Theo nguyên tắc và tuyên bố của ông Phạm Ngọc Viễn, Tổng giám đốc VPF, trong trường hợp số đội còn lại tham dự V-League 2013 là lẻ thì sẽ đôn đội hạng 3 của giải hạng nhất 2012 lên (Đồng Nai), hoặc giữ lại đội áp chót V-League 2012 (Đồng Tháp), hoặc tổ chức trận play-off giữa 2 đội bóng này.
Theo nguyên tắc và tuyên bố của ông Phạm Ngọc Viễn, Tổng giám đốc VPF, trong trường hợp số đội còn lại tham dự V-League 2013 là lẻ thì sẽ đôn đội hạng 3 của giải hạng nhất 2012 lên (Đồng Nai), hoặc giữ lại đội áp chót V-League 2012 (Đồng Tháp), hoặc tổ chức trận play-off giữa 2 đội bóng này. Nhưng có lẽ để tránh việc tranh cãi trong lựa chọn phương án nào và đồng thời không làm phức tạp thêm (vì nếu Đồng Nai hay Đồng Tháp lên chơi ở V-League thì hạng nhất chỉ còn 9 đội, lại lẻ); VPF đã đưa ra một phương án an toàn nhưng chưa từng có tiền lệ với BĐ Việt Nam là: đề xuất thành lập ĐT U.22 quốc gia tham dự V-League 2013.
Sáng kiến này nghe ra rất hay, đặc biệt rất “thời sự” trong bối cảnh BĐ Việt Nam vừa có một kỳ AFF Cup muối mặt, rất cần lấy lại danh dự tại kỳ SEA Games năm sau. Việc thành lập một ĐT trẻ thi đấu cọ xát thường xuyên hàng tuần tại Giải vô địch quốc gia sẽ rất có ích. Hơn nữa, cách làm này quốc tế đã có tiền lệ. Tuy nhiên, đó là sự tham dự liên tục, thường xuyên và ĐT trẻ này tuy trực thuộc Liên đoàn BĐ quốc gia nhưng được tổ chức như mô hình của CLB. Còn đề xuất của VPF thực ra chỉ là biện pháp “chữa cháy” cho V-League (sự tham gia của ĐT U.22 chỉ tồn tại một mùa 2013 duy nhất).
Bản thân Tổng thư ký VFF Ngô Lê Bằng dù ủng hộ phương án này cũng không khỏi e ngại về tính khả thi, bởi các tuyển thủ U.22 hiện nay (sẽ là U.23 vào năm sau) đều là những trụ cột hoặc nằm trong kế hoạch sử dụng của các CLB, liệu các CLB có đồng ý “nhả” người. Ngoài ra, còn một loạt vấn đề, như: tổ chức, quản lý, chế độ lương, thưởng… Trong khi chờ ý kiến của VFF và Tổng cục Thể dục thể thao, có lẽ VPF cần chuẩn bị cho phương án 2.
Trần Đỗ