Báo Đồng Nai điện tử
En

Giao lưu nghệ thuật Chung một dòng sông: Nén hương tri ân các anh hùng liệt sĩ

07:04, 28/04/2022

Tối 26-4, Báo Nhân Dân, Hội Nhà báo Việt Nam và UBND tỉnh Quảng Trị đã phối hợp tổ chức chương trình nghệ thuật Chung một dòng sông tại Hà Nội. 

Tối 26-4, Báo Nhân Dân, Hội Nhà báo Việt Nam và UBND tỉnh Quảng Trị đã phối hợp tổ chức chương trình nghệ thuật Chung một dòng sông tại Hà Nội. Chương trình là nén hương thơm tri ân các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước; đồng thời, cũng là món quà nghệ thuật đặc biệt gửi đến những người dân đôi bờ Bến Hải, Quảng Trị.

Một tiết mục nghệ thuật trong chương trình Chung một dòng sông nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng tỉnh Quảng Trị và 47 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh: Nhân Dân TV
Một tiết mục nghệ thuật trong chương trình Chung một dòng sông nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng tỉnh Quảng Trị và 47 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh: Nhân Dân TV

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Quảng Trị là chiến trường vô cùng ác liệt. Đã có không biết bao nhiêu người con từ khắp mọi miền Tổ quốc đã anh dũng ngã xuống, hiến dâng tuổi thanh xuân để dựng lên những tượng đài chiến thắng trên mảnh đất này.

* Nhiều câu chuyện xúc động, nhân văn

50 năm sau ngày giải phóng, những người con của mảnh đất Quảng Trị anh hùng đã phát huy truyền thống, cần cù lao động, sáng tạo để chung sức, chung lòng xây dựng quê hương giàu đẹp, cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh nhấn mạnh: “Sông Bến Hải - cầu Hiền Lương nhắc nhở về một dòng sông của tình nghĩa đồng bào, giữa những người con cùng mang dòng máu Lạc Hồng, cho dù trước kia từng ở hai bên bờ chiến tuyến. Giữa họ luôn có một dòng sông miên man, bền bỉ chảy, đó là tình yêu quê hương, xứ sở. Dù ở đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào, họ vẫn tắm chung một dòng sông ngôn ngữ Việt, văn hóa Việt”.

Trong chương trình Chung một dòng sông, khán giả được gặp gỡ những nhân chứng lịch sử, nghe họ kể lại những câu chuyện, những kỷ niệm đáng nhớ mà họ đã trải qua. Đó là câu chuyện của thiếu tá Đào Chí Thành (cựu chiến binh Sư đoàn 325) đã gác bút nghiên để lên đường ra trận, tham gia chiến trường Quảng Trị năm 1972. Câu chuyện của ông Lê Phước Chỉnh và ông Lê Phước Thông (xã Hải Thượng, H.Hải Lăng) là anh em ruột nhưng đồng thời là những người lính ở 2 bờ chiến tuyến. Cuộc chiến đẩy họ ở thế đối đầu nhau. Hòa bình lập lại, họ may mắn vẫn còn được sống để gặp lại nhau, vẫn còn “cơ hội” là anh em một nhà, chung một tình yêu quê hương, đất nước.

Chung một dòng sông còn kể câu chuyện tình duyên giữa ông Hoàng Nghi (bờ Bắc sông Bến Hải) và bà Hoàng Thị Hoa (bờ Nam sông Bến Hải). Tình yêu của ông bà nảy nở từ những lần gặp gỡ ngắn ngủi khi bà tham gia hoạt động giao liên cho quân giải phóng. Ông bà là đôi uyên ương đầu tiên có “diễm phúc” tổ chức đám cưới, rước dâu qua cầu Hiền Lương sau ngày Bắc Nam không còn chia cắt. Đó còn là câu chuyện cảm động về hoàn cảnh ra đời của ca khúc Câu hò bên bờ Hiền Lương, do nhạc sĩ Hoàng Hiệp sáng tác; câu chuyện âm nhạc của 2 ca khúc cùng mang tên Tình ca...

50 năm giải phóng tỉnh Quảng Trị, từ một tỉnh khó nghèo do hậu quả nặng nề của chiến tranh, Quảng Trị đã thay da đổi thịt, sánh vai với các tỉnh bạn trong khu vực với những thành tựu phát triển đáng ghi nhận trên tất cả các lĩnh vực. Những người con xa quê, những người từng rời bỏ đất nước ra đi, nay đã quay trở lại, hướng về quê hương bằng những việc làm khác nhau. Đó là câu chuyện doanh nhân Vũ Văn Lê (thương nhân tiểu bang Texas, Hoa Kỳ) với thú sưu tập 5 ngàn cổ vật Việt với mong muốn gìn giữ cổ vật và văn hóa Việt Nam; là câu chuyện của luật sư Hoàng Duy Hùng; chuyện về những đoàn Việt kiều đi thăm Trường Sa.

* Chung một dòng sông...

Phát biểu khai mạc chương trình, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh cho biết, hơn 50 năm trước, người dân ở bờ bắc sông Bến Hải khi trông sang bờ nam chỉ có thể “nhìn phương Nam con nước vơi đầy, thương nhớ” và “gửi lời tin theo gió qua mấy câu thiết tha hò ơi” như lời bài hát Xa khơi và Câu hò bên bờ Hiền Lương. Bến Hải, Hiền Lương - những địa danh mang cái tên hiền hòa, thiện lành ấy đã phải trở thành biểu tượng sự chia cắt đất nước tới gần 20 năm, cho đến ngày H.Gio Linh được giải phóng năm 1972 và chỉ vĩnh viễn là dòng sông chung, cây cầu chung của nhân dân 2 miền Nam - Bắc khi nước nhà hoàn toàn thống nhất vào tháng 4-1975.

Đến nay, cuộc chiến đã lùi xa gần 50 năm, dấu vết của chiến tranh chỉ còn lưu lại qua những chứng tích lịch sử. Những địa danh như: Thành cổ, Đường 9, Khe Sanh, Gio Linh, Cam Lộ, Đông Hà, Bến Hải, Thạch Hãn, Cửa Việt, Cửa Tùng… từng ghi dấu những chiến công lừng lẫy của quân và dân Quảng Trị, nhưng cùng với đó là sự đổ nát tàn khốc vì ngọn lửa chiến tranh. Những địa danh, vùng đất ấy, hôm nay đã hồi sinh. Trong tâm khảm mỗi người Việt Nam, sông Bến Hải, cầu Hiền Lương vẫn là những vùng ký ức nhắc nhở về những thập kỷ khắc nghiệt nhất của dân tộc, về sự chia cắt, phân ly, đồng thời cũng là biểu tượng của đức hy sinh, của tình yêu thương và lòng nhân ái, hòa hợp, hòa giải dân tộc.

Trong chương trình, khán giả được nghe nhiều ca khúc cách mạng đi cùng năm tháng qua phần thể hiện của nhiều nghệ sĩ tên tuổi như: NSND Quốc Hưng, ca sĩ Anh Thơ, Ánh Tuyết, Bạch Trà... Chỉ với hơn 90 phút nhưng chương trình mang đến nhiều cảm xúc và dư âm trong lòng người xem. Ở đó, những người con đất Việt có chung dòng sông tình nghĩa đồng bào, chung dòng sông tình yêu xứ sở, chung dòng sông là khát vọng dựng xây cuộc sống tươi đẹp, chung dòng sông ngôn ngữ, văn hóa Việt, chung một dòng sông là tình yêu thương và niềm tin vào thế hệ trẻ. Có chung những dòng sông ấy, có nghĩa là mọi người Việt dù ở trong nước hay ngoài nước sẽ cùng nhau nối vòng tay lớn vì một tương lai bình an, tươi sáng của Tổ quốc Việt Nam. Đó cũng chính là hình ảnh trọn vẹn của hòa hợp dân tộc.

Ly Na

Tin xem nhiều