Lần đầu tiên vào ngày 7/9 tới đây, 100 mẫu trang phục áo dài độc đáo, vừa mang tính hiện hiện đại vừa đậm nét truyền thống của ba nhà thiết kế Việt Nam là Minh Hạnh, Công Khanh, Trọng Nguyên sẽ được giới thiệu đến công chúng yêu thời trang Pháp tại lâu đài Chambord, Pháp cổ kính nổi tiếng bậc nhất thế giới.
Lần đầu tiên vào ngày 7/9 tới đây, 100 mẫu trang phục áo dài độc đáo, vừa mang tính hiện hiện đại vừa đậm nét truyền thống của ba nhà thiết kế Việt Nam là Minh Hạnh, Công Khanh, Trọng Nguyên sẽ được giới thiệu đến công chúng yêu thời trang Pháp tại lâu đài Chambord, Pháp cổ kính nổi tiếng bậc nhất thế giới.
Với ba phong cách đặc trưng mang đậm dấu ấn của bản sắc Việt, lấy hình tượng chung là chim phượng hoàng-biểu tượng cho vẻ đẹp quyền quý, cao sang, bộ sưu tập áo dài đến từ Việt Nam sẽ mang một hơi thở thời đại giữa không gian là đỉnh cao của kiến trúc và phong cách trang trí thời kỳ Phục Hưng.
“Chambord lần đầu đồng ý cho tổ chức một chương trình biểu diễn thời trang ở đây. Vì thế, đối với chúng tôi là áp lực lớn nhưng cũng là niềm tự hào vì được giới thiệu các thiết kế ở một nơi là kiệt tác kiến trúc vĩ đại của thế giới được UNESCO công nhận là di sản văn hóa nhân loại,” nhà thiết kế Minh Hạnh chia sẻ.
Với vinh dự này, ba nhà thiết kế nổi tiếng Việt Nam sẽ giới thiệu một cách rõ nét nhất về những chất liệu may mặc quý hiếm của dân tộc.
60 thiết kế có chủ đề “Phượng hoàng bay đến ánh Mặt trời” của Minh Hạnh lấy ý tưởng từ đôi cánh chim phượng hoàng, vẫn là những chất liệu đặc trưng của Việt Nam mà tác giả đã nhiều lần chinh phục được giới thời trang quốc tế như lụa và thổ cẩm.
Đặc biệt, nhà thiết kế gạo cội của làng thời trang Việt đương đại cũng sẽ mang theo ren chỉ làm bằng tay của người Hà Nội, Hà Nam, vải lanh dệt tay của người H’Mông (Hà Giang), da cá sấu của Tồn Phát-Củ Chi (Thành phố Hồ Chí Minh) và đương nhiên không thể thiếu những đường nét thêu tay quyến rũ với sắc màu hồn nhiên của người dân tộc thiểu số.
“Thổ cẩm là ‘lưỡi gươm’ bén nhất để chạm vào trái tim những người mà ở đất nước họ thời trang đã trở thành hơi thở,” nhà thiết kế Minh Hạnh chia sẻ về lý do vì sao chị thường xuyên mang các trang phục bằng chất liệu thổ cẩm ra giới thiệu với thế giới.
Một thiết kế của Công Khanh - Nguồn ảnh: BTC |
Trong khi đó, Công Khanh lại mang đến một giấc mơ về huyền thoại của những nghệ thuật Gothic nhưng mang tinh thần thời đại. Kiến trúc hùng vĩ của lâu đài Chambord được anh thể hiện như một thành phố trong không trung bằng kỹ thuật in chuyển tiếp trên lụa và trang sức bằng gỗ chạm bạc.
Còn Trọng Nguyên, anh muốn liên kết giữa những tác phẩm hội họa nổi tiếng đang trưng bày tại Chambord để tạo ra những hình kỷ hà (những đường thẳng cắt nhau tạo thành nhiều hình tam giác, hình vuông... zích-zắc nhau, lặp đi lặp lại, giống họa tiết trang phục dân tộc) như không gian rộng mở. Các họa tiết tranh tường của lâu đài Chambord được đưa vào chiếc áo dài tạo ra sự hòa quyện Đông-Tây. Nguyên xử lý chất liệu metalic ánh kim rực rỡ một cách tinh tế giúp những kiệt tác trở nên gần gũi, sống động.
Trình diễn các mẫu thiết kế lần này có Hoa hậu Ngọc Hân, người mẫu Hồng Quế, Kha Mỹ Vân, Lâm Thu Hằng, Trang Phạm… và các người mẫu của Pháp.
Đây là một trong những hoạt động trao đổi văn hóa nhân dịp năm Pháp-Việt Nam 2013-2014./.