Báo Đồng Nai điện tử
En

Giữ 'lửa' âm nhạc truyền thống

10:10, 26/10/2020

Dẫu âm nhạc truyền thống đang gặp khó khăn, thách thức nhưng các nghệ sĩ, nhất là người trẻ vẫn luôn giữ "lửa" đam mê, truyền nghề cho thế hệ trẻ hôm nay.

Dẫu âm nhạc truyền thống đang gặp khó khăn, thách thức nhưng các nghệ sĩ, nhất là người trẻ vẫn luôn giữ “lửa” đam mê, truyền nghề cho thế hệ trẻ hôm nay.

Cô Bùi Khánh Trang, giáo viên Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật Đồng Nai đang hướng dẫn học sinh bộ môn đàn tam thập lục. Ảnh: L.Na
Cô Bùi Khánh Trang, giáo viên Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật Đồng Nai đang hướng dẫn học sinh bộ môn đàn tam thập lục. Ảnh: L.Na

Là một trong số ít nghệ sĩ ở Đồng Nai theo đuổi đàn tam thập lục, nghệ sĩ Bùi Khánh Trang, giáo viên Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật Đồng Nai đã và đang ươm mầm năng khiếu, quảng bá nhạc cụ dân tộc.

* 14 năm gắn bó với đàn tam thập lục

Sinh ra và lớn lên ở H.Định Quán, ở tuổi 26, cô giáo Bùi Khánh Trang đã có 14 năm gắn bó với cây đàn tam thập lục. Cô Trang cho biết, vào mùa hè năm học lớp 7, khi nghe tin Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật Đồng Nai về tuyển sinh các chuyên ngành nghệ thuật ở H.Định Quán, cô được người anh họ giới thiệu thi tuyển vào trường. Sẵn có niềm yêu thích âm nhạc từ nhỏ nên cô mạnh dạn xin cha mẹ cho đi thi. May mắn, cô đã trúng tuyển, một mình khăn gói lên TP.Biên Hòa vừa theo học đàn tam thập lục vừa theo học văn hóa.

“Tôi theo học bộ môn đàn tam thập lục tại trường 6 năm. Ra trường, với kết quả học tập tốt, tôi được giữ lại trường làm giáo viên. Sau đó, tôi vừa đi dạy vừa tiếp tục học liên thông lên đại học tại Nhạc viện TP.HCM và theo học cao học ngành Phương pháp giảng dạy đàn tam thập lục. 14 năm theo đuổi nhạc cụ truyền thống đã giúp tôi thêm yêu, đam mê và gắn bó với đàn tam thập lục. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù vui hay dù buồn, chỉ cần ôm cây đàn là tôi có thể quên hết mọi căng thẳng, mệt nhọc trong cuộc sống” - cô Trang chia sẻ.

Ths Phùng Ngọc Long, Phó hiệu trưởng Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật Đồng Nai cho biết: “Từ khi còn là sinh viên đến khi trở thành giáo viên, cô Khánh Trang đều rất tích cực, năng nổ trong hoạt động học và dạy. Cô tận tình và tâm huyết với học sinh, luôn tìm tòi những kiến thức, những cách dạy hay để truyền đạt cho các em. Ngoài ra, cô Trang cũng luôn tích cực tham gia vào các hoạt động phong trào, công tác xã hội và là tấm gương tiêu biểu để người trẻ tiếp tục học tập và noi theo”.

Quá trình học tập và làm việc tại trường, cô Bùi Khánh Trang đã tham gia rất nhiều cuộc thi, liên hoan nhạc cụ dân tộc trong và ngoài tỉnh như: Giai điệu tuổi hồng, Tài năng trẻ toàn quốc qua các năm. Các cuộc thi, cô đều đoạt những giải thưởng cao. Mới đây nhất, tại cuộc thi Độc tấu, hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm 2020 do Bộ VH-TTDL tổ chức, cô đã xuất sắc đoạt huy chương vàng tiết mục độc tấu đàn tam thập lục tác phẩm Capriccio Ver LL và Rặng cây trước gió.

Với tiếng đàn trong trẻo và khả năng độc tấu nhạc cụ, cô Khánh Trang đã có mặt tại nhiều chương trình biểu diễn nhạc cụ dân tộc của nhà trường, của Đồng Nai. Cô cho rằng, đó là cách đưa các loại hình nghệ thuật đến gần với công chúng, để âm nhạc truyền thống có được vị trí và chỗ đứng xứng đáng như nó vốn có.

Cùng với đàn tam thập lục, cô Khánh Trang còn yêu thích đàn T’rưng. Ở trường, cô giảng dạy 2 nhạc cụ truyền thống này. Em Lâm Thị Bảo Thương, học sinh Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật Đồng Nai kể: “Em theo học đàn với cô Trang đã nhiều năm nay. Lúc mới vào học, thấy đàn nhiều dây quá nên em cũng sợ mình không theo nổi. Tuy nhiên, nhờ cô gần gũi hướng dẫn, nên em cũng quyết tâm học cho đến bây giờ. Và rồi em đam mê với đàn tam thập lục lúc nào không hay”.

* Đưa âm nhạc đến với cộng đồng

Không chỉ giữ "lửa" tình yêu nhạc cụ dân tộc, với cô Khánh Trang, niềm vui, niềm hạnh phúc chính là được truyền "lửa" tình yêu âm nhạc, chia sẻ những hiểu biết về đàn tam thập lục cho cộng đồng, đặc biệt là học sinh vùng đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Hầu hết học sinh theo học âm nhạc truyền thống tại trường đều là con em người Chơro, Mạ, S'tiêng,  K'ho, Tày… Do đó, để giúp các em yêu âm nhạc và tiếp thu kiến thức nhanh, ngoài tìm tòi sách, báo, tài liệu liên quan, cô còn tìm hiểu nét văn hóa tiêu biểu, đặc thù của từng dân tộc.

“Mỗi dịp hè về, tôi thường cùng các thầy cô, đồng nghiệp đi đến vùng sâu, vùng xa, các xã miền núi của tỉnh để tuyển sinh. Ở đó, trường sẽ biểu diễn các tiết mục văn nghệ, biểu diễn nhạc cụ truyền thống nhằm khơi dậy tình yêu nghệ thuật cho các em học sinh, đồng thời phát hiện các em có năng khiếu, khuyến khích các em đến trường học tập” - cô Trang nói.

Bên cạnh giảng dạy, cô Khánh Trang thường xuyên đi biểu diễn, giao lưu âm nhạc ở nhiều quốc gia như: Nga, Thái Lan, Hàn Quốc, Campuchia, Ấn Độ… Mỗi chuyến đi đã giúp cô có thêm những trải nghiệm mới, mở mang thêm kiến thức, hiểu biết thêm các nền văn hóa. Đó cũng là cơ hội giúp cô quảng bá, giới thiệu về các loại nhạc cụ dân tộc độc đáo của Việt Nam đến với bạn bè thế giới.

“Tôi hy vọng qua các chương trình nghệ thuật mình biểu diễn, các chương trình giới thiệu nhạc cụ của Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật Đồng Nai sẽ giúp người trẻ tiếp cận được các loại hình âm nhạc dân tộc. Từ đó, giúp các em hiểu biết hơn về nhạc cụ truyền thống, yêu thích và đam mê như mình, quảng bá ngày càng rộng để bảo tồn và phát triển” - cô Trang bày tỏ.

Ly Na

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích