Trong bối cảnh dịch Covid-19 lan tràn khắp thế giới, buổi lễ truyền thống mang tính thiêng liêng này được tổ chức vào hôm nay 12-3 sẽ diễn ra trong bầu không khí... kỳ lạ. Lần đầu tiên ngọn đuốc được thắp lên mà không có sự chứng kiến của người dân và chưa biết Tokyo 2020 có thể diễn ra hay không.
Nghi lễ thắp và rước ngọn lửa Olympic từ đỉnh núi Olympia, Hy Lạp, đến nơi đăng cai Thế vận hội đã có từ 84 năm nay, kể từ lần đầu ở Olympic Berlin 1936. Tuy nhiên trong bối cảnh dịch Covid-19 lan tràn khắp thế giới, buổi lễ truyền thống mang tính thiêng liêng này được tổ chức vào hôm nay 12-3 sẽ diễn ra trong bầu không khí... kỳ lạ. Lần đầu tiên ngọn đuốc được thắp lên mà không có sự chứng kiến của người dân và chưa biết Tokyo 2020 có thể diễn ra hay không.
Ngay đoàn chủ nhà Nhật Bản cũng phải hạn chế tối đa thành viên đến Athens, trong đó việc dự định có 140 em thiếu nhi phải hủy bỏ. Với việc Thủ tướng Nhật đã kêu gọi hoãn, hủy, hạn chế tổ chức các sự kiện đông người, chưa biết hành trình rước đuốc qua đất nước mặt trời mọc sẽ được tổ chức ra sao.
Chỉ chưa đầy 4 tháng rưỡi nữa, vào ngày 24-7, ngọn đuốc Olympic 2020 sẽ chính thức được thắp sáng tại Tokyo nhưng IOC và chủ nhà Nhật Bản như ngồi trên lửa khi đã đầu tư hơn 12 tỷ USD. Nhiều phương án đã được tính đến, thậm chí cả việc chỉ cho mỗi đoàn cử... 2 đại diện diễu hành trong lễ khai mạc (!) Kể từ Olympic hiện đại đầu tiên ở Athens (Hy Lạp) vào năm 1896 đến nay, Thế vận hội mùa hè chỉ 3 lần phải hủy bỏ vì 2 cuộc đại chiến thế giới: Olympic Berlin 1916, Tokyo 1940 và London 1944.
Hiện thể thao Việt Nam mới giành 5 suất đến Olympic Tokyo 2020 trong mục tiêu đề ra là 20 VĐV. Đó là Nguyễn Huy Hoàng (bơi lội); Lê Thanh Tùng (thể dục dụng cụ), Đỗ Thị Ánh Nguyệt - Nguyễn Hoàng Phi Vũ (bắn cung) và mới nhất là võ sĩ boxing Nguyễn Văn Đương (hạng cân 57kg nam).
Trường Xuyên