Báo Đồng Nai điện tử
En

Khơi gợi cảm xúc từ trái tim

09:01, 28/01/2019

Dịp kỷ niệm 320 năm vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai hình thành và phát triển, Báo Đồng Nai phát động cuộc thi viết chủ đề "Biên Hòa - Đồng Nai trong tôi". Đây là sáng kiến của Ban biên tập Báo Đồng Nai nhằm khơi gợi sự thể hiện cảm xúc của con người về lịch sử hình thành, phát triển của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai.

Dịp kỷ niệm 320 năm vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai hình thành và phát triển, Báo Đồng Nai phát động cuộc thi viết chủ đề “Biên Hòa - Đồng Nai trong tôi”. Đây là sáng kiến của Ban biên tập Báo Đồng Nai nhằm khơi gợi sự thể hiện cảm xúc của con người về lịch sử hình thành, phát triển của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai. Cuộc thi có chủ đề, quy chế rõ ràng, kịp thời, hợp lòng người nên được hưởng ứng nồng nhiệt. Chỉ trong một thời gian ngắn (từ ngày 4-11 đến 20-12-2018), Ban tổ chức nhận được 72 bài dự thi của 61 tác giả trong và ngoài tỉnh.

Một số tác phẩm tham dự cuộc thi Biên Hòa - Đồng Nai trong tôi Ảnh: T.L
Một số tác phẩm tham dự cuộc thi Biên Hòa - Đồng Nai trong tôi Ảnh: T.L

Sức thu hút của cuộc thi này có lẽ là do chủ đề chạm đến trái tim của con người về quê hương xứ sở đang sống, yêu cầu bài viết dễ thể hiện “có sao nói vậy người ơi”, không phải tốn nhiều công sức tra cứu sách báo, tư liệu. Một phần, có lẽ vì theo điều lệ, cuộc thi không dành cho các cây bút chuyên nghiệp nên người bình thường “có cửa” để hy vọng. Sau bài Nghĩa tình người Biên Hòa đăng Báo Đồng Nai số 3498 ngày 15-11-2018, thí sinh dự thi an tâm vì đó như là bài hưởng ứng khơi mào, không phải là bài “cạnh tranh”. Vậy là, thí sinh hào hứng gởi bài, có người gởi nhiều bài.

Các bài dự thi đến từ nhiều địa chỉ khác nhau, với đề tài khác nhau từ những nỗi niềm khác nhau, nhưng thảy đều từ “lòng thực, tình thật” về người thật việc thật trong đời sống. Đáng quý, mỗi bài viết đều thể hiện những cung bậc cảm xúc chân thật, hồn nhiên, do vậy có tính thuyết phục, đáng tin cậy. Đây đó cũng có nhiều chỗ hành văn trắc trở, câu chữ nghèo hơn ý tưởng, nhưng đó là nét đáng yêu của những tay bút không chuyên. Tiếc là, dung lượng hạn định trong khuôn khổ một bài báo (hơn ngàn chữ) nên khó cho tác giả diễn đạt hết lòng mình; đấy cũng là cái hay để người viết chắt lọc nội dung tâm đắc nhất,  không “hành hạ” Ban giám khảo về “dây muống, dây cà”.

Nội dung các bài dự thi đều thể hiện sự cảm nhận của tác giả về cuộc sống, về giá trị lịch sử văn hóa ở vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai trong quá trình hình thành và phát triển. Nhiều bài viết khơi dòng cảm xúc về thời kỳ khẩn hoang, mở cõi của ông bà ta từ thế kỷ 17. Thời ấy, các đợt cư dân từ xứ Bắc, xứ Trung hội tụ về, khai thác đất đai, sản vật địa phương để mưu sinh, lấy con người, tình người làm hạt nhân kết nối, tạo sự an lòng, ấm lòng ở xứ sở lạ lùng:

Đến đây xứ sở lạ lùng

Con chim kêu phải sợ, con cá vùng phải kinh.

Suốt một thời gian dài (từ năm 1620-1698), gần 80 năm sinh sống, phát triển ngoài hệ thống quản lý hành chính, cư dân khẩn hoang Biên Hòa - Đồng Nai lấy văn hóa làm nền tảng, làm thước đo, làm động lực và mục tiêu hoạt động. Ông bà ta khi chuyển cư đến xứ Đồng Nai không chỉ mang theo hạt giống, kinh nghiệm sản xuất, còn mang theo phong tục, tập quán ứng xử trong cuộc sống và hình bóng tổ tiên để phụng thờ; tạo nên bàn thờ tổ tiên trong nhà, cái đình, cái miễu ở làng xã làm trung tâm kết nối cộng đồng.

Loạt bài phản ánh giá trị văn hóa thể hiện trong việc bày trí, thực hành nghi lễ, tập quán của cộng đồng trong cúng đình, cúng miễu ở địa bàn tỉnh cũng như ở Long Khánh - Xuân Lộc cho thấy Biên Hòa - Đồng Nai là vùng đất kết tinh, lưu truyền, nối mạch giá trị văn hóa Việt Nam. Điều đó giải thích tại sao người Việt xưa tạo nên các cuộc chuyển cư đến Đồng Nai với quy mô lớn, diện rộng, phát triển nhanh mà không xa cội quên nguồn, vẫn là bộ phận máu thịt của dân tộc Việt Nam; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam mang phong cách Nam bộ. Hình ảnh của Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vâng mệnh Chúa Nguyễn kinh lược, ổn định hành chính phương Nam là hình ảnh của một đại quan chính trực, chinh phục cư dân xứ Đồng Nai bằng uy đức chứ không bằng vũ lực, “mang gươm đi mở cõi” chứ không phải vung gươm chiến đấu.

Nhiều bài viết khơi dòng cảm xúc về Biên Hòa - Đồng Nai một thời máu lửa. Hình ảnh tang thương “Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây” khi thực dân Pháp xâm lược được nhắc đến làm đau từng trang viết. Có bài dẫn người đọc về Chiến khu Đ với hào khí của một thời gian lao mà anh dũng. Tác giả kể chuyện người thật, việc thật bằng cảm xúc thật lòng khiến người đọc thòm thèm nghĩ về cuộc sống kháng chiến thần thánh đã qua: gian khổ nhưng oanh liệt, nghèo khổ mà văn minh.

Có bài viết kể về thành tích diệt Mỹ đầu tiên ở Nhà Xanh và tấm gương lẫm liệt của những người chiến sĩ tử tù. Nhà Xanh là di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia ghi dấu trận đầu diệt Mỹ ngày 7-7-1959  (2 cố vấn Mỹ chết trận đầu tiên ở chiến trường Việt Nam). Có chiến sĩ hy sinh trong trận đánh, có người bị kết án tử hình vì liên quan đến trận đánh. Bài viết khắc họa giá trị đặc biệt của di tích lịch sử và tấm gương hy sinh của các chiến sĩ cách mạng góp phần tạo nên cuộc sống độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất hiện nay; đồng thời gợi mở cho người đọc cảm nghĩ tự vấn phải sống và làm việc sao cho xứng đáng với công lao và sự hy sinh của tiền nhân.

Đáng chú ý là loạt bài của nhiều tác giả từ nơi khác chuyển đến Biên Hòa - Đồng Nai sinh sống, học tập và trưởng thành. Bằng cảm xúc bình dị, hồn nhiên, các tác giả kể lại những nỗi niềm của mình trong quá trình chuyển cư đến Đồng Nai, học tập, hội nhập cộng đồng và phát triển theo lời mời gọi mở lòng:

Nhà Bè nước chảy phân hai

Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về.

Cảm giác chung là buổi đầu nhiều gian nan, vất vả. Cuộc sống bắt đầu bằng nỗ lực vượt khó trong hoàn cảnh khó khăn, nghèo thiếu. Nhưng, ở vùng đất dễ sống này, chỉ trong một thời gian ngắn, cuộc sống được ổn định, các tác giả đều được nâng bước phát triển, đạt ước mơ. Có người từ miền Tây chuyển đến Biên Hòa, theo nghề dạy học, tưởng là tạm bợ, nhưng đến nay “bén rễ xanh cây” đã hơn 50 năm, trở thành công dân thâm niên của Biên Hòa. Tác giả cho rằng điều đáng nhớ, đáng tri ân ở vùng đất này là tấm lòng rộng mở, bao dung, nhân nghĩa của bà con láng giềng; đó là sợi dây kết nối giữa người với người, người với đất; cũng là nguyên nhân níu giữ tác giả với vùng đất.

Có người thành thật tỏ bày: từ xứ Thanh chuyển đến công tác tại Đồng Nai, hơn 30 năm công tác trong nghĩa tình sâu nặng. Đến tuổi nghỉ hưu, câu hỏi trăn trở: về quê hương xứ Thanh hay tiếp tục ở lại gắn bó với Đồng Nai? Cuối cùng, điều giữ chân tác giả ở lại quê hương thứ 2 Đồng Nai là sự mở lòng của đất và người ở xứ sở này chứ không phải do tiền lương hay mức sống.

Đọc các bài viết như nêu trên, mới hiểu thêm về câu “đất lành chim đậu”. Chim đậu lại, góp phần phát triển vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai là do điều kiện sống, do tình người, do giá trị văn hóa kết nối từ trái tim chứ không phải do mệnh lệnh hành chính.

Tổng kết cuộc thi, có bài được giải, có bài không, nhưng tất cả đều chiến thắng vì đã được trải lòng cùng Biên Hòa - Đồng Nai 320 năm. Một số bài được chọn  đăng Báo Đồng Nai, hầu hết được biên tập hình thành tập sách nhỏ nhưng ý nghĩa rất lớn. Sau này, thời gian trôi qua, nghĩa tình đọng lại, tập sách này ắt là một trong những tài sản văn hóa của người Biên Hòa - Đồng Nai truyền lửa trong cộng đồng để kết tinh tinh hoa của quá khứ, hướng tới tương lai.

Danh sách các tác giả, tác phẩm vào vòng chung kết xếp hạng cuộc thi viết Biên Hòa - Đồng Nai trong tôi

1.       Bên dòng sông tôi yêu,                                          tác giả Hoàng Ngọc Điệp

2.       Có một sông Phố sâu lắng,                                   tác giả Phan Đình Dũng

3.       Làng Bình Trước tôi yêu,                                       tác giả Phạm Đức Vượng

4.       Có một Biên Hòa yêu dấu trong tôi,                 tác giả Đào Hồng Khởi

5.       Chiến khu Đ trong lòng tôi,                                 tác giả Bùi Quang Tú

6.       Biên Hòa quê hương thứ 2 của tôi,                    tác giả Nguyễn Hồng Nam

7.       Nơi nuôi dưỡng ước mơ xanh, tuổi xanh,      tác giả Trịnh Thị Tình

8.       Chạm vào quá khứ,                                                  tác giả Vũ Đức Vinh

9.       Nhớ tiếng vó ngựa,                                                  tác giả Lê Hoàng

10.     Phật giáo Đồng Nai thời “mở cõi”,                    tác giả Trần Thanh Hùng

11.     Có một tình yêu với Biên Hòa thật đẹp,          tác giả Trần Văn Quỳnh

12.     Biên Hòa - Đồng Nai thanh xuân của tôi,       tác giả Mai Đức Dũng

Ban tổ chức cuộc thi viết Biên Hòa - Đồng Nai trong tôi trân trọng kính mời các tác giả có tác phẩm vào vòng chung kết xếp hạng đến dự lễ tổng kết và trao giải cuộc thi diễn ra tại Văn miếu Trấn Biên lúc 8 giờ ngày thứ năm 31-1-2019 (26 tháng Chạp).

PGS-TS.Huỳnh Văn Tới, Trưởng ban giám khảo cuộc thi viết Biên Hòa - Đồng Nai trong tôi

 

Tin xem nhiều