Nhằm khơi nguồn sức mạnh văn hóa của vùng đất 325 năm hình thành và phát triển, Đồng Nai đã và đang bắt tay triển khai nhiều việc làm cụ thể nhằm biến tiềm năng văn hóa thành những sản phẩm, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của các tầng lớp nhân dân.
[links()]Nhằm khơi nguồn sức mạnh văn hóa của vùng đất 325 năm hình thành và phát triển, Đồng Nai đã và đang bắt tay triển khai nhiều việc làm cụ thể nhằm biến tiềm năng văn hóa thành những sản phẩm, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của các tầng lớp nhân dân.
Bạn đọc trên địa bàn TP.Biên Hòa đọc sách, tìm hiểu văn hóa tại không gian đọc sách mở công viên Nguyễn Văn Trị vào thứ bảy, chủ nhật hàng tuần |
Thực hiện nhiều công trình văn hóa
Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Nguyễn Xuân Thanh cho biết, hiện thành phố đã triển khai dự án Cải tạo công viên Biên Hùng. Tại đây, thành phố sẽ tạo điểm nhấn bằng cách xây dựng đường sách, công viên sách dành cho người dân Biên Hòa, kết hợp với tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao. Bên cạnh đó, thành phố đã có chủ trương xây dựng không gian đọc sách trên Phố đi bộ Nguyễn Văn Trị. Trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, điểm đọc sách tại phố đi bộ đã thu hút khá đông người dân quan tâm, tìm hiểu và đọc sách.
Vào tháng 1-2023, tại buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh về kết quả thực hiện nhiệm vụ văn hóa - xã hội và chỉ đạo của đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng về văn hóa, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy NGUYỄN HỒNG LĨNH nhấn mạnh: “Năm 2023, chúng ta phải tổ chức Hội nghị Văn hóa tỉnh Đồng Nai nhằm đánh giá những gì đã làm được và sắp tới cần phải làm gì? Phó chủ tịch phụ trách văn hóa các xã, phường, thị trấn; các đơn vị liên quan đến văn hóa của huyện, của tỉnh phải dự; Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh phải họp để trao đổi về thực hiện các chủ trương, nghị quyết về văn hóa. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu hàng năm tổ chức hội nghị tôn vinh những công dân ưu tú, công dân văn hóa, người tốt - việc tốt với sự góp mặt của các lãnh đạo tỉnh…”. |
“Tại công viên Dương Tử Giang, TP.Biên Hòa sẽ có quy hoạch lại, tổ chức thêm nhiều hoạt động vui chơi, giải trí cho thiếu nhi. Đồng thời, xây dựng cảnh quan thành điểm sinh hoạt văn hóa, thể dục, thể thao cho người dân vào tất cả các buổi tối trong tuần. Qua đó, tạo không gian văn hóa vừa thân thiện, gần gũi, hiện đại, giàu sức sống và bản sắc, thu hút người dân đến sinh hoạt, đặc biệt là lứa tuổi thanh thiếu niên” - ông Thanh chia sẻ.
Tại ấp 3, xã Long Thọ (H.Nhơn Trạch), trong năm vừa qua đã cải tạo khu đất rộng gần 1 ngàn m2 thành công viên với hệ thống đèn chiếu sáng, cây xanh, phục vụ cho người dân vui chơi, giải trí. Nguồn vốn đầu tư công viên này gần 500 triệu đồng được sử dụng từ nguồn ngân sách của xã. Bên cạnh đó, xã Long Thọ còn cải tạo thêm 2 khu đất công khác làm sân bóng chuyền, sân cầu lông phục vụ nhu cầu luyện tập thể dục, thể thao thường xuyên và khu đất trồng cây xanh, đặt bia đá khắc dòng chữ: Xã Long Thọ anh hùng. Đây là 2 công trình được thực hiện từ nguồn vốn xã hội hóa với tổng kinh phí gần 350 triệu đồng.
Theo NSND Giang Mạnh Hà, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) Đồng Nai, thời gian qua hội viên các ban chuyên môn của Hội VHNT Đồng Nai đã tích cực lao động, sáng tạo cho ra đời nhiều tác phẩm, công trình có giá trị cao về nội dung và nghệ thuật. Chỉ tính riêng năm 2022, có trên 800 tác phẩm, công trình VHNT được công bố, giới thiệu rộng rãi thông qua báo, đài, tạp chí và các trang mạng xã hội. Riêng Ban Nhiếp ảnh đã sáng tạo 700 tác phẩm tham dự triển lãm, liên hoan ảnh, các cuộc thi trong và ngoài nước, trong đó có 4 tác phẩm đoạt giải quốc tế.
“Trong năm qua, lần đầu tiên Hội VHNT được Tỉnh ủy giao chủ trì thiết kế không gian văn hóa tại 2 địa điểm thuộc trung tâm TP.Biên Hòa gồm: Khu vực quảng trường tỉnh và công viên Dương Tử Giang. Hội đã tiến hành khảo sát thực địa, thực hiện bản vẽ thiết kế, đang trình UBND tỉnh phê duyệt, dự kiến hoàn thành vào năm 2025. Ngoài ra, Hội cũng đề xuất ý tưởng cải tạo, nâng cấp công viên Biên Hùng và được Bí thư Tỉnh ủy chấp thuận, góp phần tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp và hiện đại cho khu vực trung tâm TP.Biên Hòa” - NSND Giang Mạnh Hà cho hay.
Cùng với thực hiện các công trình văn hóa, bảo tồn và phát huy giá trị di sản; lan tỏa và đưa các phong trào đi vào chiều sâu, ngành VH-TTDL đã triển khai thực hiện chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn Đồng Nai. Trong đó, xác định đẩy mạnh phát triển du lịch, khai thác có hiệu quả các lợi thế về địa lý, các tiềm năng du lịch về tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch văn hóa. Ứng dụng các thành tựu của khoa học công nghệ hiện đại trong sản xuất, phổ biến, lưu giữ các sản phẩm văn hóa nghệ thuật; mở rộng hợp tác, trao đổi, giao lưu văn hóa nghệ thuật với các nước trong khu vực và quốc tế.
Đầu tư văn hóa là đầu tư cho tương lai
Mặc dù nhiều công trình văn hóa được đầu tư song tại các địa phương hiện nay cũng gặp không ít khó khăn, nhất là ở khu vực trung tâm do thiếu quỹ đất để mở rộng diện tích nhà văn hóa. Bên cạnh đó, việc kêu gọi xã hội hóa, đầu tư cho hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở cũng gặp nhiều khó khăn do vướng các quy định, nhất là quy định về Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật Đồng Nai tổ chức biểu diễn nghệ thuật tại công viên Dương Tử Giang năm 2023 |
Theo Phó trưởng phòng Văn hóa - thông tin H.Định Quán Thiều Quang Tân, ở các trung tâm văn hóa thể thao - học tập cộng đồng cấp xã trên địa bàn huyện hiện triển khai một số hồ bơi và sân bóng đá mini theo hình thức xã hội hóa. Hiện các trung tâm này thu tiền từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng/tháng/sân. Địa phương không biết theo các quy định, thủ tục đầu tư và thu như vậy có hợp lý hay không? Đối với thực hiện thủ tục xã hội hóa ở các trung tâm cấp xã, địa phương kiến nghị có nên giao thẩm quyền về cho UBND huyện, để huyện có định hướng, xử lý kịp thời. Như vậy mới tạo điều kiện thu hút chủ đầu tư.
Trong các buổi làm việc với ngành VH-TTDL và Hội VHNT Đồng Nai thời gian qua, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh đã nhấn mạnh, đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho tương lai, là đầu tư cho sự sinh sôi nảy nở và phát triển. Do đó, cần hết sức quan tâm đến việc phát triển văn hóa, đưa văn hóa phát triển xứng tầm với sự phát triển kinh tế và sự phát triển chung của tỉnh. Bởi mọi sự phát triển đều hướng đến phục vụ nhu cầu đời sống của người dân.
Giám đốc Sở VH-TTDL Lê Thị Ngọc Loan cho biết, để tiếp tục thực hiện kết luận của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, trong thời gian tới, ngành VH-TTDL tiếp tục triển khai, thực hiện hiệu quả các nghị quyết, kế hoạch về phát triển văn hóa. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về xây dựng và phát triển văn hóa con người Đồng Nai, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững.
“Trong năm 2023, ngành VH-TTDL sẽ tổ chức đa dạng các hoạt động văn hóa, thể thao phục vụ các nhiệm vụ chính trị và phục vụ nhu cầu của nhân dân. Ưu tiên đưa các hoạt động văn hóa về cơ sở phục vụ người dân các xã vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ kháng chiến, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài ra, sẽ tiếp tục kêu gọi xã hội hóa, tăng cường công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực văn hóa, kịp thời ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm quy định, đặc biệt là các sản phẩm văn hóa độc hại, dịch vụ văn hóa không lành mạnh có tác động xấu đến nhận thức, tư tưởng của người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ” - bà Ngọc Loan nhấn mạnh.
Ly Na