Theo thông tin từ Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, bệnh tay chân miệng đang có dấu hiệu tăng cao. Từ tháng 10 đến nay, trung bình mỗi tuần có khoảng 100 ca tay chân miệng điều trị nội trú và từ 700-800 ca điều trị ngoại trú, trong đó nhiều nhất là trẻ dưới 1 tuổi.
Theo thông tin từ Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, bệnh tay chân miệng đang có dấu hiệu tăng cao. Từ tháng 10 đến nay, trung bình mỗi tuần có khoảng 100 ca tay chân miệng điều trị nội trú và từ 700-800 ca điều trị ngoại trú, trong đó nhiều nhất là trẻ dưới 1 tuổi. Nhiều trường hợp bị biến chứng thần kinh nhẹ, như: giật mình lúc ngủ, suy hô hấp tuần hoàn.
Một bệnh nhi đang điều trị tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai do bệnh tay chân miệng. |
Bác sĩ Lê Văn Giai, Trưởng khoa nhiễm, cho biết bệnh tay chân miệng lây qua đường hô hấp nên có nguy cơ lây lan nhanh. Biểu hiện của bệnh là mệt mỏi, sốt nhẹ khoảng 38O, đau họng, sổ mũi. Đặc biệt xuất hiện các mụn nước, bọng nước ở bàn chân, bàn tay, cả ở mông. Lưu ý, có trường hợp trẻ bị tay chân miệng nhưng không sốt, không xuất hiện các mụn nước ở bàn tay, bàn chân nhưng xuất hiện các chấm li ti hoặc hồng ban trên da.
Hiện bệnh tay chân miệng không có vaccine phòng ngừa, cũng như chưa có thuốc đặc trị bệnh tay chân miệng nên việc tự phòng ngừa vẫn là giải pháp quan trọng nhất. Trong đó, phải thường xuyên rửa tay và đồ chơi cho trẻ bằng xà phòng, đồng thời cần cách ly những trẻ bị tay chân miệng ở nhà để phòng, ngừa lây bệnh cho người khác. Khi trẻ có dấu hiệu bệnh như trên nên cho trẻ đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Khi trẻ sốt cao trên 39O, giật mình liên tục, quấy khóc, bứt rứt, co giật thì người nhà cần cho trẻ nhập viện để được theo dõi và điều trị tránh xảy ra các biến chứng viêm não, màng não, viêm cơ tim, viêm phổi.
Ngọc Thư