Cảnh trí trên sân khấu không hoành tráng, lung linh và cũng chỉ có một nghệ sĩ hay thêm vài nhân vật phụ biểu diễn... thế nhưng qua mỗi trích đoạn do nghệ sĩ trẻ thể hiện đã có những giọt nước mắt rơi, những tràng pháo tay rộn ràng của người xem...
Cảnh trí trên sân khấu không hoành tráng, lung linh và cũng chỉ có một nghệ sĩ hay thêm vài nhân vật phụ biểu diễn... thế nhưng qua mỗi trích đoạn do nghệ sĩ trẻ thể hiện đã có những giọt nước mắt rơi, những tràng pháo tay rộn ràng của người xem...
Trích đoạn Lê Quyết tỏ lòng trung do nghệ sĩ Nguyễn Văn Dững đảm nhận vai Lê Quyết, đơn vị Nhà hát Cao Văn Lầu. |
Đó sẽ là những gì còn đọng lại sau khi cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên sân khấu cải lương và dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc năm 2017, do Cục Nghệ thuật biểu diễn, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam và Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Đồng Nai phối hợp tổ chức kết thúc vào tối nay
11-11, tại Trung tâm hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh sau 1 tuần tranh tài sôi nổi.
* Những câu chuyện ý nghĩa
Do yêu cầu của cuộc thi chỉ dành cho những nghệ sĩ có tuổi đời không quá 35 và chưa đoạt giải ở sân chơi này, nên hầu như tất cả các thí sinh có mặt trên sân khấu suốt 1 tuần qua đều lạ lẫm với khán giả. Song những câu chuyện được nghệ sĩ, diễn viên đưa lên sân khấu đã lấy được những giọt nước mắt, những tràng pháo tay của người xem.
Cuộc thi năm nay được đánh giá có số lượng thí sinh, trích đoạn sân khấu dự thi tăng cao so với những lần tổ chức trước đây. Trong số 73 thí sinh đến từ 20 đoàn nghệ thuật cải lương và dân ca kịch trong cả nước, thí sinh có tuổi đời nhỏ nhất là Nguyễn Lệ Trinh, 21 tuổi, thuộc Đoàn Văn công Đồng Tháp; 2 thí sinh lớn tuổi nhất của cuộc thi cùng 34 tuổi là: Hồ Văn Hùng và Trần Kim Hiền thuộc Đoàn Cải lương Hương Tràm. |
Trong đó có nghệ sĩ Nguyễn Thị Thanh Tâm đến từ Nhà hát nghệ thuật truyền thống Đồng Nai khi thể hiện trích đoạn Cờ nghĩa giồng Sơn Quy (tác giả Huỳnh Anh, đạo diễn Nguyễn Hữu Diệu Đức). Vào vai bà Trần Thị Thưởng, vợ của Bình Tây Đại Nguyên soái Trương Định, đứng trước sự lựa chọn một bên là tính mạng của 2 mẹ con, một bên là sự an toàn của nghĩa quân, vai diễn của Thanh Tâm đã lấy nước mắt khán giả khi thể hiện sự đau đớn, căm phẫn tột cùng khi con bị giặc tra tấn để gây áp lực buộc bà Thưởng khai nơi nghĩa quân ẩn nấp.
Cũng là trích đoạn sân khấu về tình mẫu tử, nhưng vai Lệ Tuyết của nữ diễn viên trẻ Huỳnh Thị Lắm đến từ Nhà hát nghệ thuật truyền thống Khánh Hòa lại mang đến cho người xem nhiều cảm xúc trong vở dân ca kịch Đôi dòng sữa mẹ. Trót có thai với một du khách ngoại quốc da đen và sinh con trong cảnh nghèo túng, Lệ Tuyết bỏ rơi đứa con mới sinh ở một vùng quê nghèo để tìm đến phố thị phồn hoa xây dựng cuộc sống mới. Một thời gian sau khi cuộc sống đã giàu sang, Lệ Tuyết quay lại tìm tung tích và đến gia đình nhận nuôi con mình ngày trước ngã giá bằng vật chất để đòi con và bắt con theo mình. Những câu nói khinh bạc, xem “đồng tiền là tiên là phật” có thể làm lung lay tất cả tình cảm của con người, hành động bắt ép con trai theo mình, chèn ép cha mẹ nuôi của con trai của Lệ Tuyết khiến khán giả cảm thấy bất bình.
Chia sẻ về vai diễn, nghệ sĩ trẻ Huỳnh Thị Lắm nói: “Đây là lần đầu tiên tôi đến với cuộc thi dành cho cá nhân mang tính toàn quốc nên áp lực rất lớn. Khi lên sân khấu, tôi chỉ biết nỗ lực hết mình để làm tròn vai diễn, chuyển tải thông điệp của trích đoạn đến với người xem, người nghe”.
Bên cạnh câu chuyện về tình mẫu tử, vấn đề nhức nhối về tệ nạn xã hội cũng được các đoàn nghệ thuật, diễn viên chọn để đưa lên sân khấu, trong đó có trích đoạn Người đánh rơi hạnh phúc (tác giả Hữu Lộc, đạo diễn Nguyễn Hữu Diệu Đức), do nghệ sĩ Việt Trang thủ vai. Để vào vai diễn Hoàng Minh Đạt, nam nghệ sĩ Việt Trang của Nhà hát nghệ thuật truyền thống Đồng Nai phải từ bỏ hình ảnh thư sinh, đẹp trai trong các vai chính diện trước kia để hóa thân vào nhân vật xấu xí, sống lang thang và nghiện ngập. Vì sa vào con đường nghiện ngập, ăn chơi nên Minh Đạt bị sa thải, trở thành một kẻ thất nghiệp, không nhà cửa, sống lang thang.
Trong một cơn thèm thuốc và dùng thuốc quá liều, Minh Đạt bị sốc thuốc. Trước khi chết, Minh Đạt hối hận về lỗi lầm, cảm thấy có lỗi với mẹ... nhưng tất cả đều đã muộn. Người không biết trân trọng mà tự mình đánh rơi hạnh phúc đang có đã chết trong tủi hổ. Đó là bài học đắt giá và mang tính thời sự trong cuộc sống hiện nay với những ai ham mê ma túy, cờ bạc, rượu chè.
* Còn trăn trở…
Bên cạnh việc cống hiến những trích đoạn sân khấu hay cho khán giả, chuyển tải nhiều thông điệp, câu chuyện hay đến với người xem, cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên sân khấu cải lương và dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc năm 2017 còn để lại nhiều điều trăn trở. Trước hết là ở lượng khán giả đến xem ở từng buổi diễn quá khiêm tốn. Suốt 1 tuần diễn ra cuộc thi, dù là buổi thi ban ngày hay tối, khán phòng vẫn rất vắng người xem, nhất là những người trẻ.
Diễn viên Phan Thị Diệu Hiền của Nhà hát nghệ thuật ca kịch Huế dự thi tiết mục Bạch Viên Tôn Cát. |
Bà Huỳnh Kim Hoa (68 tuổi, ngụ phường Trung Dũng, TP.Biên Hòa), một trong số rất ít khán giả thường xuyên có mặt tại các đêm thi, cho biết do mê coi cải lương nên từ buổi đầu của cuộc thi bà đã có mặt. Nhưng cũng chỉ có mình bà xem, còn con cháu trong nhà không ai thích. Trước mỗi buổi diễn, con cháu thay nhau chở bà đến sân khấu, hết buổi diễn lại đến đón về chứ không cùng vào xem lần nào. Điều này là rất đáng buồn. Bởi không phải lúc nào ở Đồng Nai cũng có một cuộc thi mang tính toàn quốc với sự tham gia của nhiều đoàn nghệ thuật, có rất nhiều trích đoạn được biểu diễn trực tiếp trên sân khấu để phục vụ miễn phí người dân. Sự kiện này phải rất nhiều năm mới có một lần. Thêm vào đó, kinh phí để tổ chức cuộc thi cũng không hề nhỏ.
Thực tế này đã được Thứ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch Vương Duy Biên chia sẻ: “Mặc dù ngành văn hóa đã có nhiều nỗ lực trong việc đưa các loại hình nghệ thuật truyền thống đến với công chúng nhưng khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ, chưa thật sự mặn mà với các loại hình sân khấu truyền thống. Vậy nên ở từng đêm diễn vẫn chỉ là đồng nghiệp diễn cho nhau xem, hát cho nhau nghe”.
Thêm vào đó, khi nhìn vào tổng thể 70 trích đoạn sân khấu được các nghệ sĩ, diễn viên đem đến cuộc thi lần này, thì có đến hơn 2/3 là những trích đoạn về lịch sử, ít có trích đoạn sân khấu hiện thực xã hội đương đại và số lượng tác phẩm mới lại càng ít hơn. Do vậy, mong rằng trong những lần tham dự về sau, các đơn vị nghệ thuật, diễn viên nên chú trọng đến việc thể hiện các trích đoạn sân khấu gắn liền với hơi thở cuộc sống để thu hút người xem hơn.
Nguyễn Tuyết - Văn Truyên