Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài cuối: Động lực phát triển

07:03, 01/03/2023

Với truyền thống 325 năm hình thành, phát triển và 80 năm thực hiện Đề cương về văn hóa Việt Nam, Biên Hòa - Đồng Nai luôn là địa phương thu hút nhân tài 4 phương hội tụ, góp sức phát triển trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.

[links()]Với truyền thống 325 năm hình thành, phát triển và 80 năm thực hiện Đề cương về văn hóa Việt Nam, Biên Hòa - Đồng Nai luôn là địa phương thu hút nhân tài 4 phương hội tụ, góp sức phát triển trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.

Các em thiếu nhi trên địa bàn TP.Biên Hòa tìm hiểu văn hóa, lịch sử tại Bảo tàng Đồng Nai
Các em thiếu nhi trên địa bàn TP.Biên Hòa tìm hiểu văn hóa, lịch sử tại Bảo tàng Đồng Nai. Ảnh: L.NA

Trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập quốc tế sâu rộng, Đồng Nai đã và đang huy động các nguồn lực, trong đó có nguồn nhân lực chất lượng cao trên lĩnh vực văn hóa, tạo động lực để phát triển và hướng đến những giá trị văn hóa mới.

Bắt đầu từ con người…

TS Nguyễn Văn Quyết, nhà nghiên cứu văn hóa Đồng Nai cho biết, thước đo sự phát triển văn hóa chính là sự phát triển con người. Xây dựng văn hóa cũng chính là xây dựng con người Biên Hòa - Đồng Nai ngày càng phát triển toàn diện. Mỗi con người có thể học tập, rèn luyện, trau dồi để có văn hóa. Do đó, đầu tư cho con người là đầu tư cho tương lai, cho sự phát triển bền vững trên cả 3 phương diện: kinh tế, chính trị và văn hóa.

Lấy con người là trung tâm của phát triển, Đồng Nai đã và đang đẩy mạnh việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác văn hóa, xây dựng và phát huy vai trò tiên phong của đội ngũ tri thức, văn nghệ sĩ. Toàn tỉnh hiện có gần 900 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trong ngành VH-TTDL. Hàng năm, Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật Đồng Nai đào tạo khoảng 200 học sinh, sinh viên các môn nghệ thuật biểu diễn; đồng thời, liên kết đào tạo với Nhạc viện TP.HCM và Trường đại học Văn hóa TP.HCM…

Tuy nhiên, hiện nay lực lượng làm công tác văn hóa ở cơ sở còn thiếu và yếu. Việc tuyển dụng nghệ sĩ trẻ có tài năng ở các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, phần lớn người quản lý doanh nghiệp du lịch có trình độ từ trung cấp trở lên; riêng lao động trực tiếp phục vụ chủ yếu được bồi dưỡng ngắn hạn hoặc chưa qua bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch chiếm số lượng còn cao (khoảng 67%).

Phó giám đốc Sở VH-TTDL Nguyễn Hồng Ân cho biết: “Theo thống kê năm 2017, lực lượng làm công tác văn hóa cơ sở theo đúng chuyên ngành quản lý văn hóa, thể thao rất thấp (chiếm khoảng 2%). Lực lượng làm công tác văn hóa sau khi được đào tạo bài bản, lại được bổ sung vào nhiều vị trí khác nhau. Do đó, việc đào tạo cán bộ văn hóa cơ sở luôn bị động do có sự biến động về công tác cán bộ”.

Cùng với cả nước, Đồng Nai đang đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng thành tựu của khoa học công nghệ. Do đó, yêu cầu đặt ra đối với nhân lực lĩnh vực VH-TTDL là được đào tạo bảo đảm cả tri thức, kỹ năng, khả năng tiếp nhận và làm chủ công nghệ mới, hiện đại; có năng lực đổi mới sáng tạo, có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế, nhất là khi sân bay quốc tế Long Thành đi vào hoạt động.

Nguồn lực để phát triển văn hóa

Theo PGS-TS Huỳnh Văn Tới, nhà nghiên cứu văn hóa Đồng Nai, nguồn lực để phát triển văn hóa ở Đồng Nai nói riêng, Đông Nam bộ nói chung rất dồi dào, hội đủ “thiên thời - địa lợi - nhân hòa”, giàu giá trị và tiềm năng, nhiều di sản và lợi thế. Để phát huy tối đa các nguồn lực phát triển văn hóa, cần có và cần thực hiện hệ thống chính sách bao gồm những giải pháp tác động để dẫn dắt, thúc đẩy, tạo lực, phát huy tối đa các nguồn lực và tiềm lực nhằm đạt mục tiêu phát triển văn hóa theo đúng đường lối, định hướng đã xác định. Trước hết là những chính sách cấp thiết để tác động đến việc phát huy nguồn lực phát triển văn hóa còn đang nhiều trắc trở trong thực tế.

Học sinh Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật Đồng Nai trong giờ luyện tập đàn violon
Học sinh Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật Đồng Nai trong giờ luyện tập đàn violon

Giám đốc Sở VH-TTDL Lê Thị Ngọc Loan cho rằng, để tiếp tục hướng đến những giá trị văn hóa mới trong giai đoạn hiện nay gắn với 80 năm thực hiện Đề cương về văn hóa Việt Nam, ngành VH-TTDL tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Đồng thời, thực hiện Kết luận của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021.

“Năm 2023, ngành tham mưu tổ chức Hội nghị văn hóa tỉnh Đồng Nai để triển khai các nhiệm vụ văn hóa. Bên cạnh đó, ngành sẽ tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số lĩnh vực bảo tàng, thư viện, du lịch… Để các hoạt động đảm bảo hiệu quả, ngành sẽ tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực văn hóa, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thông qua đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ. Tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức và thống nhất hành động, tạo sự đồng thuận, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao” - bà Loan nhấn mạnh.

Ly Na


Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh QUẢN MINH CƯỜNG: 

Phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa

Đề cương về văn hóa Việt Nam là nền tảng, kim chỉ nam để Đảng ta xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. 80 năm qua, Đề cương về văn hóa Việt Nam mặc dù có một số nội dung và khái niệm thay đổi nhưng giá trị cốt lõi của nó vẫn còn nguyên tính thời sự.

Là tỉnh công nghiệp song Đồng Nai luôn quan tâm, chú trọng phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa. Đây là vùng đất có truyền thống lịch sử lâu đời, có chiều sâu, bề dày văn hóa, với hệ thống di sản phong phú, đồ sộ; các dân tộc anh em, các tôn giáo, người lao động khắp các vùng miền hội tụ về sinh sống, làm việc, cùng nhau đoàn kết, chung sức xây dựng văn hóa, con người Đồng Nai.

Để phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa, trong thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa cơ sở, các rạp hát, khu thể thao, trường học, văn học nghệ thuật. Đồng thời, quan tâm giáo dục - đào tạo, chú trọng giáo dục văn hóa, lịch sử trong cán bộ, đảng viên và cộng đồng dân cư. Qua đó, nâng cao đời sống tinh thần cho các tầng lớp nhân dân.

Phó trưởng phòng Văn hóa - thông tin H.Định Quán THIỀU QUANG TÂN:

Tạo thuận lợi cho người dân hưởng thụ văn hóa

Là đơn vị phụ trách lĩnh vực VH-TTDL của H.Định Quán, sau Hội thảo 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam, chúng tôi tiếp tục tham mưu cho UBND huyện xây dựng các kế hoạch hoạt động hoàn chỉnh hơn. Trong đó, phát triển hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, nhất là thiết chế vùng đồng bào dân tộc thiểu số để tổ chức các hoạt động văn hóa cho mọi đối tượng. Duy trì và thành lập các CLB văn nghệ, đờn ca tài tử, thể dục thể thao; phối hợp với các đơn vị tăng cường đưa những chương trình nghệ thuật về các xã nông thôn mới, các khu nhà trọ có đông công nhân lao động phục vụ bà con, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân đến sinh hoạt, hưởng thụ văn hóa tinh thần.

Chị NGUYỄN LÊ THÙY DƯƠNG, Bí thư Đoàn P.Thống Nhất (TP.Biên Hòa):

Đoàn viên, thanh niên tích cực học tập, lan tỏa giá trị văn hóa

Nhằm phát huy những giá trị văn hóa, con người Đồng Nai trong giai đoạn hiện nay, Đoàn thanh niên xác định nhiệm vụ quan trọng là xây dựng lớp thanh niên giàu lòng yêu nước, có lý tưởng cách mạng và bản lĩnh chính trị vững vàng; có tri thức, chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng lao động giỏi; có văn hóa và sống tình nghĩa; có sức khỏe thể chất và tinh thần lành mạnh.

Chúng tôi đã tổ chức nhiều hoạt động như: tham quan, học tập, tìm hiểu di sản văn hóa; thực hiện các bộ ảnh, video, giới thiệu văn hóa, ẩm thực, các điểm đến du lịch của Biên Hòa - Đồng Nai thông qua YouTube, TikTok, Facebook. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng rất tích cực trong tham gia đấu tranh, phản bác tin giả, tin xấu độc hại; chia sẻ thông tin chính thống trên mạng xã hội, góp phần lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy thông tin tích cực đẩy lùi thông tin tiêu cực.            

My Ny (ghi)


 

Tin xem nhiều