Văn học nghệ thuật (VHNT) Đồng Nai đã và đang góp phần cổ vũ, động viên, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ, bồi đắp bản lĩnh và nhân cách Bộ đội Cụ Hồ.
Văn học nghệ thuật (VHNT) Đồng Nai đã và đang góp phần cổ vũ, động viên, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ, bồi đắp bản lĩnh và nhân cách Bộ đội Cụ Hồ.
Một tiết mục về người lính do nghệ sĩ Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai biểu diễn, phục vụ khán giả trong và ngoài tỉnh. Ảnh: M.Ny |
Nhiều tác phẩm được triển lãm, dàn dựng, biểu diễn có chất lượng, bám sát thực tiễn truyền tải đến cán bộ, chiến sĩ, nhân dân tình yêu quê hương, tôn vinh những tấm gương, hình ảnh cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới.
* Luôn là đề tài hấp dẫn…
Nhà văn Phạm Thanh Quang (ngụ P.Tam Hiệp, TP.Biên Hòa) từng là người lính thời kháng chiến chống Mỹ. Những ký ức không thể nào quên của thời chiến là cảm hứng, chất liệu để ông sáng tác nhiều tác phẩm, xuất bản thành tiểu thuyết, truyện ngắn, tập thơ viết về đồng đội, về những người lính trong và sau chiến tranh, người lính thời bình. Trong số những tác phẩm ấy có bài thơ Khoảng lặng không gian. Bài thơ kể câu chuyện người lính trở về từ sau chiến tranh, với một cánh tay đã mất: “Một cánh tay lành, vỗ lệch không gian”.
Từ ý thơ trên, nhạc sĩ Cao Hồng Sơn (ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) đã phổ nhạc bài thơ và giới thiệu rộng rãi đến công chúng trong và ngoài tỉnh.
Theo nhạc sĩ Cao Hồng Sơn, bên cạnh viết về quê hương, đất nước, con người, âm nhạc về người lính, anh bộ đội Cụ Hồ cũng là mảng đề tài được ông quan tâm. Trong đó phải kể đến các bài hát như: Câu hát tiễn chồng; Những chàng trai của biển… Các ca khúc không chỉ thể hiện cảm xúc về sự hy sinh của người lính, của những người mẹ, mà đó còn là trách nhiệm của một người nghệ sĩ, hướng đến giá trị chân - thiện - mỹ.
Cũng xuất thân từ môi trường quân đội, biên đạo múa Trần Thế Cư (ngụ P.Tam Phước, TP.Biên Hòa) hiểu những hy sinh, vất vả của người lính nên các tác phẩm, chương trình ông dàn dựng phần lớn ca ngợi người chiến sĩ lực lượng quân đội, công an nhân dân.
Nghệ sĩ Thế Cư chia sẻ: “Lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng, người lính trong thời chiến và thời bình luôn là mảng đề tài vô tận cho các loại hình nghệ thuật, trong đó có nghệ thuật múa. Người lính trong hoàn cảnh nào cũng phát huy phẩm chất cách mạng, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ. Qua múa, vừa thể hiện sự tri ân, vừa góp phần làm phong phú đời sống văn hóa, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ”.
Trên lĩnh vực sân khấu, hình tượng người lính xuất hiện khá nhiều trong các vở diễn cải lương. Trong đó phải kể đến các vở như: Hồi sinh, Cuộc chiến…
Từng hóa thân vào các vai diễn và biểu diễn nhiều bài hát về chiến tranh cách mạng, nghệ sĩ Thành Vinh cho hay, để mang cảm xúc đến với người xem, bản thân anh đã tìm hiểu rất kỹ về từng nhân vật, từ hành động, việc làm, lời nói, cử chỉ, hoàn cảnh ra đời ca khúc…
So với các bộ môn nghệ thuật khác, việc xây dựng hình tượng người lính Cụ Hồ trên sân khấu cải lương khó hơn. Tuy nhiên, nhiều vở diễn của Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai thời gian qua đã tạo được dấu ấn sâu đậm, nhất là đề tài về lực lượng vũ trang.
Mỹ thuật, nhiếp ảnh những năm gần đây góp phần không nhỏ trong quảng bá hình ảnh người chiến sĩ trong thời đại mới. Trong đó phải kể đến các sáng tác của họa sĩ Đào Tấn Hưng, các nhà nhiếp ảnh Đỗ Văn Cư, Nguyễn Mạnh Hà, Nguyễn Hòa… Đề tài người lính được quan tâm, thể hiện khá mới mẻ, các hình ảnh để lại những ấn tượng tốt đẹp, tình cảm yêu mến trong lòng công chúng.
* Lan tỏa…
Hình ảnh người lính được VHNT khai thác ở nhiều góc nhìn với sự rung động sâu sắc, đã và đang tỏa sáng, chinh phục công chúng.
Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa điện ảnh Đồng Nai Đỗ Thị Hồng cho biết, hằng năm trung tâm dàn dựng nhiều chương trình văn nghệ, tổ chức hội thi ảnh và triển lãm ảnh đề tài anh bộ đội Cụ Hồ, biểu diễn, trưng bày phục vụ các tầng lớp nhân dân. Các ca khúc, tiểu phẩm, triển lãm ảnh đi sâu khắc họa chân dung bộ đội Cụ Hồ, các hoạt động của bộ đội trên tất cả các lĩnh vực, trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phát huy truyền thống, cống hiến tài năng; tình quân dân, nét đẹp đời thường trong sinh hoạt… lan tỏa hình ảnh đó đến với cộng đồng, xã hội.
NSND Giang Mạnh Hà, Phó chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Chủ tịch Hội VHNT Đồng Nai cho hay: “Phần lớn các sáng tác đề tài lực lượng vũ trang của văn nghệ sĩ tỉnh nhà đều được giới thiệu rộng rãi thông qua Tạp chí Văn nghệ, các triển lãm, các chương trình nghệ thuật giao lưu với cán bộ, chiến sĩ, tạo cầu nối giữa công chúng với văn nghệ sĩ. Mỗi chương trình có hàng trăm cán bộ, chiến sĩ tham gia, tạo ra một hiệu ứng sân khấu hết sức hiệu quả. Đây không chỉ là động lực thôi thúc văn nghệ sĩ tỉnh nhà tiếp tục sáng tạo những tác phẩm mới, hấp dẫn hơn, mà qua VHNT động viên cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang”.
Cùng với các sáng tác của văn nghệ sĩ, trong năm 2022, các đơn vị nghệ thuật chuyên và không chuyên trong tỉnh đã tổ chức biểu diễn nhiều chương trình nghệ thuật, sân khấu cải lương, triển lãm ảnh chủ đề người lính, Bộ đội Cụ Hồ, tiêu biểu như: Mừng ngày chiến thắng; Đồng đội ơi, những tháng năm bất tử; Đảo xa Tổ quốc; Chiến tranh và người mẹ… VHNT không chỉ là nguồn sức mạnh vô bờ, động viên cán bộ, chiến sĩ mà còn góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống trong nhân dân, nhất là trong học sinh, sinh viên. |
My Ny