Dấu ấn Đồng Nai và Sắc màu Đồng Nai là 2 tuyển tập sáng tác của Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai chào mừng những ngày lễ lớn trong năm 2020, đặc biệt là chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Dấu ấn Đồng Nai và Sắc màu Đồng Nai là 2 tuyển tập sáng tác của Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai chào mừng những ngày lễ lớn trong năm 2020, đặc biệt là chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Bìa sách Sắc màu Đồng Nai và Dấu ấn Đồng Nai |
1. Tuyển tập Dấu ấn Đồng Nai gồm 25 tác giả văn xuôi với 25 bài bút ký, truyện ngắn; 35 tác giả thơ với gần 100 bài; 20 tác giả viết nhạc với 33 ca khúc, hầu hết được tuyển chọn từ các trại sáng tác, các chuyến đi thực tế của văn nghệ sĩ trong tỉnh.
Các bút ký, tùy bút, ghi chép về các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, các sự kiện kinh tế - xã hội nổi bật đều được minh chứng bằng số liệu cụ thể, giàu cảm xúc, có sức thuyết phục, tiêu biểu là các tác phẩm Hành trình của những ước mơ (Nguyễn Một), Qua những ngả đường Nhơn Trạch (Ngọc Khánh), Bên dòng sông Thị Vải (Bùi Quang Tú), Những đứa con của núi (Nguyễn Hoài Nhơn) Thức dậy Cù lao Phố (Hoàng Ngọc Điệp), Hướng nhìn từ những nhịp cầu (Trâm Oanh)…
Thể loại truyện ngắn, trừ truyện Con rắn thần của Khôi Vũ khai thác đề tài lịch sử, còn lại đều đi sâu phản ánh hiện thực thời kỳ đổi mới, hội nhập với những phức tạp, éo le, những đối lập giằng co giữa tốt, xấu, trắng, đen trong đó yếu tố tích cực đã vượt lên, đóng vai trò chủ đạo như: Đất níu chân người (Minh Đức), Tiếng gọi (Trần Thu Hằng), Chú thím tôi hội nhập (Đào Sỹ Quang), Nẻo về (Nguyễn Trí), Họa sĩ làng (Dương Đức Khánh)…
Gần 100 bài thơ có đề tài phong phú, cách viết đa dạng, mô tả sự đổi thay kỳ diệu của những vùng đất bằng giọng điệu nhẹ nhàng, nồng ấm, dồi dào suy tưởng như: Hồi ức ánh trăng rừng (Đỗ Minh Dương), Với Long Bình (Minh Hạ), Hơn cả sự sẻ chia (Hoàng Đình Nguyễn), Mùa xuân người đi giữ nước (Đàm Chu Văn), Hãy kể em nghe (Hạnh Vân), Rừng Mã Đà (Hoàng Văn Bảy)…
20 tác giả âm nhạc với 33 ca khúc mỗi bài một vẻ, có bài mang tính khái quát cao, có bài mang âm hưởng dân ca, có bài tiết tấu dồn dập, mô tả nhịp sống hối hả thời hội nhập. Hầu hết ca khúc đều có giai điệu và ca từ đẹp, cảm xúc thăng hoa: Biên Hòa thành phố anh hùng (Trần Viết Bính), Vào thăm Văn Miếu (Nguyễn Khánh Hòa), Người về sông Phố (Đoàn Quang Trung), Tổ quốc và người lính (Cao Hồng Sơn)…
2. Tuyển tập Sắc màu Đồng Nai gồm 2 phần, phần 1 quy tụ gần 200 tác phẩm của 40 nghệ sĩ nhiếp ảnh. Có thể thấy, vẻ đẹp trong lao động, sản xuất, bảo vệ Tổ quốc, phong tục tập quán, sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, cả những khoảnh khắc riêng tư mang đậm dấu ấn, hồn cốt Đồng Nai được các nhà nhiếp ảnh ghi lại với những góc nhìn đầy biến hóa, ngẫu hứng như: Việc chùa, Vũ hội Sayangva (Đỗ Văn Cư); Lễ hội cầu ngư (Trần Hữu Cường); Văn Miếu Trấn Biên (Huỳnh Như Lưu); Đi giữa rừng thu, Nghề xưa (Lưu Thuận Thời)…
Có nhiều tấm hình đẹp về bố cục, đường nét, ánh sáng, phản ánh không khí tưng bừng, rộn ràng trong sản xuất nông nghiệp ở các vùng quê nông thôn mới như: Chồi xuân (Nguyễn Đức Tường); Vườn rau sạch (Trần Đức Cường); Thu hoạch chè (Nguyễn Cao Dũng); Đảo đậu, Thu hoạch nấm (Đỗ Văn Cư); Cá về, Sắc màu đồng quê (Nguyễn Hữu Dũng)…
Phần 2 gồm 94 tác phẩm mỹ thuật của 13 tác giả với rất nhiều chất liệu: sơn dầu, acrylic, pastel, sơn mài, lụa, gốm, khắc gỗ, sắt hàn, xi măng, gò nhôm, sơn dầu trên tre, sơn dầu trên kính, đá... Người thưởng ngoạn sẽ bắt gặp ở đây những bức tranh ghi lại không khí nóng bỏng của chiến trường như: Chuẩn bị cho tổng tấn công và nổi dậy Mậu thân, Khẩu đại liên 12 ly 8 của trung đoàn 4 bắn máy bay địch (Nguyễn Nam Ngữ); Bác Hồ với chiến dịch Đông Khê (Võ Tấn Thành); vẻ đẹp của thiên nhiên hòa quyện với vẻ đẹp trong các hoạt động của con người như: E ấp, Chiều cố đô, ven sông, Trên dòng Hương giang (Nguyễn Văn Bình)…
Một điều rất đáng ghi nhận là các tác giả đã phát huy được truyền thống của mỹ thuật Đồng Nai là chất liệu gốm và khắc gỗ. Có rất nhiều tranh ghép gốm, điêu khắc gốm, tranh khắc gỗ mô tả sinh động cuộc sống, sinh hoạt cộng đồng, chân dung nhân vật, vẻ đẹp thiên nhiên như: Đường ra biển lớn, Hoàng hôn trên cầu Ghềnh, Tổ quốc nơi đầu sóng (Đào Tấn Hưng); Mãnh tượng rừng Châu Phi (Mai Văn Nhơn); Đối diện, chân dung (Nguyễn Xuân Hưng)…
3. Hai tuyển tập với hàng trăm tác phẩm văn học, nhiếp ảnh, âm nhạc, mỹ thuật phản ánh hành trình gian khó của Đồng Nai trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới, kiến tạo một xã hội văn minh, hiện đại. Qua đó, vẻ đẹp của ngôn từ, hình tượng, đường nét, nhịp điệu, màu sắc, ánh sáng, sự hân hoan của cảm xúc lẫn trĩu nặng suy tư đều thể hiện rõ nét. Mỗi tác giả một cá tính sáng tạo, một quan điểm thẩm mỹ, tất cả cùng hòa điệu tạo thành bức tranh nhiều sắc màu, chân thực về đất nước, con người Đồng Nai - món quà ý nghĩa mà văn nghệ sĩ gửi tới Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI.
Hoàng Ngọc Điệp