báo Đồng Nai điện tử
En

Lại lo phòng chống dịch bệnh

08:03, 19/03/2012

Trong 4 loại dịch bệnh nguy hiểm đang diễn ra phức tạp tại nhiều tỉnh, thành là cúm gia cầm, tay chân miệng, sốt xuất huyết và viêm não mô cầu, Đồng Nai chỉ “nóng” về bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết.

 

Trong 4 loại dịch bệnh nguy hiểm đang diễn ra phức tạp tại nhiều tỉnh, thành là cúm gia cầm, tay chân miệng, sốt xuất huyết và viêm não mô cầu, Đồng Nai chỉ “nóng” về bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết.

Tuy nhiên, trước những diễn biến của các dịch bệnh ngày một phức tạp, tình hình phòng chống dịch đang trở nên căng thẳng. Tại buổi làm việc với Sở Y tế mới đây, TS.BS.Lê Mạnh Hùng, Phó giám đốc Bệnh viện bệnh nhiệt đới TP.Hồ Chí Minh - thành viên đoàn kiểm tra của Bộ Y tế đã cảnh báo: “Năm nay, riêng đối với bệnh tay chân miệng và cúm gia cầm không thể chủ quan bởi có những biến thể bất thường, rất khó dự đoán”.

* Ứng phó trước nguy cơ dịch bệnh

Từ đầu năm đến nay, Trung tâm y tế dự phòng tỉnh đã cấp cho mỗi trung tâm y tế huyện, TX.Long Khánh, TP.Biên Hòa một lượng Cloramin B không nhỏ để tẩy khuẩn, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền tới các hộ dân về rửa tay sạch, vệ sinh nơi sinh sống. Đặc biệt, ngành có những biện pháp truyền thông thích hợp với nhóm đối tượng trẻ em trong những khu nhà trọ, nhà trẻ tư nhân, nhóm trẻ gia đình có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Người dân đưa con đi tiêm ngừa các bệnh truyền nhiễm.
Người dân đưa con đi tiêm ngừa các bệnh truyền nhiễm.

Bác sĩ Nguyễn Lê Đa Hà, Giám đốc Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai cho biết: “Tình trạng quá tải bệnh nhân bị tay chân miệng khiến khu cách ly, chống lây nhiễm cũng hạn chế số giường. Về trang thiết bị điều trị, bệnh viện vẫn còn thiếu máy thở, máy lọc máu liên tục. Riêng nguồn thuốc điều trị bệnh tay chân miệng đã đấu thầu xong nhưng chậm được cung cấp thuốc…”.

Về giải pháp ứng phó khẩn cấp với cúm gia cầm, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai được chỉ định phải chuẩn bị khu cách ly dành cho bệnh nhân, nguồn thuốc Tamiflu dự trữ trong điều trị và các trang thiết bị để ứng phó khẩn cấp. Tất cả đã sẵn sàng. Sở Y tế cũng mới đặt mua hơn 2 ngàn liều Tamiflu nhằm dự trữ khi dịch cúm gia cầm bùng phát.

* Cần phân cấp trong điều trị, giám sát

Sở Y tế đã chỉ đạo từng đơn vị trong ngành nghiêm túc và sẵn sàng ứng phó khi có dịch lớn xảy ra. Tuy nhiên, do bệnh tay chân miệng đang nóng, nên ưu tiên tập trung điều trị và phòng ngừa bệnh này. Theo bác sĩ Trần Minh Hòa, Trưởng khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vaccine sinh phẩm (Trung tâm y tế dự phòng tỉnh), trong số 513 ca mắc tay chân miệng từ đầu năm đến nay, có 27 ca dương tính với virus EV71, 2 ca tử vong (1 ca ở huyện Trảng Bom, 1 ca ở TX.Long Khánh).

Trẻ bị sốt xuất huyết đang được điều trị tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai.
Trẻ bị sốt xuất huyết đang được điều trị tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai.

Theo bác sĩ Hoàng Nghĩa Đài, Trưởng phòng nghiệp vụ y (Sở Y tế), qua phân tích 2 ca tử vong mới đây cho thấy, tình trạng thiếu giám sát ca bệnh, thiếu kỹ năng chuyên môn trong chẩn đoán dẫn đến bệnh nhân tử vong.

Để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng trẻ tử vong do chẩn đoán sai, điều trị thiếu kịp thời, bác sĩ Nguyễn Văn Châu, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đề nghị ngành y tế Đồng Nai phải chuẩn bị các phương án ứng phó khẩn cấp. Riêng với dịch tay chân miệng, ngoài các biện pháp truyền thông, phòng chống dịch bệnh, thì cần phân cấp trong điều trị,  tránh tình trạng không chẩn đoán đúng bệnh, điều trị vượt quá khả năng...

Thuận Thắng

 

 

 

 

Tin xem nhiều