Báo Đồng Nai điện tử
En

Mê mẩn với trang sức của người xưa

08:12, 02/12/2017

"Cách đây mười mấy thế kỷ, người xưa đã có kỹ thuật để làm ra những món trang sức bằng vàng, bằng đá đẹp, tinh xảo như thế này thì thật đáng phục". đó là những cảm nhận của du khách khi đến với triển lãm chuyên đề: Báu vật vương quốc cổ - nghệ thuật kim hoàn và trang sức Óc Eo vừa được khai mạc tại Bảo tàng lịch sử TP.Hồ Chí Minh

“Cách đây mười mấy thế kỷ, người xưa đã có kỹ thuật để làm ra những món trang sức bằng vàng, bằng đá đẹp, tinh xảo như thế này thì thật đáng phục”. đó là những cảm nhận của du khách khi đến với triển lãm chuyên đề: Báu vật vương quốc cổ - nghệ thuật kim hoàn và trang sức Óc Eo vừa được khai mạc tại Bảo tàng lịch sử TP.Hồ Chí Minh (số 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Bến Nghé, quận 1, TP.Hồ Chí Minh).

Du khách tham quan triển lãm.Ảnh: V.TRUYÊN
Du khách tham quan triển lãm.Ảnh: V.TRUYÊN

Sự kiện do Bảo tàng lịch sử TP.Hồ Chí Minh phối hợp cùng bảo tàng các tỉnh, thành: Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang và các tổ chức, cá nhân thực hiện nhằm góp phần đưa đến cho người xem cái nhìn toàn cảnh hơn về nghệ thuật kim hoàn và trang sức Óc Eo.

* Nhiều hiện vật lần đầu ra mắt

Trong số 300 hiện vật được 7 bảo tàng góp chung để giới thiệu đến công chúng về nghệ thuật kim hoàn và trang sức Óc Eo, có những hiện vật quý lần đầu ra mắt.

Một số hiện vật trưng bày tại triển lãm.
Một số hiện vật trưng bày tại triển lãm.

Trước tiên có thể kể đến chiếc nhẫn có đính hình thần bò Nandi. Đây là hiện vật chỉ duy nhất Bảo tàng lịch sử TP.Hồ Chí Minh có và là đại diện nổi bật của nghệ thuật kim hoàn và trang sức Óc Eo. Ngoài ra còn có những mảnh vàng lá rất mỏng, in nổi hình thần Vishnu trong tư thế đứng thẳng, đầu đội mũ trụ, 4 tay cầm những vật đặc trưng như vỏ ốc, cây chùy. Những mảnh vàng in nổi hình thần Surya với tay cầm hoa sen, thần Shiva với con mắt thứ ba giữa trán, thần Kalkin với đầu ngựa... được Bảo tàng Đồng Nai, Bảo tàng An Giang, Đồng Tháp, Bảo tàng lịch sử TP.Hồ Chí Minh lựa chọn để giới thiệu trong dịp này.

Theo TS.Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Bảo tàng lịch sử TP.Hồ Chí Minh, triển lãm Báu vật vương quốc cổ - nghệ thuật kim hoàn và trang sức Óc Eo đã thể hiện sự liên kết giữa các bảo tàng, tổ chức và cá nhân với tinh thần vì lợi ích chung của xã hội và vì trách nhiệm chung trong sự nghiệp bảo tồn, phát huy di sản văn hóa trong thời kỳ hội nhập.Triển lãm diễn ra từ ngày 29-11-2017 đến hết ngày 31-3-2018.

Bên cạnh đó là những mảnh vàng lá có hình linh vật trong văn hóa Óc Eo, như: voi, rùa, rắn, cá, ngựa, chim. Đặc biệt là những mảnh vàng lá có chữ viết và hoa sen in nổi liên quan đến Phật giáo ở vương quốc cổ Phù Nam, như: lá vàng được tìm thấy tại Gò Xoài (Long An) có dạng hình chữ nhật, khắc minh văn chữ Phạn gồm có 5 dòng, dòng thứ 2 tạm dịch như sau: “Nỗi khổ lại sinh ra nỗi khổ. Nhưng nỗi khổ có thể vượt qua được. Bát chính đạo dẫn đến sự chấm dứt nỗi khổ”. Theo TS.Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Bảo tàng lịch sử TP.Hồ Chí Minh, bên cạnh việc phản ánh trình độ chế tác kim loại trang sức, tín ngưỡng những, hiện vật này còn là dấu tích chứng tỏ sự ảnh hưởng của Phật giáo trong một số di tích thuộc văn hóa Óc Eo.

Song song đó, các chuỗi hạt bằng đá quý, nhẫn vàng, hoa tai, lắc, dây chuyền, nồi đúc kim loại đã được 8 bảo tàng giới thiệu qua nhiều triển lãm trước đây cũng tiếp tục được trưng bày phục vụ công chúng. Trong đó, Bảo tàng Đồng Nai đóng góp 6 hiện vật trưng bày, gồm: mảnh vàng hình bông hoa, mảnh vàng hình rùa, mảnh vàng hình ốc, 2 mảnh vàng hình nam thần (được khai quật năm 1992 tại TP.Biên Hòa) và một trang sức hình thoi (khai quật tại huyện Long Thành năm 1989).

* Thêm hiểu biết về vương quốc cổ

Bên cạnh việc giới thiệu các hiện vật, thông qua nói chuyện chuyên đề, giới thiệu những nét nổi bật về nghề kim hoàn trong văn hóa Óc Eo, ban tổ chức còn cung cấp cho du khách những thông tin liên quan đến văn hóa Óc Eo - vương quốc Phù Nam.

Một trang sức hình thoi được Bảo tàng Đồng Nai giới thiệu tại triển lãm.
Một trang sức hình thoi được Bảo tàng Đồng Nai giới thiệu tại triển lãm.

Theo TS.Hoàng Anh Tuấn, thông qua kết quả khai quật di tích Óc Eo - Ba Thê (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) từ năm 1944, cùng những công trình nghiên cứu của các học giả trong và ngoài nước cho thấy Phù Nam từng là một vương quốc có nền văn minh rực rỡ, sở hữu thương cảng quan trọng, là cửa ngõ giao thương quốc tế và giao lưu văn hóa giữa phương Đông và phương Tây thời cổ đại. Trong di sản vật chất của người Phù Nam được tìm thấy, những sản phẩm của nghề kim hoàn đã thể hiện được sự phát triển về trình độ văn minh, nghệ thuật thẩm mỹ của người dân Phù Nam.

Trang sức Óc Eo phong phú về đề tài trang trí, kỹ thuật gồm có các loại hình như: nhẫn, hoa tai, mặt đeo, hạt chuỗi, mề đay, vật trang sức. Các vật dụng thể hiện đời sống tín ngưỡng tôn giáo của cư dân Phù Nam cũng rất phong phú, như: hoa sen, ốc, rùa, bánh xe, bệ linga - yoni. Để tăng tính mỹ thuật cho các loại hình trang sức, người Phù Nam đã có sự sáng tạo sử dụng các loại hình đá quý như mã não, thạch anh, đá màu làm mặt trang trí.

Cũng tại triển lãm lần này, ban tổ chức còn giới thiệu bản đồ về 18 địa điểm phát hiện trang sức Óc Eo. Trong số đó, Đồng Nai có 2 địa điểm phát hiện trang sức vàng, đá quý, thủy tinh... tại huyện Long Thành và TP.Biên Hòa. Theo đại diện Bảo tàng Đồng Nai, tại 2 địa điểm này đơn vị đã khai quật và phát hiện hơn 1 ngàn hiện vật của nền văn hóa Óc Eo, như: trang sức (bằng vàng, đá quý, thủy tinh...); vật liệu xây dựng (ngói bằng đất nung); vật trang trí (bình gốm, phù điêu...). Những hiện vật này sẽ được kết hợp để trưng bày, giới thiệu đến người dân trong và ngoài tỉnh trong thời gian tới.

Sông Thao

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích