Mùa gặt, mùa mà áo mẹ, áo cha đẫm ướt những giọt mồ hôi rơi.
Mùa gặt, mùa mà áo mẹ, áo cha đẫm ướt những giọt mồ hôi rơi.
Tôi nhớ ngày xưa khi vào mùa gặt, cha mẹ tôi lại tất tả cho việc bắt công, gọi máy tuốt, chuẩn bị thúng hay may vá lại mấy chiếc bao cho lành lặn. Từng đường may mũi đệm của mẹ như chắp thêm cho tuổi thơ tôi được êm ấm no đủ, để tôi trân trọng và quý mến hơn từng hạt ngọc của đồng ruộng quê mình.
Hương lúa phả vào gió mang tình quê trang trải khắp xóm làng. Bọn trẻ lớn lên trong cay nồng mùa nắng, trong hương khói đốt đồng quyện lẫn với mùi đất, mùi bùn vào mùa gặt, tuổi thơ quấn vị rơm khi đốt nướng khoai, sắn, con cá, con chim... vị khói rơm trong bếp quấn vào mỗi mâm cơm, ám vào ấm nước chè xanh khi ra đồng. Nó in hằn ăn sâu vào mỗi người, lách vào từng ký ức, từng kỷ niệm và vị của bếp rơm, vị của nồng ấm ùa về. Để nhớ chén cơm mới dẻo thơm, thoảng hương lúa quyện mùi rơm năm nào.
Tuổi thơ gắn liền với những chân ruộng còn trơ gốc rạ, gắn liền với những con rạch, những buổi chăn trâu, bắt cá, nghe những âm thanh rộn rã của lũ vịt chạy đồng kêu chiều. Cũng như lúa của mùa gặt nhờ đất mà sinh sôi, phóng khoáng như gió đồng, trong lành như những con rạch dòng sông quê nhà.
Hạt lúa của mùa gặt đã nuôi sống bao lớp người lớn lên, trưởng thành rồi đi xa lập nghiệp. Dẫu có đắng cay, dẫu phải đổi chính giọt mồ hôi để có một hạt lúa vàng, nhưng những đứa con khôn lớn trưởng thành là mùa gặt lớn nhất trong cuộc đời của người mẹ, người cha.
Mùa gặt mùa vàng trên những cánh đồng, những bàn tay vội vàng, giọt mồ hôi chứa chan và lúa mãi ngọt ngào như những câu hát tình ca. Mùa gặt êm đềm vẫn tuôn chảy trong ký ức mỗi người.
Hoàng Trường