Tên đầy đủ của anh là Nishimura Masanari, nhưng chúng tôi vẫn quen gọi anh là Nishi. Và anh thích với cách gọi thân mật đó.
Tiến sĩ Nishimura Masanari trong một chuyến đi công tác. Ảnh: T.L |
Tên đầy đủ của anh là Nishimura Masanari, nhưng chúng tôi vẫn quen gọi anh là Nishi. Và anh thích với cách gọi thân mật đó.
Anh “bén duyên” với Đồng Nai vào những năm 90 của thế kỷ trước. Lúc ấy, anh được Viện Khảo cổ học Việt Nam giới thiệu đến Bảo tàng Đồng Nai để tham gia nghiên cứu trong lĩnh vực khảo cổ học. Nhiều năm liên tiếp hầu như anh đều có mặt và cùng với cán bộ nghiệp vụ bảo tàng, các nhà khảo cổ học Viện Khoa học xã hội TP.Hồ Chí Minh thực hiện các cuộc điền dã, thám sát, khai quật di chỉ khảo cổ ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh nhà.
Người dân ở Bình Đa, Hàng Gòn, Long Giao… những năm tháng ấy hẳn sẽ không quên hình ảnh của chàng thanh niên người Nhật vui tính, miệt mài với công việc, gặp gì cũng hỏi cho đến cạn cùng mới thôi… Những bài viết nghiên cứu, báo cáo khoa học của anh sau các cuộc thăm dò, khai quật đã cung cấp nhiều thông tin quý, góp phần cùng những đồng nghiệp Việt Nam ngày càng làm sáng rõ hơn về nền văn minh lưu vực sông Đồng Nai.
Đam mê nghiên cứu khảo cổ học nhưng anh cũng rất “mặn mà” trong việc tìm hiểu văn hóa của vùng đất, con người Đồng Nai. Cuốn sổ tay dày cộm được anh luôn mang theo bên người ghi chi chít những thông tin về phương ngữ, các món ẩm thực, địa danh, tính cách, ứng xử, câu đố, hò vè... mà anh khai thác được. Anh đặc biệt thích thú với kiểu “nói láy” của dân Nam bộ.
TS. Nishimura sinh năm 1965, bắt đầu gắn bó với Việt Nam từ năm 1990, khi ông tham gia chương trình hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản về di chỉ làng Vạc. Luận án thạc sĩ của ông nghiên cứu về công cụ đá của văn hóa Hòa Bình và văn hóa Sơn Vi. Luận án tiến sĩ của ông nghiên cứu về khảo cổ học ở đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Mê Kông - Đồng Nai. Ông là người đã phát hiện một mảnh khuôn đúc trống đồng có niên đại khoảng thế kỷ 1-3 sau Công nguyên, cho phép khẳng định trống đồng được đúc ra chính tại Việt Nam và cũng chính ông đã cùng đồng nghiệp khảo cổ học Việt Nam phát hiện các khuôn đúc mũi tên tại Luy Lâu (Bắc Ninh) có niên đại thời kỳ An Dương Vương. Ngày 9-6, trên đường đi công tác bằng xe máy ở Hà Nội, ông bị tai nạn giao thông và mất tại bệnh viện. Ông được an táng tại Hà Nội ngày 13-6. |
Những lần được chúng tôi đưa đến làng nghề thủ công truyền thống, anh như bị hút hồn vào các thao tác đục, chạm, tạo dáng… một cách điêu luyện bằng phương pháp thủ công của nghệ nhân làng đá, làng gốm… Anh ngồi hàng buổi trời để hỏi thông tin, vẽ, ghi chép, chụp ảnh hết sức cẩn thận. Với anh, khi làm việc là không có khái niệm thời gian, đã làm là làm hết sức mình.
Những năm sau này dù ít có dịp tham gia vào công tác khảo cổ ở Đồng Nai nhưng những đóng góp quan trọng của anh trong lĩnh vực khảo cổ học Việt Nam suốt hơn 20 năm qua có ý nghĩa lớn lao. Anh đã gần như gửi trọn cuộc đời làm khoa học của mình cho việc gợi mở những trầm tích văn hóa của Việt Nam và Việt Nam đã là quê hương thứ hai của anh.
Những ngày gần đây báo, đài viết bài, đưa tin về sự ra đi đột ngột của anh ở tuổi đang độ chín của người làm khoa học, giữa lúc bao công việc quan trọng đang thực hiện đành phải bỏ dở dang… làm chúng tôi đau nhói lòng. Cầu nguyện linh hồn anh được an nghỉ ở thế giới vĩnh hằng và xin cảm ơn anh về tất cả những gì anh đã làm cho chúng tôi - anh Nishi.
Tuyết Hồng