Báo Đồng Nai điện tử
En

Cha và con cùng mê viết sách

07:11, 11/11/2017

Buổi giao lưu và ra mắt sách Gia tài của tôiNgười thả diều của 2 tác giả Lê Quang Đồng và Lê Thị Thanh Lâm sẽ diễn ra vào lúc 9 giờ ngày thứ bảy 11-11 tại Khách sạn Continental (TP.Hồ Chí Minh).

Buổi giao lưu và ra mắt sách Gia tài của tôiNgười thả diều của 2 tác giả Lê Quang Đồng và Lê Thị Thanh Lâm sẽ diễn ra vào lúc 9 giờ ngày thứ bảy 11-11 tại Khách sạn Continental (TP.Hồ Chí Minh).

Có thể nói đây là một buổi ra mắt sách đặc biệt. Bởi, 2 tác giả chính là 2 cha con, 2 cây bút không chuyên nhưng với tình yêu viết lách, ước muốn kể câu chuyện đời mình và truyền những kinh nghiệm sống cho lớp trẻ, đã giúp cho họ hoàn thành tác phẩm một cách xuất sắc. 

Lê Quang Đồng sinh năm 1928 tại Hóc Đùng (xã Đạo Thạnh, TP.Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang), từ nhỏ học trường làng, rồi ra trường tỉnh, lấy học bổng trường Tây. Cũng như bao người học trò khác, Lê Quang Đồng là người học trò yêu quê hương và chăm chỉ sách đèn. Thế nhưng, thời cuộc lúc bấy giờ khiến tâm trí của người học trò nhỏ cảm thấy không yên. Khi Nhật đảo chính Pháp, trường học gần như thành trại binh, từ việc học tiếng Pháp bắt chuyển sang học tiếng Nhật khiến cậu học trò Lê Quang Đồng cảm thấy chán chường.

Vốn là một người yêu quê hương chân thật, yêu những bài sử Việt hào hùng qua tủ sách của cha mình, Lê Quang Đồng thấy được nỗi đau của một đất nước nô lệ. Thế rồi như một định mệnh, năm 1945 khi mới 17 tuổi, chàng trai trẻ Lê Quang Đồng theo tiếng gọi cách mạng, thoát ly gia đình, bước chân vào cuộc kháng chiến trường kỳ vô cùng gian khổ, ác liệt.

Gia tài của tôi là một câu chuyện dài, được tác giả kể lại từ thuở ấu thơ đến ngày đi theo kháng chiến và liên miên những cuộc hành quân, những công việc được triển khai, như những mắt xích quan trọng của 2 cuộc kháng chiến, từ kháng chiến chống Pháp đến chống Mỹ, từ rạch Hóc Đùng đến nội thành Sài Gòn. Nhiều sự kiện có thể lẫn lộn, nhưng con người và những tình cảm là thật. Tất cả phải được kể lại một cách chân thật nhất, dường như đó cũng là mong muốn mãnh liệt của ông Lê Quang Đồng. Cho nên trong cuốn sách này, chúng ta thấy dường như ông không bỏ sót bất kỳ chi tiết nào. Những gì của ngày hôm qua, như còn mãi trong tâm trí ông. Còn mãi hình ảnh quê hương, từ bờ sông, đồng cỏ; từ những người bình dị nhất, đến những nhân vật chính trị lừng lẫy một thời.

Lê Thị Thanh Lâm là con gái út của ông Lê Quang Đồng. Với vị trí Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Saigon Food, công việc của chị khá bận rộn, thời gian dành cho việc đọc sách đối với chị cũng khá eo hẹp, huống hồ là việc viết sách. Nhưng điều gì khiến chị có thể hoàn thành được cuốn sách Người thả diều?

Một cách chân thành và thẳng thắn, chị đã bộc bạch ngay trong Lời đầu sách: “…Khi lên Sài Gòn học đại học, từ năm 1978, thời cả xã hội phải ăn bo bo độn cơm, tôi phải vất vả rất nhiều để theo đuổi việc học hành. Nhưng tôi cảm thấy mình vẫn rất hạnh phúc, vì không phải đối diện với chuyện sống - chết như hồi chiến tranh ở dưới quê. Cái khó khăn nhất là việc phải bỏ ra thời gian công sức gấp hai ba lần để bù đắp kiến thức bị hổng của một học sinh trường làng”.

Là một người phụ nữ bình thường trong một gia đình truyền thống, nhưng từ những trải nghiệm trong đời doanh nhân của mình, chị đã định sau này về hưu có nhiều thời gian sẽ viết sách truyền đạt kinh nghiệm giúp bạn trẻ có hành trang vào đời, lập nghiệp. Nhưng thật may mắn, nhờ có sự động viên từ nhiều đồng nghiệp, gia đình và đặc biệt từ cảm hứng với quyển sách đầu tay của người bạn, một người Việt gốc Hoa, thậm chí nói và viết tiếng Việt còn không rành lắm, thế là chị Thanh Lâm đã mạnh dạn bắt tay vào thực hiện viết cuốn sách này sớm hơn dự định.

Chị Thanh Lâm cho biết: “Tôi còn viết cuốn sách dưới ánh sáng dẫn dắt từ niềm đam mê kỳ lạ của ba tôi. Ở tuổi ngoài 70, ông đã hoàn thành 2 cuốn hồi ký về cuộc đời 50 năm làm cách mạng đầy sóng gió của mình. Trong đó cuốn sách thứ 2 của ông đã  đoạt giải thưởng “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” do Bộ Công an phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam và Nhà xuất bản Công an nhân dân tổ chức. Tôi thật sự ngưỡng mộ ba, tự hào là con gái của ông, không phải ở giải thưởng mà bởi đam mê mãnh liệt của ông với trang viết”.

Như vậy, 2 cha con, 2 thế hệ, từng trải qua những công việc và tâm thế khác nhau, nhưng đều có chung niềm đam mê viết lách, ước muốn góp sức mình giúp cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Nếu như người cha (Lê Quang Đồng) viết sách để cho con cháu trong nhà đọc thì người con (Lê Thị Thanh Lâm) lại viết sách cho những bạn trẻ hôm nay đọc. Tiếp nối và mở rộng. Truyền thống và hiện đại. Khát vọng và thực tế.

Đặc biệt, tác giả Thanh Lâm là người vốn tham gia nhiều khóa giảng về khởi nghiệp (startup), nên cuốn Người thả diều được cấu trúc như một cẩm nang chia sẻ nhiều kinh nghiệm và bài học quý báu. Và giờ đây chị dùng cuốn sách như một quà tặng tri thức cho bạn đọc trẻ. Buổi ra mắt sách là dịp để người con tri ân người cha, và cũng là dịp tri ân những người bạn đồng hành. Dịp này, tác giả Thanh Lâm cũng dành tặng sinh viên Khoa Thủy sản Trường đại học nông lâm TP.Hồ Chí Minh 200 cuốn Người thả diều.

Song Hồ

Tin xem nhiều