Báo Đồng Nai điện tử
En

Độc đáo gốm cổ dưới dòng Đồng Nai

08:01, 14/01/2023

Đặt trong không gian văn hóa của Bảo tàng Đồng Nai, hiện vật gốm cổ dưới lòng sông Đồng Nai đã và đang được trưng bày và giới thiệu đến người dân và du khách trong dịp Tết Quý Mão 2023.

Đặt trong không gian văn hóa của Bảo tàng Đồng Nai, hiện vật gốm cổ dưới lòng sông Đồng Nai đã và đang được trưng bày và giới thiệu đến người dân và du khách trong dịp Tết Quý Mão 2023.

Các em học sinh tham quan gốm cổ lòng sông Đồng Nai tại Bảo tàng Đồng Nai. Ảnh: L.Na
Các em học sinh tham quan gốm cổ lòng sông Đồng Nai tại Bảo tàng Đồng Nai. Ảnh: L.Na

Gốm cổ lòng sông Đồng Nai không chỉ giúp các nhà nghiên cứu, học sinh, sinh viên, các tầng lớp nhân dân hiểu hơn về những trầm tích văn hóa mà còn hiểu về đời sống của người dân bản địa trong chiều dài hàng ngàn năm lịch sử.

* Trầm tích văn hóa…

Sông Đồng Nai (còn có tên gọi là Phước Long Giang) - dòng sông bắt nguồn từ cao nguyên Lang Biang đổ ra Biển Đông. Trong đó, đoạn chảy qua TP.Biên Hòa và các cù lao phụ cận như vết son duyên dáng tô điểm cho thành phố thêm thơ mộng, trữ tình. Ngoài những lợi ích được con người khai thác phục vụ cho đời sống, lòng sông Đồng Nai còn là nơi ẩn chứa nhiều điều kỳ thú.

Phó giám đốc Sở VH-TTDL Nguyễn Thị Mộng Bình cho biết, dưới lớp phù sa của dòng sông Đồng Nai, trong suốt nhiều năm qua, người dân đã tình cờ tìm thấy, vớt được nhiều cổ vật. Các cổ vật này được các nhà nghiên cứu, nhà khoa học xác định qua các thời kỳ văn hóa phát triển trên vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai.

“Liên tiếp trong những năm 1994-1998, những ngư dân ven sông Đồng Nai đã trục vớt được vô số đồ gốm cũng tương ứng với loại hình gốm phát hiện ban đầu nhưng phong phú và đa dạng hơn. Một số còn nguyên dạng và một số bị vỡ. Hầu hết các loại hình hiện vật phong phú về kiểu dáng, hoa văn và kỹ thuật chế tác” - bà Mộng Bình nói.

Giám đốc Bảo tàng Đồng Nai NGUYỄN VIỆT SƠN cho biết: “Ngoài triển lãm Sưu tập gốm lòng sông Đồng Nai tại khuôn viên bảo tàng, chúng tôi còn trưng bày triển lãm chuyên đề Sắc màu văn hóa các dân tộc bản địa ở Đồng Nai tại Văn miếu Trấn Biên phục vụ các tầng lớp nhân dân trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2023. Bên cạnh đó, chúng tôi đẩy mạnh chỉnh trang khuôn viên của di tích, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đến tham quan, thưởng lãm nhân dịp Tết đến, Xuân về”.

Gốm cổ sông Đồng Nai có chủng loại vô cùng phong phú: bình, ché, hũ, vò, ấm, bát, bình vôi, nồi, chum... Đó là những hiện vật từng gắn bó mật thiết và phản ánh cụ thể về đời sống sinh hoạt của cư dân; phản ánh quá trình giao lưu, trao đổi giữa các vùng miền của Việt Nam. Những vật dụng rất đỗi bình dị, đủ các chất liệu thuộc nhiều giai đoạn lịch sử... đều còn khá nguyên vẹn, mang hoa văn đặc trưng về cuộc sống đời thường của cư dân cổ cư trú trên mảnh đất 325 năm hình thành và phát triển.

Trong đó, nổi bật là bộ ấm có quai được làm từ đất sét mịn có pha ít cát, độ nung cao, xương gốm có màu nâu đỏ, hồng, xám, được chế tác bằng bàn xoay; hay nồi đất giả đồng có nhiều kích cỡ, hoa văn vạch vòng xung quanh khác nhau; đó là bộ sưu tập bình vôi đủ kích cỡ, từ lớn đến nhỏ, có loại tráng men. Bình thì được trang trí bởi những hoa dây lá cách điệu, bình thì chạm nổi những con ve... rất đa dạng. Theo các nhà nghiên cứu khoa học, khung niên đại của bộ sưu tập gốm cổ lòng sông Đồng Nai kéo dài từ thế kỷ thứ VI cho đến thế kỷ thứ XIX.

Vừa xem gốm cổ lòng sông Đồng Nai tại Bảo tàng Đồng Nai, vừa giới thiệu đến các em học sinh về những trầm tích văn hóa của các hiện vật, TS Nguyễn Văn Quyết, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản tỉnh cho hay, những hiện vật gốm được trưng bày và giới thiệu đến công chúng khá đặc biệt. Mỗi sản phẩm chất chứa nếp sống riêng, cảm xúc và sự sáng tạo riêng của con người. Các bộ sưu tập gốm cổ còn nguyên vẹn, có tính thẩm mỹ cao, không chỉ quý giá mà còn rất đẹp, rất ưa nhìn. Tất cả hình thành nên một đời sống, tập thể trong xã hội vào thời điểm nhất định.

* Phát huy giá trị trong đời sống

Những ngày giáp Tết Quý Mão 2023, em Nguyễn Kim Ngọc (học sinh Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật Đồng Nai) cùng bạn bè đến tham quan Bảo tàng Đồng Nai. Kim Ngọc chia sẻ: “Được xem các hiện vật gốm cổ trưng bày tại bảo tàng khiến em rất bất ngờ. Bởi em chưa từng nghĩ đến dưới lòng sông Đồng Nai có nhiều sản phẩm gốm với rất nhiều giai đoạn lịch sử như thế. Những câu chuyện từ các hiện vật được lấy lên từ lòng sông giúp em hiểu hơn về đời sống của người xưa, hiểu hơn văn hóa xưa của người Biên Hòa - Đồng Nai nói riêng, văn hóa cổ của Việt Nam nói chung”.

Một số sản phẩm gốm cổ lòng sông Đồng Nai được trưng bày, giới thiệu đến người dân và du khách trước, trong và sau Tết Quý Mão 2023
Một số sản phẩm gốm cổ lòng sông Đồng Nai được trưng bày, giới thiệu đến người dân và du khách trước, trong và sau Tết Quý Mão 2023

Giám đốc Bảo tàng Đồng Nai Nguyễn Việt Sơn cho hay, hiện bảo tàng đã liên kết với hệ thống các công ty du lịch, lữ hành trong và ngoài tỉnh, đặc biệt ở các tỉnh, thành trong khu vực như: TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu… đến tham quan hệ thống di tích cũng như các triển lãm mà bảo tàng trưng bày và giới thiệu. Bảo tàng còn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, đưa các sản phẩm gốm lòng sông Đồng Nai, đưa hình ảnh của Văn miếu Trấn Biên lên website của bảo tàng và các trang mạng xã hội.

“Trong thời gian tới, Bảo tàng Đồng Nai tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng công nghệ 3D và trải nghiệm thực tế ảo; liên kết với hệ thống bảo tàng trong cả nước nhằm giới thiệu rộng rãi hơn về những hiện vật tiêu biểu và có giá trị của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai 325 năm hình thành và phát triển. Qua đó, bảo tồn và phát huy giá trị di sản trong đời sống đương đại” - ông Sơn nói.

Ly Na

Tin xem nhiều