Trong số các nhà văn, nhà thơ sống và sáng tác trước năm 1975 ở Sài Gòn và sau năm 1975 tiếp tục sáng tác, ít có tác giả nào được tranh luận nhiều như Bùi Giáng (1926-1998).
Trong số các nhà văn, nhà thơ sống và sáng tác trước năm 1975 ở Sài Gòn và sau năm 1975 tiếp tục sáng tác, ít có tác giả nào được tranh luận nhiều như Bùi Giáng (1926-1998).
Tập thơ Mưa nguồn của thi sĩ Bùi Giáng |
Từ điển tác giả - tác phẩm văn học Việt Nam dùng cho nhà trường (NXB Đại học Sư phạm, Hà Nội, 2009) do 3 tác giả đồng chủ biên gồm: Nguyễn Đăng Mạnh, Bùi Duy Tân và Nguyễn Như, có mục từ Bùi Giáng 2 trang sách (trang 27-28). Hay cuốn Từ điển Văn học (NXB Thế giới, Hà Nội, 2004) có mục từ Bùi Giáng (trang 162-163). Việc đưa Bùi Giáng vào các từ điển là sự công nhận tài năng của ông trong dòng chảy văn học Việt Nam, nhất là thơ.
Nói đến Bùi Giáng, người ta thường nhớ đến những câu “tưng tửng” như: Sài Gòn Chợ Lớn rong chơi/Đi lên đi xuống đã đời du côn; hoặc Dạ thưa xứ Huế bây chừ/Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương…
Cách làm thơ của ông rất lạ lùng. Các tác phẩm chính của ông có thể kể đến: Mưa nguồn (năm 1962), Lá hoa cồn (năm 1963), Màu hoa trên ngàn (năm 1963), Ngàn thu rớt hột (năm 1963), Bài ca quần đảo (năm 1963), Sa mạc trường ca (năm 1963), Sa mạc phát tiết (năm 1969), Mùi hương xuân sắc (năm 1987), Rong rêu (năm 1995), Đêm ngắm trăng (năm 1997)...
Trong đó, Mưa nguồn (NXB Hội Nhà văn, 1993) là một trong những tập thơ tiêu biểu của thi sĩ Bùi Giáng mà Từ điển tác giả - tác phẩm đã “gán” cho ông định ngữ “thi quỷ”, một lối diễn đạt “ăn theo” thi bá, thi tiên, thi Phật. Cuốn sách dày 200 trang, in 176 bài thơ, dĩ nhiên là tác giả lấy cảm hứng tất cả những điều xảy ra trong đời sống xã hội, quanh mình và như bao nhiêu nhà thơ khác, tình yêu là nội dung không thể lẩn tránh. Ông yêu theo cách của chính mình. “Thưa em từ bữa xa nào/ Nhìn nhau mộng đã bước vào trong mơ/ Bụi bay là áng mây mờ/Yêu nhau là hẹn sai giờ ngó nhau/ Đồi xa sương xuống pha màu/ Có chờ đợi bóng em giàu dung nhan/ Con nai bốn vó băng ngàn/ Gặp em thì cũng chạy quàng quanh em” (Thưa em Sài Gòn).
Bùi Giáng yêu sâu đậm lắm, chuyện ông và nghệ sĩ Kim Cương được nói đến nhiều với những câu thơ tình đặc sắc: “Nhớ em anh rất có quyền/ Ngồi trên bãi rộng quàng xiên vẽ hình/ Bốn bên đổ quán xiêu đình/ Ba bề đờ đẫn một mình anh đi” (Đổ quán).
Trong tập Mưa nguồn in lần đầu cách nay 60 năm, có nhiều bài đáng yêu như: Mai sau em về, Mắt buồn, Phụng Hiến, Chào nguyên xuân, Lá trút hoa cồn…
Tìm kiếm Bùi Giáng trên internet có thể thấy, 10 bài thơ của ông được chọn có nhiều bài trong tập Mưa nguồn, có 5 bài được đọc nhiều, 5 bài được ưa thích, cũng nằm trong tập thơ này. Bài thơ Mắt buồn là một trong số đó: “Bỏ người yêu bỏ bóng ma/ Bỏ hình hài của tiên nga trên trời/ Bây giờ riêng đối diện tôi/ Còn hai con mắt khóc người một con”.
Có rất nhiều nghiên cứu về thơ Bùi Giáng, song chưa có ai chia các giai đoạn sáng tác trong thơ của ông. Bản thân Bùi Giáng luôn chủ trương làm thi sĩ không khác gì một cuộc rong chơi, nhưng nhiều năm tháng tỉnh mê, Bùi Giáng đã để lại cho hậu thế một dòng chảy thi ca vừa thấm đượm nguồn mạch Đông phương vừa ôm chứa tinh thần thời đại.
Trần Phi Châu