Báo Đồng Nai điện tử
En

Phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội tại Hội nghị toàn quốc triển khai thi hành Hiến pháp

03:01, 25/01/2014

Tôi nhiệt liệt chào mừng và hoan nghênh sự có mặt đông đủ của các đồng chí đại biểu trung ương và các địa phương tại Hội nghị  quan trọng này nhằm quán triệt, phổ biến những nội dung cơ bản của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6; đồng thời, quán triệt, triển khai Chỉ thị của Ban Bí thư, Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc triển khai thi hành Hiến pháp.

PHÁT BIỂU KHAI MẠC      
CỦA CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TẠI HỘI NGHỊ TOÀN QUỐC
TRIỂN KHAI THI HÀNH HIẾN PHÁP  

Thưa các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,

Thưa các vị đại biểu dự Hội nghị,               

Tôi nhiệt liệt chào mừng và hoan nghênh sự có mặt đông đủ của các đồng chí đại biểu trung ương và các địa phương tại Hội nghị  quan trọng này nhằm quán triệt, phổ biến những nội dung cơ bản của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6; đồng thời, quán triệt, triển khai Chỉ thị của Ban Bí thư, Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc triển khai thi hành Hiến pháp.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc Hội nghị
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc Hội nghị

Chúng ta đều biết, Hiến pháp là văn kiện chính trị - pháp lý, là đạo luật cơ bản, luật gốc của Nhà nước. Hiến pháp phản ánh ý chí, nguyện vọng, lợi ích của toàn dân tộc. Thông qua Hiến pháp, tư tưởng quyền lực thuộc về Nhân dân được khẳng định, Nhân dân trao quyền cho các cơ quan nhà nước, bảo đảm tính hợp pháp của việc thực hiện quyền lực nhà nước. Ở nước ta, ngay sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, Quốc hội đã ban hành Hiến pháp năm 1946. Trải qua các giai đoạn kháng chiến, kiến quốc, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992 lần lượt được Quốc hội các khóa ban hành. Các bản Hiến pháp này đã tạo nền tảng chính trị - pháp lý vững chắc cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Sau 20 năm thực hiện Hiến pháp năm 1992, Quốc hội khóa XIII đã quyết định sửa đổi Hiến pháp năm 1992 để phù hợp với thời kỳ phát triển mới. Đây là sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, thu hút sự quan tâm sâu sắc và nhiệt tình hưởng ứng của đông đảo đồng bào, chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài và thực sự trở thành đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý sâu rộng trong cả hệ thống chính trị. Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và các cơ quan, tổ chức hữu quan đã tổ chức chu đáo việc lấy ý kiến nhân dân, tập hợp, tổng hợp đầy đủ, tiếp thu, giải trình nghiêm túc, thuyết phục các góp ý để hoàn thiện Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Trải qua quá trình làm việc công phu, nghiêm túc, khoa học và thật sự dân chủ, với tinh thần lắng nghe, thấu hiểu, chắt lọc tinh hoa trí tuệ từ các ý kiến đóng góp của Nhân dân, các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm và các vị đại biểu Quốc hội đã làm việc tận tụy, hết mình để xây dựng nên bản Hiến pháp trình Quốc hội xem xét, quyết định.   

Vào hồi 9 giờ 50 phút ngày 28 tháng 11 năm 2013 tại kỳ họp thứ 6, trong thời khắc thiêng liêng, trang trọng và đầy trọng trách, trước sự theo dõi, giám sát của đồng bào và chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với tuyệt đại đa số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành.

Hiến pháp mới đã phản ảnh ý chí và nguyện vọng của Nhân dân ta, trong đó ý Đảng lòng Dân được hòa quyện sâu sắc. Đó là bảo đảm chính trị - pháp lý vững chắc cho toàn thể dân tộc ta, Nhân dân ta và đất nước ta vượt qua những khó khăn, thách thức của thời kỳ mới, vững bước tiến vào giai đoạn đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới đất nước và chủ động hội nhập quốc tế.

Hiến pháp tạo cơ sở hiến định quan trọng để thực hiện thắng lợi các mục tiêu xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước trong thời kỳ  mới. Những quy định của Hiến pháp thể hiện sâu sắc và toàn diện chủ trương đổi mới toàn diện, đồng bộ cả về kinh tế và chính trị; thể hiện rõ và đầy đủ hơn bản chất dân chủ, tiến bộ của Nhà nước và chế độ ta trong giai đoạn quá độ lên chủ nghĩa xã hội; thể hiện bao quát, toàn diện hơn về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Hiến pháp quy định rõ ràng và đầy đủ về chế độ chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, bảo vệ Tổ quốc, tổ chức bộ máy nhà nước, hiệu lực và quy trình sửa đổi Hiến pháp.

Thưa các vị đại biểu,

Hiến pháp là đạo luật gốc, là văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất của nước ta. Vì vậy, sau khi Hiến pháp được Quốc hội thông qua thì nhiệm vụ quan trọng là tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp, bảo đảm cho từng nội dung của Hiến pháp thực sự đi vào đời sống, tạo sự chuyển biến sâu rộng và tích cực trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đây là nhiệm vụ quan trọng, có liên quan trực tiếp và ảnh hưởng sâu rộng đến toàn hệ thống chính trị. Quá trình triển khai thi hành Hiến pháp đòi hỏi sự tham gia tích cực, nghiêm túc của Nhân dân, tất cả các cấp, các ngành, bảo đảm sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo tập trung, thống nhất của chính quyền, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân. 

Hiến pháp có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2014. Theo Nghị quyết của Quốc hội, chúng ta phải khẩn trương tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp đồng bộ, thống nhất và hiệu quả, kịp thời tuyên truyền, phổ biến sâu rộng tinh thần và nội dung Hiến pháp, giá trị khoa học và thực tiễn của Hiến pháp đến các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao nhận thức về Hiến pháp, ý thức chấp hành và bảo vệ Hiến pháp, bảo đảm cho Hiến pháp được tôn trọng và chấp hành nghiêm chỉnh trong đời sống xã hội.

Tại Hội nghị này, trên cơ sở nghe báo cáo về những nội dung cơ bản của Hiến pháp, Kế hoạch tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp và Chỉ thị của Ban Bí thư về việc triển khai thi hành Hiến pháp, đề nghị các vị đại biểu thảo luận thật dân chủ, thẳng thắn và trách nhiệm, đề xuất các biện pháp cụ thể cho việc triển khai thi hành Hiến pháp. Lĩnh hội tinh thần tại Hội nghị này, đề nghị các vị đại biểu quán triệt trong toàn ngành, trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương mình nội dung của Hiến pháp, Chỉ thị của Ban Bí thư, Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội và có kế hoạch thiết thực, phù hợp với từng cấp, ngành, địa phương và các đoàn thể để triển khai thi hành Hiến pháp diễn ra đúng mục đích, yêu cầu, tiến độ và thu được kết quả. Chúng ta tin tưởng rằng, với sự lãnh đạo của Đảng, sự nỗ lực đóng góp công sức, trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân và toàn hệ thống chính trị, chúng ta sẽ tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp một cách đồng bộ, toàn diện và hiệu quả. 

Với tinh thần đó, tôi xin khai mạc Hội nghị toàn quốc triển khai thi hành Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Nhân dịp năm mới 2014 và đón chào xuân Giáp Ngọ, xin chúc các đồng chí và gia đình sức khỏe, hạnh phúc, chúc Hội nghị của chúng ta thành công tốt đẹp.

Xin trân trọng cảm ơn!

Tin xem nhiều