Báo Đồng Nai điện tử
En

Dâng hoa cho đời

10:07, 24/07/2015

Ở tuổi 65, thương binh Lê Văn Liên không chỉ miệt mài với công tác xã hội trên cương vị Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh mà ông còn thầm lặng dâng cho đời những bài thơ chan chứa tình cảm với bút danh Lê Liên.

Ở tuổi 65, thương binh Lê Văn Liên không chỉ miệt mài với công tác xã hội trên cương vị Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh mà ông còn thầm lặng dâng cho đời những bài thơ chan chứa tình cảm với bút danh Lê Liên.

Nhà thơ - thương binh Lê Văn Liên (bìa trái) chia sẻ những kỷ niệm một thời cầm súng chiến đấu giải phóng dân tộc và giới thiệu một số bài thơ của mình với cán bộ, công chức viên chức Sở Nội vụ tỉnh nhân kỷ niệm Ngày thương binh liệt sĩ 27-7 do Sở Nội vụ tổ chức tại TP.Biên Hòa ngày 23-7.
Nhà thơ - thương binh Lê Văn Liên (bìa trái) chia sẻ những kỷ niệm một thời cầm súng chiến đấu giải phóng dân tộc và giới thiệu một số bài thơ của mình với cán bộ, công chức viên chức Sở Nội vụ tỉnh nhân kỷ niệm Ngày thương binh liệt sĩ 27-7 do Sở Nội vụ tổ chức tại TP.Biên Hòa ngày 23-7.

Đến nay, nhà thơ Lê Liên đã sáng tác gần 200 bài thơ và một phần trong số này đã được tuyển chọn để in 2 tập thơ là: Một thời chiến tranh, một thời hòa bình và Miền lau trắng.

Tuổi 18 hiến dâng cho tổ quốc

Cũng như bao lớp thanh niên trong thời kỳ cả nước đứng lên đấu tranh giành độc lập, giải phóng quê hương, năm 1968 khi vừa tròn 18 tuổi, chàng thanh niên Lê Văn Liên, quê tỉnh Ninh Bình, cắt máu viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ hiến dâng tuổi thanh xuân đẹp nhất của đời mình cho Tổ quốc. Như lời tâm sự của ông trong bài thơ Giao thừa ra trận được ông sáng tác năm 1968:

Xuân 68

Mùa xuân đẹp nhất

Tuổi trẻ ơi!

Đời đẹp tựa mùa xuân

Tổ quốc cần

Thân mình đâu kể…

Ta đi giữ nước giữ nhà

Bước vào thử lửa thiết tha yêu đời…

Nhà thơ Lê Liên chia sẻ: “Là một học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, khi bước ra chiến trường tôi cũng như bao đồng đội phải chịu nhiều gian khó, nhưng với quyết tâm xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, ở đâu Tổ quốc cần thì ngại chi mưa nắng, gần xa, núi cao rừng thẳm. Chúng tôi hăng hái hành quân vượt Trường Sơn vào tiền tuyến miền Nam với lòng quả cảm: những người lính trẻ ngã rồi lại đi”.

Những kỷ niệm đó đã được ông ghi lại trên đường hành quân vào chiến trường miền Nam vào năm 1969 trong bài thơ Ngã.

Vượt Trường Sơn mấy gian lao

Vượt bao đèo dốc ngã bao nhiêu lần

… Hãy xem vượt dốc một khi

Ngã nghiêng

Ngã đổ

Ngã quỳ

Ngã lao

Đau nhất là ngã lộn nhào

Đã thành thương tật cho bao nhiêu người

Đường Trường Sơn ngập mưa rơi

Những người lính trẻ ngã rồi, lại đi.

2 Lần bị thương

Trong suốt gần 8 năm cầm súng chiến đấu trong đoàn quân giải phóng trên chiến trường miền Nam và đất bạn Campuchia, ngoài sự hành hạ của  những cơn sốt rét rừng, đói ăn, thiếu uống… đã 2 lần làm người lính trẻ Lê Liên bị chấn thương cột sống do bom đạn của địch trong những trận chống càn hành hạ.

Đồng chí Huỳnh Văn Tới, Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, viết trong phần giới thiệu tập thơ Một thời chiến tranh, một thời hòa bình của tác giả Lê Liên: “Giống như hương hoa giữa vườn hoa nhiều màu sắc, nhiều loài hoa khoe hương, khoe sắc, rực rỡ, kiêu sa, sang trọng, tôi thấy thơ Lê Liên tự khép mình như một loài hoa của hương đồng cỏ nội không phô trương hương sắc, sâu lắng tấm lòng với đất, với người, với quá khứ, hiện tại…”

“Lần thứ nhất tôi bị thương do mảnh M79 của địch vào phần mềm và bom vùi dưới công sự trên chiến trường biên giới Việt Nam - Campuchia vào tháng 9-1972; còn lần thứ hai vào tháng 5-1973 ở Kiến Tường - Long An. Cả 2 lần đều do trận địa nơi tôi chiến đấu bị trúng bom pháo của kẻ thù. Sau nghe đồng đội kể lại 2 lần lúc đào bới tìm thấy tôi dưới căn hầm bị sập, ai cũng tưởng tôi không qua khỏi nhưng may mắn là mình vẫn sống sót và sau khi lành lặn lại trở về đơn vị sát cánh cùng đồng đội chiến đấu cho đến ngày toàn thắng” - thương binh Lê Văn Liên cho hay.

Những lần bị thương tật, những căn bệnh mắc trên chiến trường được nhà thơ ghi lại như lời tâm sự với con trong bài thơ Lời ru đứa con mới ra đời, sáng tác năm 1981:

À ơi ! qua hai cuộc chiến tranh

Cha hai lần bị thương cột sống

Bệnh sốt rét rừng dai dẳng

Theo đuổi cả chục năm dài…

Niềm vui ngày trở về

Sau khi đất nước thống nhất, cũng như bao người lính giải phóng khác, thương binh Lê Văn Liên cũng tìm về với quê hương, với gia đình trong niềm vui sum họp:

“Sau ngày chiến thắng

Anh thương binh trở về làng

Tuổi xuân để lại chiến trường

Gặp em!

Thiếu nữ thôn trang

Tình yêu đang rộn ràng

Rồi ta thành chồng, thành vợ …” (Kỷ niệm hai mươi năm).

Được đoàn tụ với gia đình, hưởng cuộc sống hòa bình nhưng ông không bao giờ quên những đồng đội năm xưa. Nhà thơ Lê Văn Liên bộc bạch: “Mỗi năm cứ đến ngày thương binh liệt sĩ, lòng tôi lại đau đáu tưởng nhớ về đồng đội đã ngã xuống trên chiến trường. Có người đến nay vẫn còn chưa tìm được hài cốt để đưa các anh về với gia đình. Với trách nhiệm của một người còn sống, một người đồng đội, tôi lại lên đường cùng các anh em chiến đấu năm xưa tìm kiếm hài cốt những người đã hy sinh.

Nỗi lòng mong ngóng và niềm vui lẫn trong nỗi đau vỡ òa khi tìm được hài cốt đồng đội được ông diễn tả trong bài thơ Đi tìm đồng đội, sáng tác năm 2011:

Tây Ninh chiều xanh trong

Trận địa Bắc núi Bà Đen năm xưa, nghẹn gió!

Đồng đội về đây vượt hàng ngàn cây số

Tìm ra hài cốt liệt sĩ không đầu

Ôi niềm vui!

có từ nỗi đau.

Đất nước còn bạt ngàn những ngôi mộ, chưa biết tên

Chiều nay có thêm bạn tôi, đồng đội nhận ra chính xác.

Văn Truyên

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều