Có những quyển sách khi đọc ta không chỉ mê mải theo dõi nội dung, mà đọc xong, xếp lại vẫn còn khiến người đọc phải tư duy, trăn trở về những vấn đề lớn, thậm chí "ngộ" ra rất nhiều điều khác trong cuộc sống bên ngoài trang sách - một hình thức "ý tại ngôn ngoại", sách chỉ như "hành lang" dẫn dắt tư duy.
Có những quyển sách khi đọc ta không chỉ mê mải theo dõi nội dung, mà đọc xong, xếp lại vẫn còn khiến người đọc phải tư duy, trăn trở về những vấn đề lớn, thậm chí “ngộ” ra rất nhiều điều khác trong cuộc sống bên ngoài trang sách - một hình thức “ý tại ngôn ngoại”, sách chỉ như “hành lang” dẫn dắt tư duy.
Quốc gia khởi nghiệp (tác giả Dan Senor và Saul Singer, Nhà xuất bản Thế Giới) và Đạo quân Trung Quốc thầm lặng (tác giả Juan P. Cardenal và Heriberto Araújo, Nhà xuất bản Hội Nhà văn) là minh chứng cho những quyển sách có thể làm thay đổi tư duy, tầm nhìn của con người như thế. 3/4 tác giả có điểm chung đều là những nhà báo, nên vừa có tư duy khái quát, tổng hợp, nhận định, phân tích và xâu chuỗi vấn đề kết hợp với kinh nghiệm thực tiễn, vừa thể hiện bằng lối văn phong báo chí hiện đại rõ ràng, dễ hiểu, mạch lạc và nhẹ nhàng, cuốn hút người đọc.
* Cuộc xung đột giữa cá tính và tập thể
Quốc gia khởi nghiệp bắt đầu bằng cuộc gặp gỡ giữa Shimon Peres - chính trị gia 83 tuổi đã 2 lần giữ chức vụ Thủ tướng Israel với Shai Agassi - CEO trẻ 39 tuổi có ý tưởng táo bạo về những công nghệ tiên tiến cho tương lai, như tế bào năng lượng hydro mang lại động năng cho xe ô tô để tránh phụ thuộc vào dầu mỏ, nhiên liệu “độc quyền” của các loại động cơ, đồng thời bảo vệ môi trường. Ý tưởng của Shai Agassi ở thời điểm năm 2007 gần như là không tưởng, không một “ông trùm” nào trong ngành ô tô chịu lắng nghe, ông bị chỉ trích ở khắp nơi. Nhưng Shimon Peres đã tin và tìm mọi cách hỗ trợ Shai Agassi biến ý tưởng thành hiện thực.
Những điều thú vị từ Quốc gia khởi nghiệp hãy để cho người đọc tiếp tục khám phá. Riêng với tôi, cuộc gặp gỡ giữa Shimon Peres và Shai Agassi đã đem đến sự bừng ngộ về một tư duy trăn trở lâu nay. Hai con người, hai cá nhân với những cá tính khác nhau, cũng khác nhau về thế hệ nhưng đã cùng hướng đến mục tiêu chung.
Lâu nay, tôi trăn trở về sự xung đột giữa văn hóa phương Đông và phương Tây về vấn đề nhân quyền. Văn hóa phương Tây cố gắng giải phóng cá nhân, tôn trọng cá tính, lấy cá tính làm bản vị, làm thước đo về dân chủ, nhân quyền. Văn hóa phương Đông lấy giá trị cộng đồng làm mục tiêu nên nhiều khi đóng khung, ràng buộc cá nhân, cá tính khó phát triển. Không nói ai đúng ai sai, nhưng nếu theo tiêu chí phương Tây áp vào vấn đề dân chủ, nhân quyền của phương Đông áp lực sẽ là rất nặng nề. Vì thế, đọc Quốc gia khởi nghiệp, chỉ với một luận điểm như thế cho thấy phải tìm cách dung hòa. Đúng là phải tôn trọng cá tính, phát triển cá nhân nhưng cũng phải biết rằng đôi khi cá tính là rào cản cho mục tiêu chung, vì con người cần phải có tiêu chí chung của cộng đồng thì mới vươn tới mục tiêu lớn lao hơn.
* Từ “thao quang dưỡng hối” đến sự trỗi dậy
Đạo quân Trung Quốc thầm lặng được viết bởi 2 nhà báo Tây Ban Nha được phân công nhiệm vụ thường trú tại 2 địa phương khác nhau ở Trung Quốc. Báo chí thường phản ảnh tình hình bằng nhiều thể loại khác nhau, như: tin ngắn, bình luận, phỏng vấn... nhưng 2 nhà báo dù ở thể loại nào cũng chạm đến các lĩnh vực chính trị, kinh tế - xã hội từ những câu chuyện rất nhỏ. Bằng bút pháp rất mới, hiện đại, các bài báo bắt đầu từ những câu chuyện rất nhỏ về vấn đề rất lớn. Các bài viết nhỏ này giống như những viên gạch có thể đặt ở bất cứ đâu để tạo ra nền móng cho những “sân chơi” nhỏ, từ đó liên kết nhau tạo nên những con đường mênh mông, bao quát cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa của thế giới, bao quát từ những chuyện cách đây mấy mươi năm.
Nền văn hóa Việt Nam hiện nay đang theo hướng cộng đồng, lấy gia đình, làng xã, xóm ấp, tập thể làm chuẩn nên cá nhân khó phát triển, bị phương Tây “tấn công” và bản thân cá nhân trong cộng đồng cũng cảm thấy “chật chội”. Như vậy, một mặt phải mở rộng cá tính nhưng mặt khác vẫn phải biết giữ giá trị của mình, để cùng hướng tới mục tiêu chung. Bên cạnh đó, phải đi từ những ý tưởng cá nhân cho đến chính sách quốc gia. |
Có bài viết tác giả mô tả đầy tính chất văn học về đôi vợ chồng Trung Quốc nghèo khó, kéo chiếc va-li 50kg chứa đầy quần áo một cách khó nhọc đi khắp các vùng khó khăn của đất nước Ai Cập với mong ước làm giàu cho bản thân, gia đình. Đó là một mô tả rất quan trọng, là sự dẫn dắt để thấy rằng đó là cách để Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường của Ai Cập, cũng như nhiều nước khác trên thế giới - một chặng đường rất dài khởi đầu từ câu chuyện rất nhỏ, được mô tả bằng bài viết khoảng 1,5 ngàn từ. Trong đó, tác giả phác họa bức tranh của thế giới mà Trung Quốc muốn tô vẽ, từ Ai Cập đến Sudan, đến châu Phi. Tất cả những mảnh đời nhỏ trong các bài viết đó dẫn đến một bức tranh lớn, được tô đậm theo gam màu của Trung Quốc, người cầm bút chỉ làm công việc nối các mảng màu đó lại với nhau. Và họa sĩ thiết kế, “công trình sư” tổng thể của bức tranh chính là các giới lãnh đạo Trung Quốc, được tiếp nối từ vài ba thập niên trước đây.
Nếu từ góc nhìn thường tình, vào lúc 8 giờ 8 phút 8 giây ngày 8-8-2008, Olympic Bắc Kinh được khai mạc với những sắc màu rực rỡ. Nhưng với góc nhìn của tác giả Đạo quân Trung Quốc thầm lặng, sẽ thấy một vấn đề khác lớn lao hơn nhiều. Đó là cột mốc để chuyển từ chính sách “ẩn mình chờ thời” (thao quang dưỡng hối) của Đặng Tiểu Bình, Hồ Cẩm Đào nhằm thực hiện “Giấc mộng Trung Hoa”. Tinh ý, sẽ nhận thấy từ sau Olympic Bắc Kinh 2008 là hình ảnh Trung Quốc “bành trướng” khắp thế giới ở mọi lĩnh vực, nhất là kinh tế. Có thể nói, nơi nào Mỹ và các nước châu Âu thả bom, nơi nào doanh nghiệp các nước phá sản thì nơi đó Trung Quốc xuất hiện để xây dựng, bán thì mua, thiếu thì cho vay nợ. Hai tiếng Trung Quốc ngày càng trở nên quen thuộc với toàn thế giới. Đó là điều mà Đạo quân Trung Quốc thầm lặng đã đề cập đến.
Huỳnh Tới