Theo thống kê của Bộ Y tế, Việt Nam hiện có khoảng 15 triệu người (chiếm khoảng 14,9% dân số) mắc các rối loạn về tâm thần.
Bệnh nhân khám bệnh tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2. Ảnh: A.YÊN |
Trong đó, tỷ lệ người bị lo âu, trầm cảm chiếm 5,4% dân số, còn lại là các rối loạn tâm thần khác như: tâm thần phân liệt, động kinh, chậm phát triển tâm thần, mất trí tuổi già, rối loạn hành vi ở thanh thiếu niên, lạm dụng rượu…
Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2, TS Nguyễn Hữu Thắng nhấn mạnh, rối loạn tâm thần liên quan đến các chất gây nghiện, rối loạn lo âu, trầm cảm đang tăng rất nhanh trong thời gian gần đây, nhất là sau đại dịch Covid-19. Tỷ lệ này đang có xu hướng trẻ hóa rất đáng báo động.
Nguyên nhân được cho là trong xã hội phát triển, nhịp sống hiện đại, cha mẹ ít có thời gian quan tâm đến con cái dẫn đến trẻ vị thành niên không có người để chia sẻ, lâu dần bị lo âu, trầm cảm hoặc nghiện game, các chất gây nghiện. Đã có nhiều trường hợp trẻ vị thành niên do chịu áp lực về thành tích học tập đã không kiểm soát được hành vi và gây hại cho bản thân, gây ra những hậu quả đáng tiếc.
Do vậy, việc nhận biết, phát hiện sớm và xử trí kịp thời các rối loạn tâm thần cho người bệnh có ý nghĩa rất quan trọng.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay trong công tác điều trị các bệnh về tâm thần là nhận thức của người dân về các mặt bệnh tâm thần còn hạn chế. Bệnh tâm thần không chỉ là tâm thần phân liệt, biểu hiện bằng việc người bệnh nói xàm, nói nhảm, quậy phá mà cả những rối loạn nhẹ như: rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn cơ thể hóa… ảnh hưởng đến chất lượng sống của bệnh nhân, đến an ninh, trật tự xã hội, gây thiệt hại về kinh tế.
Nhiều người vẫn còn lầm tưởng bệnh tâm thần với những bệnh lý khác. Ví dụ, bệnh nhân bị hoa mắt, chóng mặt thường đi khám nội khoa và được bác sĩ chẩn đoán bị viêm xoang mà không biết đó là chứng rối loạn lo âu, trầm cảm, ngủ ít gây lo lắng, chóng mặt.
Ngoài ra, nhân lực để tiếp nhận, khám, điều trị các bệnh tâm thần cũng còn hạn chế. Hiện cả nước có khoảng 1 ngàn bác sĩ chuyên khoa tâm thần nhưng tập trung chủ yếu ở tuyến trung ương và các thành phố lớn. Theo thống kê, hiện chỉ có khoảng 29% số người bị rối loạn tâm thần và chỉ hơn 30% số người bị trầm cảm được chăm sóc sức khỏe tâm thần chính thức.
Theo TS Nguyễn Hữu Thắng, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 với vai trò chỉ đạo tuyến từ Đà Nẵng đến Cà Mau đang tập trung triển khai chỉ đạo các cơ sở y tế có chuyên khoa tâm thần ở phía Nam nhằm tăng cường chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người dân. Trong đó, tập trung điều trị chứng rối loạn lo âu, trầm cảm.
Các chuyên gia khuyến cáo các bậc phụ huynh cần thường xuyên tiếp xúc, chia sẻ, gần gũi, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của con cái. Từ đó giảm tỷ lệ thanh thiếu niên bị trầm cảm, lo âu, phát hiện sớm và điều trị kịp thời, nếu có.
ThS-BS Nguyễn Thế Vinh, Phụ trách Phòng Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 chia sẻ, chủ đề của Ngày Sức khỏe tâm thần thế giới (10-10) năm nay là “Tâm trí của chúng tôi, quyền của chúng tôi - Our minds, our rights”.
Với thông điệp “Hiểu biết mới, hy vọng mới”, các bệnh viện đang tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật, mở rộng các loại hình nhằm điều trị tốt nhất cho bệnh nhân tâm thần. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về các dấu hiệu của bệnh tâm thần, làm thay đổi quan niệm, xóa bỏ kỳ thị của người dân về người bệnh tâm thần.
An Yên
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin