Bước vào "tháng Giêng là tháng ăn chơi", trong khi lễ hội diễn ra khắp nơi trong cả nước thì các nhà nghiên cứu văn hóa truyền tai nhau tin tức không mấy vui vẻ: một số địa phương cho rằng việc giết heo trong lễ thỉnh sanh ở các đình, miếu là không đảm bảo… an toàn vệ sinh thực phẩm, không có chức năng… giết mổ heo, nên đã yêu cầu ban quý tế phải mang heo cúng đến cơ sở được cấp phép giết mổ heo, sau đó mới mang thịt heo về cúng.
Bước vào “tháng Giêng là tháng ăn chơi”, trong khi lễ hội diễn ra khắp nơi trong cả nước thì các nhà nghiên cứu văn hóa truyền tai nhau tin tức không mấy vui vẻ: một số địa phương cho rằng việc giết heo trong lễ thỉnh sanh ở các đình, miếu là không đảm bảo… an toàn vệ sinh thực phẩm, không có chức năng… giết mổ heo, nên đã yêu cầu ban quý tế phải mang heo cúng đến cơ sở được cấp phép giết mổ heo, sau đó mới mang thịt heo về cúng.
Ở đây, đứng về mặt pháp lý, yêu cầu trên hoàn toàn đúng. Heo - khi được xem là thực phẩm cần tuân theo các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm. Các cơ sở thờ tự chắc chắn không được cấp phép giết mổ heo, nếu vẫn tiến hành sẽ trở thành… giết mổ lậu.
Nhưng trong trường hợp này, heo - vật phẩm đem cúng trong nghi lễ, về mặt tâm linh đã không còn là thực phẩm thông thường được con người nạp vào cho no bụng, sinh năng lượng. Trong lễ cúng, heo là lễ vật được người dân dâng lên thần linh, tổ tiên, tiền hiền, hậu hiền vừa là tưởng nhớ công đức, vừa cầu mong được phù hộ quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa. Cũng trong lễ cúng có một nghi thức là dùng máu của vật phẩm đem cúng tưới lên đất và dâng lên bàn thờ, bởi theo quan niệm người xưa máu là nguồn gốc sự sống, dùng máu tưới lên đất là cầu mong cho đất đai - tư liệu sản xuất của người dân được sinh sôi, nảy nở, sự sống được tiếp nối. Chính vì vậy, nghi thức này có ý nghĩa rất quan trọng. Khi đem heo về lò giết mổ, tất nhiên không thể thực hiện nghi thức này, hoặc nếu có thì đã trở thành hình thức, không còn ý nghĩa đích thực ban đầu. Đem quy định xã hội áp dụng cứng nhắc vào vấn đề tâm linh liệu có phù hợp?
Trước đây, từng có sự tranh cãi dữ dội về tục chém heo ở làng Ném Thượng. Trong khi người dân địa phương, đặc biệt là các bô lão, xem “ông ỉn” đem cúng là phẩm vật thiêng liêng, hiến tế gia súc nhằm mang lại may mắn, an lành cho làng thì tổ chức bảo vệ động vật (trụ sở tại Luxembourg) lại cho rằng chém heo là hành vi dã man, tàn bạo đối với động vật, đề nghị “Việt Nam cần ban hành luật cấm ngược đãi súc vật”. Đây chính là sự khác nhau giữa văn hóa phương Đông và phương Tây, dẫn đến góc nhìn khác nhau đối với cùng một sự việc. Giáo sư Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa, cho rằng lễ hội làng Ném Thượng đã tồn tại hàng trăm năm nay tất nhiên có cái lý của nó, và các ý kiến của các tổ chức bảo vệ động vật (ở nước ngoài) cũng có lý, nhưng là cái lý của “người đứng ngoài”, không có cảm nhận văn hóa của người dân - chủ thể văn hóa.
Lấy văn hóa, góc nhìn của dân tộc này để áp lên văn hóa dân tộc khác, liệu có công bằng và phù hợp?
Hà Lam