Mặc dù đã có sự quan tâm, đầu tư nhiều nguồn lực xây dựng và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở nhưng thực trạng hoạt động của nhiều nhà văn hóa (NVH) ở các địa phương trong tỉnh vẫn còn khó khăn. Một số NVH hiện đã xuống cấp, thiếu trang thiết bị phục vụ cho các sinh hoạt cộng đồng.
Mặc dù đã có sự quan tâm, đầu tư nhiều nguồn lực xây dựng và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở nhưng thực trạng hoạt động của nhiều nhà văn hóa (NVH) ở các địa phương trong tỉnh vẫn còn khó khăn. Một số NVH hiện đã xuống cấp, thiếu trang thiết bị phục vụ cho các sinh hoạt cộng đồng.
Nền nhà tại Nhà văn hóa dân tộc S’tiêng ở xã Tân Hiệp (H.Long Thành) đã xuống cấp, sụt lún chờ được tu bổ, sửa chữa. Ảnh: L.Na |
* Nhiều NVH bị xuống cấp…
NVH dân tộc S’tiêng ở ấp 4, xã Tân Hiệp (H.Long Thành) được xây dựng và chính thức đi vào hoạt động vào năm 2012. Trải qua thời gian, nhiều hạng mục trong NVH đã xuống cấp. Trong đó, phần nền nhà bị sụt lún; hệ thống quạt, đèn trang trí trong khuôn viên NVH đã hư hỏng cần thay mới; thiếu tủ sách, sân bóng đá, bóng chuyền phía sau NVH không có cổng ra vào…
Đồng Nai hiện có 138/170 xã, phường, thị trấn có trung tâm văn hóa - thể thao và học tập cộng đồng hoạt động ổn định (đạt tỷ lệ 82%); 780/932 ấp, khu phố có NVH - khu thể thao cấp ấp (đạt tỷ lệ 83,7%); 14 NVH dân tộc. |
Bí thư Chi bộ ấp 4 Điểu Phua cho biết, từ năm 2020, huyện và xã đã có đoàn công tác về khảo sát hiện trạng của NVH dân tộc S’tiêng, nhưng đến thời điểm hiện tại công trình vẫn chưa được sửa chữa. Một phần là do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, phần nữa là do chưa có kinh phí để sửa chữa. Trong NVH hiện có nhiều bộ trang phục đã cũ; chưa có các dụng cụ luyện tập thể dục - thể thao, nhất là chưa trang bị được trò chơi cho thiếu nhi.
“NVH dân tộc S’tiêng xã Tân Hiệp là nơi sinh hoạt chung của gần 70 hộ với hơn 200 nhân khẩu. NVH xuống cấp, bà con kiến nghị, đề xuất sửa chữa lại một số hạng mục đã xuống cấp cũng như xây thêm tường rào bao quanh NVH để bảo vệ các hiện vật, trang thiết bị nhưng đến nay vẫn chưa được cải tạo, sửa chữa” - ông Điểu Phua nói.
Ngoài NVH dân tộc S’tiêng xuống cấp, trên địa bàn H.Long Thành, nhiều NVH đang cần được duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa. Trong đó phải kể đến NVH ấp 3, ấp 6 xã Phước Bình; NVH dân tộc Chăm ở xã Bình Sơn… Cùng với đó, các NVH như: NVH xã Đắc Lua, NVH các dân tộc xã Tà Lài (H.Tân Phú); NVH ấp 8 và ấp Tự Túc, xã Thừa Đức (H.Cẩm Mỹ); NVH ấp 2, 3, 4, 5, 6 xã Thạnh Phú (H.Vĩnh Cửu); NVH ấp của xã Bàu Hàm 2 (H.Thống Nhất)… cũng đã xuống cấp. Phần lớn các NVH cần được đầu tư thêm trang thiết bị phục vụ cho các hoạt động của cộng đồng.
* Nâng cao hiệu quả hoạt động của NVH
Cũng theo Bí thư Chi bộ ấp 4, xã Tân Hiệp Điểu Phua, mặc dù nhiều hạng mục của NVH dân tộc S’tiêng xuống cấp nhưng bà con trong ấp vẫn thường xuyên sử dụng làm nơi hội họp, tổ chức các lớp học khuyến nông. Bên cạnh đó, ấp 4 còn sử dụng NVH làm nơi tổ chức các hoạt động nhân đạo, từ thiện trao quà cho bà con có hoàn cảnh khó khăn; hay tổ chức văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao. Đặc biệt, bà con S’tiêng ở ấp 4 hằng năm đều duy trì tổ chức lễ hội của dân tộc mình... Qua đó, nâng cao hiệu quả hoạt động của thiết chế cơ sở, phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của bà con.
Cồng chiêng được trưng bày tại Nhà văn hóa dân tộc S’tiêng ấp 4, xã Tân Hiệp (H.Long Thành) |
Thực tế, việc sử dụng và quản lý các thiết chế văn hóa, nhất là NVH ấp, khu phố trên địa bàn Đồng Nai hiện vẫn gặp không ít khó khăn và còn nhiều hạn chế. Trong đó, nhiều NVH được đầu tư xây dựng nhưng xa khu dân cư, thiếu trang thiết bị phục vụ các hoạt động; kinh phí hỗ trợ hoạt động còn ít. Công tác vận động xã hội hóa chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu tổ chức các hoạt động. Bên cạnh đó, cán bộ phụ trách các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở làm việc theo cơ chế kiêm nhiệm, công việc nhiều nên chưa tập trung tốt cho công tác quản lý và tổ chức hoạt động.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống thiết chế văn hóa, đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển văn hóa, con người Đồng Nai trong thời kỳ mới, hiện ngành VH-TTDL đã đề ra nhiều mục tiêu và giải pháp cho thời gian tới. Trong đó, phấn đấu 100% ấp có NVH, khu thể thao và trên 90% đạt chuẩn theo quy định, được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên. Đối với các xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao sau 5 năm được duy trì, giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí văn hóa trên 50%; phấn đấu 100% cán bộ văn hóa ở cơ sở được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ.
Ly Na