Báo Đồng Nai điện tử
En

FAO: Mỹ Latinh - chìa khóa cho an ninh lương thực thế giới

08:03, 27/03/2022

Mỹ Latinh và Caribe đóng vai trò quan trọng đối với an ninh lương thực toàn cầu, hiện khu vực này sản xuất đủ lương thực (tính theo calo) cho khoảng 1,3 tỷ người, tức 1/6 dân số thế giới. Đây là nhận định của Tổng giám đốc Tổ chức Nông lương LHQ (FAO) Khuất Đông Ngọc.

Mỹ Latinh và Caribe đóng vai trò quan trọng đối với an ninh lương thực toàn cầu, hiện khu vực này sản xuất đủ lương thực (tính theo calo) cho khoảng 1,3 tỷ người, tức 1/6 dân số thế giới. Đây là nhận định của Tổng giám đốc Tổ chức Nông lương LHQ (FAO) Khuất Đông Ngọc.

Phóng viên TTXVN tại khu vực cho biết, trước thềm Hội nghị khu vực của FAO tại Quito, Ecuador, Tổng giám đốc FAO nhận định Mỹ Latinh và Caribe đang đối mặt với tình hình phức tạp do tốc độ phục hồi kinh tế không đạt mong đợi.

Theo số liệu của FAO, năm 2020 trong tổng số 650 triệu dân Mỹ Latinh và Caribe có 267 triệu người sống trong tình trạng mất an ninh lương thực, tăng 60 triệu người chỉ trong 1 năm. Gần 60 triệu người bị thiếu đói triền miên, trong khi một nửa dân số nông thôn sống trong nghèo đói, và 1/4 sống trong cảnh nghèo cùng cực.

Trong bối cảnh đó, hậu quả của cuộc khủng hoảng Ukraine với nguồn cung và giá lương thực toàn cầu càng làm gia tăng sức ép đối với khu vực. Không những thế, nhiều quốc gia Mỹ Latinh và Caribe cũng nằm trong số các nước dễ tổn thương nhất trước khủng hoảng khí hậu, khi bão lũ, hạn hán đã trở thành mối đe dọa hằng năm.

Tổng giám đốc FAO ước tính, để duy trì đóng góp vào an ninh lương thực thế giới, khu vực này phải có đủ năng lực hỗ trợ thêm 300 triệu người trong vòng 28 năm tới. Đó là trách nhiệm lớn đối với khoảng 22 triệu nông dân và ngư dân trong khu vực, phần lớn trong số này là các hộ sản xuất gia đình quy mô vừa và nhỏ.

Trước thách thức này, FAO nhận định khu vực cần chuyển đổi sang các hệ thống nông sản thực phẩm hiệu quả, bao trùm, linh hoạt và bền vững hơn, phù hợp với các điều kiện và ưu tiên của mỗi quốc gia. Cuộc khủng hoảng hiện tại không phải là cuối cùng, và Mỹ Latinh, cũng như phần còn lại của thế giới, cần có tầm nhìn dài hạn, xác định phương hướng phát triển mới cho hệ thống nông sản thực phẩm.

Ông Khuất Đông Ngọc khẳng định chìa khóa cho chuyển đổi chính là đổi mới: từ khoa học - công nghệ, số hóa, đến thể chế và hệ thống quản trị. Một ví dụ về đổi mới quản trị, để giải quyết tình trạng khan hiếm nước dai dẳng ở nhiều quốc gia, tất cả các bên liên quan cần hợp tác trong chiến lược ngắn và dài hạn để điều chỉnh hệ thống nông sản thực phẩm của mỗi nước.

Ngoài ra, các nước sẽ phải thiết kế các quy phạm pháp luật mới để điều chỉnh việc tiếp cận và sử dụng nước: đó là đổi mới thể chế. Và cuối cùng, cần thực hiện những đổi mới công nghệ lớn để nâng cao hiệu quả sử dụng nước trong nông nghiệp, khôi phục và bảo vệ đất và quản lý các lưu vực đầu nguồn bền vững hơn.

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Ukraine làm trầm trọng thêm thách thức đối với an ninh lương thực toàn cầu, FAO khẳng định đổi mới là con đường duy nhất có thể đảm bảo hệ thống nông sản thực phẩm của khu vực sẽ tiếp tục hoạt động tốt trong tương lai. Nếu không thay đổi, Mỹ Latinh và Caribe chỉ “vá tạm” các lỗ hổng hiện tại và không thể sẵn sàng trước các cuộc khủng hoảng tương lai.

Ông Khuất Đông Ngọc bày tỏ hy vọng trong hội nghị khu vực khai mạc ngày 28-3, cả 33 nước thành viên sẽ ủng hộ Khung chiến lược 2022-2031 của FAO, bởi đây không chỉ là một văn bản đơn thuần, mà là con đường hướng tới tương lai của các hệ thống nông sản thực phẩm.

TTXVN

Tin xem nhiều