Báo Đồng Nai điện tử
En

Kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023)

07:02, 27/02/2023

Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời năm 1943 được xem là cương lĩnh đầu tiên của Đảng về văn hóa, đặt nền móng lý luận cho sự phát triển của nền văn hóa mới Việt Nam.

Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời năm 1943 được xem là cương lĩnh đầu tiên của Đảng về văn hóa, đặt nền móng lý luận cho sự phát triển của nền văn hóa mới Việt Nam. Suốt 80 năm qua, bối cảnh tình hình và điều kiện cụ thể đã có nhiều đổi thay nhưng những nội dung cốt lõi trong đề cương vẫn vẹn nguyên giá trị và tính thời sự, tạo nền tảng và là ngọn đuốc soi sáng sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Một tiết mục văn nghệ được Trung tâm Văn hóa - điện ảnh tỉnh dàn dựng, biểu diễn phục vụ công nhân  các khu nhà trọ, khu công nghiệp. Ảnh: L.NA
Một tiết mục văn nghệ được Trung tâm Văn hóa - điện ảnh tỉnh dàn dựng, biểu diễn phục vụ công nhân các khu nhà trọ, khu công nghiệp. Ảnh: L.NA

Bài 1: Văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội

Phát triển văn hóa là một trong những vấn đề trọng tâm, là nội dung đặc biệt quan trọng trong định hướng phát triển đất nước thời kỳ mới. Bởi văn hóa bắt nguồn từ yếu tố con người và những giá trị lịch sử, truyền thống của dân tộc.

Trong suốt thời gian qua Đồng Nai luôn quan tâm chăm lo, phát triển văn hóa và con người Việt Nam nói chung, tỉnh nhà nói riêng, tạo nguồn động lực để xây dựng nền tảng tinh thần xã hội. 

Tài sản tinh thần quý giá

Giám đốc Sở VH-TTDL LÊ THỊ NGỌC LOAN cho biết: “Kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam, Đồng Nai đẩy mạnh công tác tuyên truyền  toàn văn của đề cương năm 1943; tham gia hội thảo khoa học quốc gia trực tuyến đến 63 tỉnh, thành phố. Ngành VH-TTDL tổ chức tuần phim chào mừng kỷ niệm 80 năm Đề cương văn hóa Việt Nam từ ngày 25-2 đến 3-3. Các phim do Bộ VH-TTDL cung cấp, được các đội chiếu phim lưu động công chiếu tại 11 huyện, thành phố trong tỉnh”.

Không chỉ là trung tâm phát triển kinh tế, văn hóa Đồng Nai có từ rất sớm, là một trong 3 nền văn hóa lớn thời tiền sơ sử ở Việt Nam (bên cạnh văn hóa Đông Sơn và văn hóa Sa Huỳnh). Trong hơn 3 thế kỷ qua, người Việt cùng với cư dân bản địa Đồng Nai đã tạo nên tính cách văn hóa đặc trưng cho đất và người Nam bộ nói chung, vùng Đông Nam bộ nói riêng. Nhiều người được vinh danh trong lịch sử mở cõi, đấu tranh, giải phóng dân tộc như: Nguyễn Hữu Cảnh, Trần Thượng Xuyên, Trịnh Hoài Đức, Huỳnh Văn Nghệ, Nguyễn Tri Phương, Dương Tử Giang…

TS Nguyễn Văn Quyết, nhà nghiên cứu văn hóa Đồng Nai cho hay, văn hóa được xem là tài sản tinh thần quý báu. Trong thời đại Hồ Chí Minh, con người và vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai đã kế tục xứng đáng với truyền thống hào hùng của quê hương, đất nước. Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ xâm lược, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Hồ Chủ tịch, Xứ ủy Nam bộ, Trung ương Cục, Khu ủy miền Đông, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Đồng Nai đã đoàn kết, kiên cường, lập nên nhiều chiến công vang dội, góp phần vào Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Để thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Đồng Nai theo tinh thần nghị quyết qua các kỳ đại hội Đảng, Đồng Nai đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, đề án… để cụ thể hóa nghị quyết, đưa nghị quyết vào cuộc sống. Trong đó, ban hành kế hoạch xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; kế hoạch truyền bá rộng rãi những giá trị mới của con người Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tập trung xây dựng con người Đồng Nai phát triển toàn diện; Chiến lược phát triển gia đình vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Đồng Nai đến năm 2030, giai đoạn 1 từ 2022-2025…

Theo Giám đốc Sở VH-TTDL Lê Thị Ngọc Loan, qua 80 năm thực hiện Đề cương về văn hóa Việt Nam, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, văn hóa và con người Đồng Nai đang tiếp tục được xây dựng và phát triển, từng bước đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững. Trên các lĩnh vực văn hóa, thể dục thể thao, di sản, du lịch, xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tạo ra những dấu ấn văn hóa riêng. Nhờ vậy, đời sống văn hóa tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.

“Mặc dù ngành VH-TTTDL đã tổ chức rất nhiều hoạt động văn hóa từ tỉnh đến cơ sở song chất lượng của các hoạt động có nơi, có lúc chưa thực sự đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh. Vẫn còn nhiều di tích xuống cấp, chưa được trùng tu, sửa chữa, tôn tạo kịp thời. Đặc biệt, trong xu thế mở cửa hội nhập và phát triển mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, bên cạnh những giá trị tích cực thì không thể tránh khỏi văn hóa ngoại lai đi vào đời sống xã hội, nhất là với tỉnh công nghiệp như Đồng Nai. Sự giao thoa của văn hóa vì thế cũng hiện diện trong đời sống xã hội. Thực trạng đó đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải vào cuộc mạnh mẽ, làm sống lại văn hóa truyền thống của dân tộc” - bà Loan chia sẻ.

Quan tâm đời sống văn hóa công nhân lao động

Là tỉnh có hơn 1,2 triệu công nhân, người lao động đang làm việc trong các công ty, doanh nghiệp, Đồng Nai đặc biệt quan tâm đến vấn đề nâng cao đời sống cho công nhân, lao động. Bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đưa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với công nhân lao động, Đồng Nai đã ban hành nhiều đề án, nghị quyết; tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao cho công nhân lao động. Bố trí quỹ đất để xây dựng thêm các thiết chế văn hóa, ưu tiên những nơi tập trung đông công nhân; nhân rộng mô hình khu nhà trọ văn hóa…

Công nhân Công ty TNHH Pousung Việt Nam, H.Trảng Bom hào hứng tham gia tọa đàm tư vấn tâm lý hôn nhân gia đình
Công nhân Công ty TNHH Pousung Việt Nam, H.Trảng Bom hào hứng tham gia tọa đàm tư vấn tâm lý hôn nhân gia đình

H.Trảng Bom là địa phương có hơn 121 ngàn lao động từ khắp mọi miền đất nước về sinh sống, làm việc. Với số lượng công nhân lớn, nhu cầu về đời sống vật chất, hưởng thụ văn hóa, tinh thần ngày càng cao, H.Trảng Bom thường xuyên tổ chức khảo sát, đánh giá nhu cầu hưởng thụ văn hóa của công nhân lao động để kịp thời bổ sung, điều chỉnh các hoạt động. Bên cạnh đó, huyện còn triển khai xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, kêu gọi các doanh nghiệp cùng tham gia, chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn.

Sáng nay 27-2, tại Hà Nội diễn ra Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề: Văn hóa Việt Nam - Khởi nguồn và động lực phát triển kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam. Hội thảo tập trung thảo luận, làm rõ các nội dung trọng tâm về giá trị lý luận, thực tiễn của Đề cương về văn hóa Việt Nam và văn hóa, con người Việt Nam - nền tảng tinh thần, động lực phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Phó phòng Văn hóa - thông tin H.Trảng Bom Phạm Thị Bích Nhàn chia sẻ: “Hiện trên địa bàn huyện có 24 khu nhà trọ văn hóa (trong đó có 3 ký túc xá của các công ty: Chính xác, Greatveca, Đông Phương). Hàng năm, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tích cực đăng ký tham gia Liên hoan doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa tiêu biểu, xuất sắc tỉnh Đồng Nai. Song song đó, huyện còn chú trọng phát triển văn hóa đọc trong công nhân lao động. Cấp phát 100-200 bản sách, báo/năm cho các khu nhà trọ văn hóa, nâng tổng số sách báo trong các tủ sách tại các khu nhà trọ văn hóa lên trên 20 ngàn bản. Năm 2022, toàn huyện có 98,2% doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”.

Tổng giám đốc Công ty TNHH Tokin Electronics Lê Bá Quý cho biết: “Nhằm giúp người lao động gắn bó lâu dài, chúng tôi thường xuyên tổ chức hội nghị để lắng nghe, nắm bắt được tâm tư, kiến nghị. Vào giờ giải lao mỗi ngày, chúng tôi mở tivi, phát các chương trình về pháp luật lao động, chế độ phúc lợi… để tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến công nhân lao động. Đặc biệt, chúng tôi thường xuyên quan tâm các vấn đề nhà ở, nhà trẻ cho con công nhân, tổ chức khu vực vui chơi giải trí, hoạt động thể dục thể thao. Hàng năm đều tổ chức cho người lao động đi du lịch, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần”.

Tại buổi làm việc với đoàn kiểm tra Trung ương Ban chỉ đạo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa vào tháng 10-2022, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng nhấn mạnh, Đồng Nai là tỉnh công nghiệp, bên cạnh chủ trương phát triển kinh tế, Đồng Nai rất quan tâm và phát triển kinh tế với văn hóa, tạo sự cân bằng. Thời gian tới, Đồng Nai sẽ tiếp tục tập trung xây dựng nhà ở cho công nhân, người lao động; đồng thời tiếp tục đầu tư, nâng cấp hệ thống thiết chế văn hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho công nhân vui chơi, sinh hoạt.

Ly Na

Bài 2:  Đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mới

Tin xem nhiều