Ngày 3-3, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thông báo tranh cử nhiệm kỳ 2 trong cuộc bầu cử tháng 4 tới, với mục tiêu đưa nền kinh tế lớn thứ hai Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) vượt qua đại dịch Covid-19 và các tác động của căng thẳng Nga - Ukraine.
Ngày 3-3, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thông báo tranh cử nhiệm kỳ 2 trong cuộc bầu cử tháng 4 tới, với mục tiêu đưa nền kinh tế lớn thứ hai Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) vượt qua đại dịch Covid-19 và các tác động của căng thẳng Nga - Ukraine.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Ông Macron đã thông báo ý định tái tranh cử trong một bức thư được một số tờ báo Pháp đăng tải. Nếu tái đắc cử, ông sẽ là vị tổng thống đầu tiên của Pháp trong 2 thập kỷ qua tại vị 2 nhiệm kỳ liên tiếp.
Trong thư, Tổng thống Macron cho biết, trong 5 năm qua, nước Pháp phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng khác nhau như: đại dịch Covid-19, phản đối chính phủ, bạo động..., thừa nhận "chúng ta chưa đạt được mọi mục đích đặt ra", đồng thời cam kết "tôi sẽ có thể tạo nên sự khác biệt".
Tổng thống Macron cũng nêu các thành quả trong nhiệm kỳ này như tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất trong 15 năm. Ông cho biết sẽ tiếp tục cắt giảm thuế và thúc đẩy người Pháp đi làm nhiều hơn với gợi ý sẽ khôi phục cuộc cải cách lương hưu. Ông cũng hứa hẹn sẽ cải cách hệ thống giáo dục, nhấn mạnh giáo viên cần được trả lương cao hơn và có nhiều quyền hơn trong hoạt động giáo dục.
Tổng thống Macron bước vào "đường đua" chỉ một tháng trước khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống ngày 10-4 tới. Thăm dò dư luận cho thấy ông có thể giành chiến thắng trước các đối thủ tiềm tàng là lãnh đạo phe cực hữu - bà Marine Le Pen và nữ chính khách theo đường lối bảo thủ trung hữu Valerie Pecresse.
5 năm trước, ông Macron là Tổng thống Pháp trẻ nhất kể từ thời Napoleon, tự mô tả mình là một chính khách hướng ngoại, giúp Pháp trở nên thân thiện hơn với nhà đầu tư và làm cho Liên minh châu Âu (EU) mạnh hơn. Ông cắt giảm thuế cho các doanh nghiệp lớn và giàu có, nới lỏng luật lao động và định hình nước Pháp như là một quốc gia khởi nghiệp. Tuy nhiên, phong trào biểu tình chống chính phủ "áo vàng" và sau đó là đại dịch Covid-19 đã buộc nhà lãnh đạo này phải điều chỉnh các kế hoạch cải cách của mình.
TTXVN