Chỉ nhìn sự kiện Arsenal đến Việt Nam (VN) dưới góc độ một thương vụ PR, thì thương vụ này lãi to cho cả 3 bên: doanh nghiệp đầu tư, nền bóng đá và thương hiệu quốc gia.
Chỉ nhìn sự kiện Arsenal đến Việt Nam (VN) dưới góc độ một thương vụ PR, thì thương vụ này lãi to cho cả 3 bên: doanh nghiệp đầu tư, nền bóng đá và thương hiệu quốc gia.
Chỉ vài giờ sau khi đặt chân đến Hà Nội, hình ảnh HLV Wenger và các “pháo thủ” đội chiếc nón lá và cầm trên tay bó hoa sen - 2 biểu tượng của đất nước VN, đã xuất hiện trên trang chủ Arsenal và tờ báo nổi tiếng Daily Mail. Với 27 phóng viên theo chân Arsenal liên tục trong 3 ngày đội bóng lưu lại Hà Nội, những hình ảnh, bài viết về ấn tượng VN xuất hiện dồn dập, tràn ngập trên hầu như tất cả các tờ báo lớn nổi tiếng ở Anh, như: Independent, Guardian, Daily Mail, Mirror, The Sun, 101greatgoals (trang video hàng đầu về bóng đá). Ấy là chưa kể những cảm xúc mà các cầu thủ Arsenal đưa lên Twitter và Facebook của mình.
Theo thống kê được công bố vào năm ngoái, dù MU là CLB được yêu mến số 1 trên toàn thế giới với gần 660 triệu người hâm mộ, nhưng Arsenal mới lại là đội bóng chiếm được tình cảm nhiều nhất trên cả 2 trang mạng xã hội Twitter (với 1,7 triệu người) và Facebook (hơn 11 triệu người). Cứ cho là lượng người hâm mộ trên thế giới của Arsenal chỉ bằng một nửa MU và cũng chỉ một nửa trong số đó truy cập vào trang chủ của CLB cũng như trên Twitter và Facebook để theo dõi hành trình của thầy trò ông Wenger những ngày qua (khoảng 160 triệu người), sẽ thấy hình ảnh VN đã lan tỏa mạnh mẽ đến như thế nào. Đây là một cơ hội quảng bá hình ảnh VN không thể tuyệt vời, hiệu quả và nhanh chóng hơn, chỉ tiếc ngành du lịch lại không biết tranh thủ nắm bắt thời cơ này mà hầu như đứng ngoài cuộc.
Với bóng đá VN, sự hào hứng và cơn sốt nơi người hâm mộ mà Arsenal mang lại thực sự là một cú hích, một “gói kích cầu” đúng lúc trong tình hình khủng hoảng ở cấp CLB, cũng như ảm đạm về thành tích ở cấp độ các đội tuyển quốc gia. Hình ảnh của HLV Wenger và các học trò còn truyền nguồn cảm hứng, tình yêu bóng đá đến các cầu thủ hiện tại và thế hệ tương lai, đặc biệt là mang đến một cái nhìn khác đối với xã hội VN về nghề bóng đá và giới “quần đùi áo số”.
Với 2 doanh nghiệp bỏ tiền đưa Arsenal sang, ngoài nguồn thu từ bán vé, bán bảng quảng cáo, chắc chắn cùng với sự kiện này thương hiệu Eximbank, HAGL sẽ vượt tầm quốc gia. Với ông Lê Hùng Dũng thì đây là cú làm bàn ngoạn mục trong cuộc đua vào chiếc ghế chủ tịch VFF; còn với “bầu” Đoàn Nguyên Đức, liên tục trong 6 phiên giao dịch chứng khoán gần đây, cổ phiếu HAGL bật mạnh với mức tăng bất ngờ là 10%, đồng thời đạt thanh khoản cao nhất, nhì sàn, ước tính “ông bầu” HAGL đã “bội thu” hơn 200 tỷ đồng trong 2 ngày. Hiệu ứng Arsenal đóng góp bao nhiêu trong đó?
Có những giá trị vô hình không dễ đo đếm. Khó nói số tiền 50 tỷ đồng để mời Arsenal là đắt hay rẻ, cũng như người hâm mộ bỏ ra 700 ngàn hay 1,5 triệu đồng cho một tấm vé vào sân Mỹ Đình tối qua không chỉ để xem một trận giao hữu mà là để được có mặt, tham gia vào một sự kiện đáng nhớ trong đời.
Đông Kha