Báo Đồng Nai điện tử
En

Đào tạo âm nhạc truyền thống: Còn nhiều khó khăn

10:06, 28/06/2013

Những năm qua, Trường trung cấp văn hóa nghệ thuật Đồng Nai đã mở nhiều khoa, lớp đào tạo các môn nhạc cụ dân tộc, đồng thời có chế độ khuyến khích, ưu đãi đối với học viên tham gia các lớp học này.

Những năm qua, Trường trung cấp văn hóa nghệ thuật Đồng Nai đã mở nhiều khoa, lớp đào tạo các môn nhạc cụ dân tộc, đồng thời có chế độ khuyến khích, ưu đãi đối với học viên tham gia các lớp học này.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Minh Quang, Phó giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh - Hiệu trưởng nhà trường, học viên theo học các lớp, khoa đào tạo âm nhạc truyền thống hiện nay trong trường là rất ít.

* Khó thu hút người học

“Trong 15 năm (từ 1998- 2013), trường đã đào tạo được gần 400 học viên âm nhạc. Trong số này, học viên tốt nghiệp các bộ môn nghệ thuật truyền thống chiếm chưa đến 1/5. Đây quả là một con số hết sức khiêm tốn so với quy mô đào tạo hiện có của trường”- ông Nguyễn Minh Quang nói.

Một số tiết mục trong đêm hòa nhạc dành cho các học viên bộ môn âm nhạc truyền thống do Trường trung cấp văn hóa nghệ thuật Đồng Nai tổ chức.
Một số tiết mục trong đêm hòa nhạc dành cho các học viên bộ môn âm nhạc truyền thống do Trường trung cấp văn hóa nghệ thuật Đồng Nai tổ chức.

Cũng theo ông Nguyễn Minh Quang, hiện  việc thu hút và đào tạo học viên vào học các bộ môn nghệ thuật truyền thống gặp rất nhiều khó khăn. Ngay cả con em đồng bào dân tộc cũng không mặn  mà với chính bộ môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc mình chứ chưa nói đến con em người dân tộc Kinh. Do đó, có năm trường chỉ tuyển được vỏn vẹn 3 học viên!

Còn ông Điểu Sầu, cán bộ phòng đào tạo nhà trường, cho hay một trong những trở ngại khiến số học sinh theo học âm nhạc truyền thống ngày càng ít là do điều kiện gia đình còn nhiều khó khăn. “Hầu  hết đối tượng theo học các bộ môn nghệ thuật truyền thống đều là con em đồng bào dân tộc thiểu số cho nên việc có được số tiền vài triệu đồng để mua một cây đàn thuộc loại “trung trung” nhằm vừa phục vụ việc học, vừa giúp các em kiếm thêm thu nhập cũng không dễ dàng gì” - ông Điểu Sầu nói.

* Quảng bá để thu hút người học

Hiện nay, Đồng Nai chưa có một sân khấu biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp. Chính vì vậy, cơ hội để các học viên tốt nghiệp khoa âm nhạc truyền thống được biểu diễn phục vụ khán giả là rất ít. Trong số các học viên tốt nghiệp, chỉ một số ít được 2 đoàn nghệ thuật của tỉnh là Đoàn nghệ thuật cải lương Đồng Nai và Đoàn ca múa nhạc nhận về,  số còn lại, cơ hội sống với nghề rất mong manh. Chính vì đầu ra khó khăn đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc thu hút người học. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Minh Quang: “Hiện đang còn thiếu sự đầu tư cho quảng bá âm nhạc truyền thống đến với người dân, do đó người dân khó tiếp cận với loại hình nghệ thuật này. Chỉ khi người dân biết đến rồi yêu thích mới có nhiều người theo học”.

Ông Trần Quang Toại, Phó giám đốc thường trực Sở Văn hóa - thể thao và du lịch, nói: “Phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có âm nhạc dân tộc là một phần quan trọng trong việc bảo tồn và nâng cao văn hóa dân tộc. Do đó, thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục có những nghiên cứu để triển khai việc đưa âm nhạc dân tộc vào trường học”.

Em Bùi Khánh Trang (19 tuổi, dân tộc Mường, ngụ xã Phú Túc, huyện Định Quán) cho hay, 6 năm học tại Trường trung cấp văn hóa nghệ thuật Đồng Nai và nay là sinh viên năm thứ 2 của Nhạc Viện TP.Hồ Chí Minh, em nhận thấy rằng, các tiết học nhạc ở trường đều được giảng dạy bằng các nhạc cụ guitar, organ mà vắng bóng hoàn toàn các loại nhạc cụ truyền thống khác của dân tộc. Cách làm này đã ảnh hưởng rất lớn đến việc lựa chọn bộ môn âm nhạc yêu thích của học sinh sau này. Do đó, việc đưa âm nhạc truyền thống vào giảng dạy trong trường học để học sinh sớm tiếp cận với văn hóa dân tộc ngay từ nhỏ là việc làm hết sức cần thiết.

    Văn Truyên

 

 

 

Tin xem nhiều