Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ nhỏ, nhất là trẻ dưới 5 tuổi. Trẻ mắc bệnh thường tự khỏi nhưng một số trường hợp bệnh sẽ chuyển nặng. Nếu phát hiện trễ, bệnh tiến triển nhanh, gây ra các biến chứng nguy hiểm về thần kinh, tim mạch, hô hấp và có thể gây tử vong.
Một bệnh nhi bị bệnh tay chân miệng nặng điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai. Ảnh: H.Dung |
Phụ huynh, giáo viên cần nhận biết sớm các triệu chứng của bệnh để đưa trẻ đi khám, điều trị kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra.
* Cứu ca tay chân miệng độ 4 qua cơn nguy hiểm
Sau gần nửa tháng được tích cực điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, đến nay tình hình sức khỏe của bé trai 19 tháng tuổi ngụ xã Phú Bình (H.Tân Phú) đã được cải thiện nhiều. Tuy nhiên, bé chưa được xuất viện mà bác sĩ vẫn phải theo dõi thêm.
Mẹ của bé trai, chị Hoàng Thị Nguyệt Liên cho biết, ngày 10-9, con chị có dấu hiệu sốt cao, chị cho con uống thuốc hạ sốt nhưng không hạ. Sang ngày tiếp theo, bé còn sốt nhưng vẫn chơi, ăn uống được. Đến tối thì bé bỏ sữa. Nghĩ con bị viêm họng, chị Liên đưa con đi khám ở phòng mạch bác sĩ tư ở gần nhà và được cho thuốc hạ sốt.
Tình trạng em bé sốt cao không hạ vẫn tiếp diễn những ngày sau đó. Nghi ngờ con bị sốt xuất huyết, chị Liên tiếp tục đưa con đến bác sĩ tư, làm xét nghiệm máu cho kết quả em bé không bị sốt xuất huyết. Bác sĩ tiếp tục kê thuốc để chị Liên cho con uống. Về nhà, bé nôn ói, không ăn uống được, giật mình chới với trong lúc ngủ.
Đến ngày thứ 4, chị Liên lần thứ 3 đưa con đến khám bác sĩ tư, được bác sĩ chích cho một mũi thuốc nhưng bé vẫn không hạ sốt. Về nhà, trong lúc nằm chơi với con, chị Liên thấy con phun nước miếng, chảy máu chân răng nên vội đưa con đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Định Quán cấp cứu, làm xét nghiệm máu, siêu âm. Lúc này, da em bé bắt đầu tím tái, mệt mỏi nhiều, trên da và trong lưỡi nổi nhiều nốt đỏ. Bệnh nhi được cấp cứu, truyền dịch chống sốc và chuyển ngay đến Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai trong tình trạng sốc, suy hô hấp, người tím tái.
ThS-BS Phạm Thị Kiều Trang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho hay, khi tiếp nhận bệnh nhi, các bác sĩ nhận thấy tình trạng bệnh của bé rất nặng nên đã đặt nội khí quản cho bé. Qua siêu âm nhận thấy bé bị sốc tim nên được sốc tim, điều trị chống sốc, cho dùng thuốc gamma globulin (thuốc điều trị bệnh tay chân miệng mức độ nặng), thuốc hỗ trợ tim mạch, lọc máu 2 chu kỳ, cho thở máy.
Từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận hơn 6,5 ngàn ca mắc bệnh tay chân miệng, tăng hơn 8% so với cùng kỳ năm ngoái, không ghi nhận ca tử vong. |
Nhờ được chăm sóc, điều trị đặc biệt nên đến chiều 24-9, sức khỏe của bé đã được cải thiện nhiều, chức năng các cơ quan trở về bình thường, chức năng co bóp cơ tim tốt hơn. Tuy nhiên, bệnh nhi vẫn cần được theo dõi tại khoa và chưa được chuyển lên khoa bệnh nhẹ hơn.
Nói về việc đưa con đến bệnh viện trễ, chị Liên cho hay, chị có nghe một số người nói về các dấu hiệu của bệnh tay chân miệng như nổi bóng nước trên da, nhưng con chị không thấy nổi bóng nước trên da nên chị có phần chủ quan. Còn với dấu hiệu con giật mình chới với khi ngủ, chị Liên cho rằng con mới đi học được 1 tuần, chưa quen trường lớp nên nằm ngủ mơ, sợ hãi nên giật mình.
“Tôi không ngờ diễn tiến bệnh của cháu lại nhanh đến vậy. Từ nay, nếu con có dấu hiệu bất thường về sức khỏe, tôi sẽ đưa ngay đến bệnh viện uy tín để thăm khám, điều trị kịp thời” - chị Liên tâm sự.
* Nhiều di chứng nặng nề
Ngoài bệnh nhi kể trên, Khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đang điều trị cho 4 ca bệnh tay chân miệng độ 3 (độ rất nặng). Theo các bác sĩ, bệnh tay chân miệng nặng rất nguy hiểm, để lại nhiều di chứng, ảnh hưởng đến não bộ của trẻ, tác động đến hệ thần kinh, hô hấp, tim mạch. Thậm chí, có những trường hợp đã tử vong vì bệnh tay chân miệng.
BS Hán Bình Thuận, Phó trưởng khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho hay, từ tháng 9-12 hàng năm là cao điểm của bệnh tay chân miệng. Phụ huynh, giáo viên cần lưu ý, khi trẻ có những dấu hiệu sau phải đưa ngay đến cơ sở y tế có uy tín để thăm khám, điều trị: sốt cao không hạ; bỏ ăn; chảy nước miếng; trong lòng bàn tay, lòng bàn chân và miệng, đầu gối, mông xuất hiện những mụn nước. Ở mức độ nặng hơn, trẻ sẽ nôn ói liên tục, giật mình chới với, run chi, tay chân tím tái, thở mệt…
“Khi thấy con có triệu chứng giật mình chới với liên tục, phụ huynh cần đưa con đến bệnh viện cấp cứu ngay, dù là ban đêm, không được chờ đến sáng mai vì đây là dấu hiệu cho thấy tình trạng bệnh đã nặng” - BS Thuận nói.
Bệnh tay chân miệng chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu. Bệnh lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp với nước bọt, chất dịch từ các bọng nước, chất nôn, giọt bắn khi ho hoặc hắt hơi của người bệnh. Do vậy, phụ huynh, giáo viên cần quan tâm đến vấn đề vệ sinh của trẻ, hướng dẫn và nhắc trẻ thường xuyên rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn, rửa sạch và phơi khô đồ chơi, đồ dùng cá nhân của trẻ. Những trẻ bị tay chân miệng cần nghỉ học để được theo dõi, điều trị, tránh đến lớp để không lây bệnh cho
trẻ khác…
Hạnh Dung
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin