Là vùng đất "địa linh nhân kiệt" với hơn 320 năm hình thành và phát triển, Đồng Nai hội tụ nhiều người tài, thợ khéo cùng tụ họp hình thành các làng nghề ở ven sông. Nhiều nét văn hóa đẹp đã được nâng lên thành tín ngưỡng, tập tục, lễ nghĩa. Trong đó, có tín ngưỡng thờ tổ nghề - nét văn hóa tiêu biểu của Biên Hòa - Đồng Nai.
Là vùng đất “địa linh nhân kiệt” với hơn 320 năm hình thành và phát triển, Đồng Nai hội tụ nhiều người tài, thợ khéo cùng tụ họp hình thành các làng nghề ở ven sông. Nhiều nét văn hóa đẹp đã được nâng lên thành tín ngưỡng, tập tục, lễ nghĩa. Trong đó, có tín ngưỡng thờ tổ nghề - nét văn hóa tiêu biểu của Biên Hòa - Đồng Nai.
Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai tổ chức dâng hương tưởng nhớ Tổ nghiệp Sân khấu năm 2021 đảm bảo quy định phòng, chống dịch an toàn. Ảnh: CTV |
* Truyền thống văn hóa tốt đẹp
Nằm trong vùng văn hóa Đông Nam bộ, Đồng Nai có nhiều nghề truyền thống nổi tiếng, mỗi nghề đều có tục thờ cúng tổ nghề riêng như: thờ tổ nghề đá Bửu Long, nghề làm gốm ở Tân Vạn; tục thờ tổ nghề của đồng bào dân tộc Chơro, Mạ, S’tiêng; hay thờ tổ nghề sân khấu… Việc thờ phụng các tổ nghề nhằm tôn vinh ngành nghề truyền thống, thể hiện lòng biết ơn đối với người sáng lập nghề, giúp người dân có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Nghề đá Bửu Long nằm dọc theo sông Đồng Nai thuộc P.Bửu Long (TP.Biên Hòa) được duy trì theo tính chất cha truyền con nối. Những người làm nghề đá ở đây đã xây dựng một ngôi miếu tại tổ 30, KP.5, đường Huỳnh Văn Nghệ. Theo những vị cao niên trong làng, miếu được cộng đồng người Hoa xây dựng từ thế kỷ XVII, chủ yếu từ loại đá được khai thác tại vùng Bửu Long. Năm 1894, khi trùng tu, người Hoa đã cơi nới thêm phần vách tường, đồng thời mở rộng, nâng cao kiến trúc của miếu. Mặt tiền của miếu hướng về sông Đồng Nai.
Cùng với sự phát triển của làng nghề, sự hình thành tổ chức trong làng nghề và hình thức tín ngưỡng thờ Tổ nghề đã góp phần làm cho nghề truyền thống được duy trì, gắn kết để phát triển. Nhiều nơi thờ Tổ nghề đã trở thành những di tích lịch sử, văn hóa, nghệ thuật được xếp hạng di tích cấp tỉnh. Qua đó, tạo điểm nhấn cho người dân và du khách khi đến tham quan, du lịch, tìm hiểu làng nghề truyền thống ở Đồng Nai. |
TS Nguyễn Thị Nguyệt, giảng viên Trường đại học Văn hóa TP.HCM cho biết, tín ngưỡng của thợ đá Bửu Long thờ ông Tam vị Tổ nghề (Ngũ Đăng Tiên sư, Lỗ Ban Tiên sư, Uất Trì Tiên sư). Ngoài tổ nghề, hai bên chánh điện thờ Thiên Hậu thánh mẫu và Quan Thánh đế quân là những vị thần tiêu biểu trong tín ngưỡng dân gian người Hoa. Vì tín ngưỡng thờ Thiên Hậu rất phổ biến nên dần dần bà con quen gọi miếu Tổ sư là chùa bà Thiên Hậu hay Thiên Hậu cổ miếu nhằm thu hút nhiều người đến cúng viếng. Hằng năm, thợ đá cúng Tổ vào ngày 13-6 âm lịch, đáo lệ 3 năm tổ chức cúng lớn từ ngày 10 đến 13-6 âm lịch với nhiều hình thức lễ và hội phong phú, độc đáo.
Liên quan đến tín ngưỡng dân gian thờ tổ nghề Nông nghiệp, tại xã Bình Lộc
(TP.Long Khánh) có tục thờ thần nông. Hằng năm, vào các ngày 2-2, 2-8 và 2-11, sẽ diễn ra lễ hội cúng miếu thần Nông. Tại KP.Hiệp Nghĩa (TT.Định Quán, H.Định Quán) có tục thờ thần núi, thần rừng, thần lúa. Các lễ cúng này thường gắn liền với các lễ hội Yang Bơnơm; Yang koi và Sayangva diễn ra từ tháng 11 đến khoảng tháng 4 âm lịch hằng năm. Hay ở ấp 4 và 5, xã Núi Tượng (H.Tân Phú) có tục thờ thổ thần tại các miếu thổ thần (lễ hội cúng miếu thổ thần diễn ra cả 4 kỳ xuân - hạ - thu - đông).
Với nghệ thuật sân khấu, vào ngày 12-8 âm lịch hằng năm, các thế hệ nghệ sĩ trong và ngoài tỉnh đều dành thời gian để tổ chức lễ giỗ Tổ, thành tâm hướng về Tổ nghiệp với lòng yêu nghề kính nghiệp. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các hoạt động tập trung đông người để hành lễ giỗ Tổ sân khấu đều tạm ngưng. Thế nhưng, không ai bảo ai, các nghệ sĩ ở nhà cũng chuẩn bị các lễ vật, thành tâm hướng về Tổ nghiệp. Trong lễ cúng Tổ tại gia, nhiều nghệ sĩ đã biểu diễn các bài hát, điệu múa, diễn các trích đoạn sân khấu để báo cáo với Tổ nghiệp; đồng thời, cầu mong dịch bệnh sớm qua nhanh để sân khấu tiếp tục sáng đèn, phục vụ các tầng lớp nhân dân.]
* Gìn giữ và phát huy
Theo Sở VH-TTDL, đến nay toàn tỉnh có hơn 1.500 di tích phổ thông, 62 di tích được xếp hạng. Có dịp về các địa phương trong tỉnh, người dân dễ bắt gặp những ngôi đền, miếu, hay đình thờ Tổ nghề, hoặc phối thờ Tổ nghề. Điều đó cho thấy sức sống của những làng nghề truyền thống trong tâm thức của người dân Biên Hòa - Đồng Nai thật bền bỉ. Các thế hệ người làm nghề trên vùng đất hơn 320 năm hình thành và phát triển cũng luôn nhớ ơn Tổ nghề.
Ngoài việc tri ân người truyền nghề, tại các miếu, đình thờ Tổ nghề còn là nơi để người thợ, người dân có thể trao đổi, mua bán, giao lưu học hỏi lẫn nhau. Với một số nghề, mặc dù không thờ Tổ nghề tại những điểm cố định song người làm nghề vẫn luôn dành một góc trang trọng tại nơi sản xuất, sáng tạo sản phẩm để thờ tượng gốm những bậc tiền bối có công khai sinh nghề gốm.
Theo nghệ nhân Hoàng Ngọc Hiến, chủ xưởng gốm Hiến Nam (P.Hóa An, TP.Biên Hòa), là người làm gốm truyền thống, anh xem việc thường xuyên cúng lễ các bậc tiền bối khai sinh nghề gốm là điều rất quan trọng. Điều này minh chứng cụ thể cho thấy vị trí ngành nghề trong đời sống người dân mỗi làng nghề ở Biên Hòa - Đồng Nai. Hiện tại, xưởng gốm của anh dành không gian nhỏ giữa xưởng để thờ các tượng gốm như một cách tôn vinh, tri ân. Anh nói rằng, làm gốm thủ công không chỉ là đam mê mà còn tạo thêm nguồn thu nhập để anh có thể bảo tồn và truyền nghề cho thế hệ trẻ hôm nay.
NSND Giang Mạnh Hà, Phó chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai cho biết: “Giỗ Tổ sân khấu nhiều năm nay được duy trì, gìn giữ và phát huy nhằm tri ân tiền nhân đã sáng tạo ra nhiều loại hình sân khấu vô cùng độc đáo như: tuồng, chèo, cải lương… trao truyền lửa đam mê cho thế hệ sau. Chúng ta tin tưởng rằng đội ngũ nghệ sĩ trong và ngoài tỉnh tiếp tục phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của nền sân khấu Việt Nam, phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm, hoạt động sân khấu có ý nghĩa phục vụ công chúng”.
Ly Na