Báo Đồng Nai điện tử
En

Ca nhạc “cho không” vẫn ế

11:10, 04/10/2013

Vài năm trước, một chương trình ca nhạc phát vé miễn phí có thể khiến khán giả ùn ùn kéo đến săn vé. Hôm nay, vé phát miễn phí dù tràn ngập nhưng hàng ghế khán giả vẫn cứ trống huơ trống hoác.

Vài năm trước, một chương trình ca nhạc phát vé miễn phí có thể khiến khán giả ùn ùn kéo đến săn vé. Hôm nay, vé phát miễn phí dù tràn ngập nhưng hàng ghế khán giả vẫn cứ trống huơ trống hoác.

Chuyện nghe thật nghịch lý, nhưng lại là thực tế đang diễn ra ở các show ca nhạc được ngành truyền hình ghi hình để phát trực tiếp hoặc phát lại. Cơn ngán ngẩm của khán giả dường như đang gia tăng, tỷ lệ thuận với mức độ “lạm phát” của các chương trình ca nhạc trên truyền hình.

* “Tình cho không biếu không”

Giá trị của tấm vé cũng từ đó mà xuống cấp theo thời gian. Nếu những năm trước, các chương trình ca nhạc truyền hình trực tiếp vẫn có thể bán được vé, thì gần đây, vé của những chương trình này luôn trong tình trạng “tình cho không biếu không”. Vậy mà những hàng ghế khán giả vẫn cứ vắng hoe. Nếu đã chán ngồi nhà xem qua truyền hình, người ta dễ dàng tìm được vé miễn phí của những chương trình có từ lâu năm, như: Nhịp cầu âm nhạc, Bài hát Việt... cho đến gần hơn là: Còn mãi với thời gian, Bài hát yêu thích, Dấu ấn, Câu chuyện âm nhạc... Hiện chỉ có hai chương trình định kỳ có truyền hình thực tiếp là Âm nhạc và bước nhảy và Tình khúc vượt thời gian là còn có thể bán được một số vé nhất định.

Câu chuyện âm nhạc là chương trình ca nhạc định kỳ truyền hình trực tiếp mới nhất phát vé biếu không khán giả.
Câu chuyện âm nhạc là chương trình ca nhạc định kỳ truyền hình trực tiếp mới nhất phát vé biếu không khán giả.

Trong thời điểm kinh tế khó khăn, các liveshow ít được tổ chức, thực tế nói trên xảy ra như một nghịch lý, nhưng có lẽ nó phản ánh chính xác tâm trạng chán ngán của khán giả. Cho dù vậy, từ phía nhà tổ chức, có nhiều lý do để các chương trình này mọc lên tiếp nối. Lý do quan trọng nhất là các đơn vị sản xuất đã mua được sóng nguyên năm cho một số giờ cố định ở các đài có đông người xem. Việc còn lại là đi kiếm các nhà tài trợ để tổ chức chương trình đưa lên sóng. Từ phía nhà tài trợ, việc tài trợ và có các spot quảng cáo xen vào chương trình có vẻ như đang là phương án truyền thông hữu hiệu trong thời điểm kinh tế khó khăn.

* Cuộc chơi vướng bận...chữ tiền

Vậy bài toán thông minh nhất là nhà đài, nhà sản xuất và nhà tài trợ cùng bắt tay nhau. Gói tài trợ luôn dư dả cho các nhà sản xuất tổ chức thực hiện chương trình. Nhà đài lại có thể thu thêm các spot quảng cáo từ những nhãn hàng khác. Riêng khán giả lúc này chỉ đóng vai trò khách mời đến coi để... ghi  hình cho đẹp! Thực tế, nhu cầu của khán giả có được một không gian để thưởng thức âm nhạc đúng nghĩa, nghệ sĩ tham gia được thỏa sức với nghệ thuật mà không vướng bận chữ tiền là nhu cầu có thật. Bởi nếu không có những chương trình như vậy, rất hiếm ca sĩ đủ tiềm lực tự bỏ tiền làm liveshow riêng.

Thế nhưng, việc sống nhờ tài trợ của các chương trình đang cho thấy sự bất cập làm sút giảm chất lượng nội dung âm nhạc. Không ít lần chương trình của một nhãn hàng mì ăn liền tài trợ muốn mời một gương mặt phù hợp, nhưng đành bó tay vì ca sĩ này đang là đại diện cho một nhãn hàng mì ăn liền khác. Thế là đành bỏ tiết mục. Đó chỉ là một việc rất nhỏ trong vô vàn những điều nhỏ gộp lại làm khán giả dần rời xa những chương trình ca nhạc kiểu biếu không. Suy cho cùng, khán giả thời nay cũng không dại đến mức không biết đó là sân chơi của các bên. Thế nên, dù miễn phí nhưng cái nào hay họ mới chọn đi xem. Và ca nhạc cứ nhan nhản trên truyền hình, nếu không thích, họ là người có quyền chuyển kênh.

Đăng Khánh

Tin xem nhiều