Báo Đồng Nai điện tử
En

Bóng đá Việt Nam: Những “cái chết” khi chuyển sang chuyên nghiệp

10:12, 10/12/2012

Với 3 cái tên mới nhất là: CLB BĐ Hà Nội, Navibank Sài Gòn và K.Khánh Hòa, danh sách các đội bóng “biến mất” khỏi bản đồ BĐ Việt Nam sau 12 năm chuyên nghiệp hóa đã lên tới con số 8 (trước đó là Ngân hàng Đông Á, Cảng Sài Gòn, Quân khu 4, Thể Công và Hòa Phát Hà Nội).

Với 3 cái tên mới nhất là: CLB BĐ Hà Nội, Navibank Sài Gòn và K.Khánh Hòa, danh sách các đội bóng “biến mất” khỏi bản đồ BĐ Việt Nam sau 12 năm chuyên nghiệp hóa đã lên tới con số 8 (trước đó là Ngân hàng Đông Á, Cảng Sài Gòn, Quân khu 4, Thể Công và Hòa Phát Hà Nội).

Người hâm mộ sẽ không còn được chứng kiến Tấn Tài và đội bóng quê hương Khánh Hòa thi đấu tại V-League. Ảnh: T.L
Người hâm mộ sẽ không còn được chứng kiến Tấn Tài và đội bóng quê hương Khánh Hòa thi đấu tại V-League. Ảnh: T.L

Trong số này, có “tuổi thọ” ở V-League ngắn ngủi nhất là Quân khu 4. Thăng hạng chuyên nghiệp năm 2009, nhưng chỉ sau đúng một năm, đội bóng quân khu này chính thức tự giải thể khi chuyển giao cho Tập đoàn đầu tư Sài Gòn và chuyển hộ khẩu vào TP.Hồ Chí Minh với cái tên lạ hoắc lạ hươ: Navibank SG. Tung tiền chiêu binh mãi mã rầm rộ, nhưng danh hiệu duy nhất mà đội bóng này giành được chỉ là chiếc Cúp quốc gia 2011 và chỉ sau 3 năm tồn tại, các ông chủ của Navibank SG phải bỏ của chạy lấy người, bán tống bán tháo đội bóng. Phía mua, công ty Xuân Thủy (em “bầu” Thụy) cũng không sao tìm đâu ra nơi gả bán lại và đành tuyên bố giải thể đội bóng, sau khi giữ lại một số gương mặt xuất sắc chuyển giao cho Sài Gòn Xuân Thành.

CLB BĐ Hà Nội trên thực tế cũng mới chỉ tham dự đúng một mùa giải V-League 2012. Cuối năm ngoái, đội bóng này được hình thành trên cơ sở “bầu” Kiên mua lại suất trụ hạng của Hòa Phát Hà Nội, sau khi bầu Long và bầu Tuấn của Tập đoàn Hòa Phát tuyên bố giải thể đội bóng và chuyển giao lại toàn bộ nhân sự, cơ sở vật chất…, chấm dứt 6 năm tồn tại của Hòa Phát Hà Nội ở đấu trường V-League.

Tên tuổi hơn một chút là Ngân hàng Đông Á (NHĐA). Tham dự V-League từ những ngày đầu tiên dưới cái tên Công an TP.Hồ Chí Minh, mùa giải 2003 đội bóng được đổi tên thành NHĐA. Sau lần cuối cùng tham dự V-League 2004, NHĐA được giải thể và chuyển giao cho CLB sơn ĐT.LA, trước khi được chuyển nhượng lại cho đội bóng cố đô Hoa Lư V.Ninh Bình vào năm 2006.

Nhưng 2 cái tên nổi tiếng nhất phải “hy sinh” bởi BĐ kim tiền chính là Cảng Sài Gòn (CSG) và Thể Công. Là một trong những đội bóng đầu tiên chuyển sang mô hình chuyên nghiệp và từng giành ngôi quán quân ở V-League 2001-2002, nhưng rồi thành tích của CSG cứ sa sút dần. Để rồi cuối năm 2008, sau 7 mùa giải tham dự V-League, lãnh đạo CSG tuyên bố không còn kinh phí để duy trì đội bóng, dẫn tới xóa bỏ phiên hiệu Cảng và chuyển đội bóng về cho LĐBĐ TP.Hồ Chí Minh với tên gọi mới CLB BĐ TP. Hồ Chí Minh.

Còn Thể Công, đội bóng giàu truyền thống bậc nhất Việt Nam đã có “thâm niên” 6 mùa giải tham dự V-League trước khi được giao cho Viettel quản lý vào cuối mùa giải 2009. Thế nhưng, sau một mùa giải không thành công, đội bóng từng là niềm tự hào, thương hiệu của BĐ Việt Nam này lại được chuyển giao cho một địa phương (Thanh Hóa). Cái tên Thể Công hào hùng chính thức biến mất trên bản đồ BĐ Việt Nam trong sự nuối tiếc của các thế hệ CĐV đội bóng mặc áo lính.

Tuy nhiên, nếu xét về thâm niên tham dự V-League thì K.Khánh Hòa, đội bóng vừa được chuyển giao cho Hải Phòng, mới là có bề dày hơn cả. Đội bóng phố biển Nha Trang đã có tổng cộng 8 mùa giải góp mặt ở giải đấu cao nhất của BĐ Việt Nam, trong đó liên tục từ mùa giải 2006 đến 2012. Trong cuộc khủng hoảng của BĐ Việt Nam vừa qua, K.Khánh Hòa cũng hầu như không bị ảnh hưởng, bởi đây là đội bóng mang đậm bản sắc địa phương. Thế nhưng, tất cả đã hết sức bất ngờ khi lãnh đạo CLB quyết định chuyển giao đội bóng cho Hải Phòng, chính thức tự xóa tên khỏi bản đồ BĐ Việt Nam.

Thành Quang

 

Tin xem nhiều