Từ ngày 18-9 đến 4-10, cuộc thi Độc tấu, hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm 2020 diễn ra tại 5 địa điểm trên toàn quốc gồm: Buôn Ma Thuột, TP.HCM, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc và Hà Nội.
Từ ngày 18-9 đến 4-10, cuộc thi Độc tấu, hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm 2020 diễn ra tại 5 địa điểm trên toàn quốc gồm: Buôn Ma Thuột, TP.HCM, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc và Hà Nội.
Phần biểu diễn của đoàn nghệ thuật Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật tỉnh. Ảnh: T.Trọng |
Khu vực Đông Nam bộ và Tây Nam bộ tập trung thi tại Nhạc viện TP.HCM từ ngày 21 đến 23-9 với sự tham gia của các đội: Nhạc viện TP.HCM, Đoàn Ca múa nhạc Bình Phước, Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật Đồng Nai, Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh (Trà Vinh), Khoa Kịch hát dân tộc Trường đại học Sân khấu - điện ảnh TP.HCM, Nhà hát Ca múa nhạc Biển Xanh (Bình Thuận), Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, Trung tâm Văn hóa nghệ thuật Long An và Nhà hát Cao Văn Lầu.
* Màu sắc tươi mới
Có thể nói năm nay, nhiều đoàn đem đến cuộc thi các chương trình có sự đầu tư. Mở màn cho cuộc thi tại TP.HCM, Nhạc viện TP.HCM đã tạo nên một khởi đầu đầy hứng khởi với một chương trình dài nhất, gần 2 tiếng, dàn nhạc được đầu tư lên đến 35 người. Các tác phẩm hoàn toàn được viết mới, trong đó có những tác phẩm lần đầu được trình diễn tại cuộc thi. Phần thi độc tấu với sáo trúc, đàn tranh, đàn bầu… được hòa bè hết sức sinh động của dàn nhạc khiến khán giả vô cùng phấn khích. Âm nhạc dân tộc không hề đơn điệu mà trở nên sang trọng, thú vị với những âm sắc được chắt lọc, nâng niu.
Sau khởi đầu thành công của Nhạc viện TP.HCM, Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật Đồng Nai tiếp tục đem đến sự bất ngờ với một chương trình được chuẩn bị công phu. Dài khoảng 50 phút với 6 tác phẩm tập trung cho các phần thi độc tấu đàn nhị của Lê Đại Dương, độc tấu đàn tam thập lục của Bùi Khánh Trang và độc tấu đàn tranh của Đinh Thị Thương Huyền, phần biểu diễn của đoàn Đồng Nai hoàn toàn chinh phục người nghe. Tiếng đàn nhị của Đại Dương da diết, lúc như cứa vào nỗi nhớ lúc lại dồn dập như những cơn sóng trào. Khánh Trang thì trong trẻo, khoan thai gõ từng nhịp trên chiếc đàn tam thập lục, còn Thương Huyền chững chạc rải những ngón đàn lả lướt trên chiếc đàn tranh. Dàn nhạc đã làm rất tốt phần bè để nâng từng tiếng đàn thánh thót của phần độc tấu. Có thể thấy sự kỳ công để có những bản phối đem lại điểm nhấn đắt giá tạo nên những giai điệu dân tộc vừa thiết tha, vừa tươi mới khiến người xem xúc động và lôi cuốn.
Ngoài 2 đơn vị trên, các đơn vị khác cũng tạo nên sự thích thú. Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh tạo cảm tình khi chững chạc giới thiệu đến khán giả loại hình nhạc Dù Kê Ba Sắc, nhạc Ngũ âm. Họ đem đến cuộc thi bản sắc riêng của mình với những nhạc cụ như: Skô Thum, Skô Săm phô, Roneat Ek, Kong Vong Thum, Kong Vong Tuoch… Nhà hát Ca múa nhạc Biển Xanh Bình Thuận thì gây ấn tượng với sắc thái của dân tộc Chăm, Raglai, Chơro. Người ta được nghe nghệ sĩ biến hóa nhiều sắc độ với cây kèn Saranai độc đáo…
* Mong chờ lớp trẻ
Cuộc thi Hòa tấu, độc tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc được tổ chức định kỳ 3 năm một lần. Năm nay dự kiến sẽ diễn ra tại TP.Buôn Ma Thuột. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên Cục Nghệ thuật biểu diễn đã quyết định chia cuộc thi diễn ra tại 5 địa điểm. Việc thi phân bố theo khu vực tạo điều kiện cho một số đoàn không có điều kiện kinh phí đi xa dự thi đã mạnh dạn tham gia. Nhờ vậy, số đoàn dự thi lên đến 35 và số lượng nghệ sĩ tham gia đạt kỷ lục với trên 600 người.
Và để tiện cho người yêu âm nhạc dân tộc theo dõi, lần đầu tiên cuộc thi được livestream trực tiếp trên kênh YouTube Nghệ thuật biểu diễn Việt Nam. TS Nguyễn Thị Hải Phượng, Phó trưởng khoa Âm nhạc dân tộc Nhạc viện TP.HCM tỏ ra thích thú vì chỉ cần một cú click chuột chị có thể xem nghệ sĩ cả nước thi tài. Chị nhận xét: “Năm nay các đoàn dự thi rất mạnh và có sự chuẩn bị tốt. Từ các đoàn Đắk Lắk cho đến Huế các đoàn tổ chức khá kỳ công. Trình độ tăng lên rất khá. Mỗi đoàn luôn cố gắng có một sự thử nghiệm mới. Như đoàn của chúng tôi với dàn nhạc tham gia lên đến 35 người nhưng quyết định không có chỉ huy dàn nhạc, điều mà không phải ai cũng dám làm. Mỗi một đơn vị có một nỗ lực của riêng mình, điều đó kích thích các nghệ sĩ có thêm động lực, hăng say với nghề”.
Nhà giáo ưu tú Thúy Hoan không bỏ sót buổi thi nào. Bà nói 3 năm mới có một lần thi nên tranh thủ đi xem để thấy sự thay đổi của các đoàn. Bà vui vẻ chia sẻ: “Lần này các tiết mục dự thi hết sức phong phú, trình độ biểu diễn được nâng cao. Các bài phối dự thi của một số đơn vị như Nhạc viện TP.HCM, Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật Đồng Nai đem đến sự mới mẻ, gần gũi với lớp trẻ. Đặc biệt, tôi rất mừng khi thấy sự vươn lên của rất nhiều bạn trẻ. Có những tiết mục mà tôi biết các bạn phải tập luyện hết sức nghiêm túc và vất vả mới trình tấu được như thế. Vậy là chúng ta phần nào an tâm đã có một thế hệ trẻ kế thừa, biết nâng niu tiếng đàn dân tộc…”.
Trí Trọng