Báo Đồng Nai điện tử
En

Khu vực ASEAN+3 có triển vọng tăng trưởng kinh tế tích cực trong năm 2022

10:01, 25/01/2022

Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, ngày 25-1, Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) công bố báo cáo cập nhật giám sát kinh tế khu vực tháng 1-2022, trong đó nhận định khu vực sẽ tiếp tục duy trì khả năng tự phục hồi trong năm 2022, bất chấp những thách thức mới từ đại dịch Covid-19.

Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, ngày 25-1, Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) công bố báo cáo cập nhật giám sát kinh tế khu vực tháng 1-2022, trong đó nhận định khu vực sẽ tiếp tục duy trì khả năng tự phục hồi trong năm 2022, bất chấp những thách thức mới từ đại dịch Covid-19.

Trên một đường phố ở Tokyo, Nhật Bản, ngày 16-11-2020. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Trên một đường phố ở Tokyo, Nhật Bản, ngày 16-11-2020. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

ASEAN+3 gồm các nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. AMRO vẫn giữ nguyên đánh giá tích cực và dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2022 của khối ASEAN+3 sẽ đạt 4,9%, thấp hơn một chút so với con số 5% được đưa ra trong bản cập nhật tháng 10-2021. AMRO nhận định mức lạm phát của ASEAN+3 trong năm 2022 khoảng 2,9%.

AMRO chỉ ra đợt bùng phát dịch Covid-19 do biến thể Omicron gây ra từ cuối năm 2021 đã dẫn đến những bất ổn mới và kéo lùi tiến trình phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, tỷ lệ bao phủ vaccine ngừa Covid-19 cao đã giúp giảm bớt nguy cơ các chính phủ phải ban hành những biện pháp phong tỏa diện rộng như đã từng diễn ra trong những thời gian đầu của đại dịch.

Theo TS Hoe Ee Khor, nhà kinh tế trưởng của AMRO, khu vực ASEAN+3 vẫn có đủ năng lực điều chỉnh chính sách để có thể vượt qua những thách thức mới và tiếp tục tiến trình phục hồi kinh tế. Theo ông Khor, với sự “cộng hưởng” từ những gián đoạn nguồn cung toàn cầu kéo dài và áp lực giá cả toàn cầu tăng cao, sự bùng phát của các làn sóng lây nhiễm Covid-19 tiếp tục là mối nguy cơ chính đối với kinh tế của khu vực. Trong khi đó, tình trạng gia tăng lạm phát toàn cầu nhiều khả năng sẽ buộc các nền kinh tế phát triển phải thu hẹp những chính sách hỗ trợ tiền tệ quy mô lớn sớm hơn (có thể trong nửa cuối năm 2022) hoặc nhiều hơn so với dự báo trước đó.

Mặc dù vậy, theo AMRO, những tác động mang tính dây chuyền đối với khu vực ASEAN+3 có thể sẽ được giảm thiểu nhờ khu vực này có năng lực tự phục hồi lớn hơn.

Đối với khu vực ASEAN, AMRO cho rằng hầu hết các nền kinh tế thành viên trong năm 2022 sẽ tăng trưởng thấp hơn so với dự báo đưa ra hồi tháng 10-2021, do tác động của làn sóng lây nhiễm biến thể Omicron và nguy cơ tái áp đặt các biện pháp phong tỏa để kiểm soát lây nhiễm tại các nước. AMRO nhận định tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu đã “đạt đỉnh” trong quý IV-2021 và sẽ giảm bớt trong năm 2022. Dù vậy, các chi phí cao và các quy trình, quy định khó khăn sẽ vẫn hạn chế hoạt động đi lại, đặc biệt là trong nửa đầu năm 2022, và ngành du lịch toàn cầu sẽ chỉ có thể phục hồi như mức trước đại dịch từ nửa cuối năm 2023 trở đi.

Trong bản báo cáo cập nhật tháng 1-2022, AMRO cũng có một số điều chỉnh đối với tăng trưởng kinh tế của khu vực ASEAN+3 trong năm 2021. AMRO ước tính khu vực ASEAN+3 sẽ tăng trưởng 5,9% trong cả năm 2021, thấp hơn 0,2 điểm phần trăm so với mức dự báo tăng trưởng 6,1% đưa ra trong báo cáo tháng 10-2021. Nguyên nhân chính là do tăng trưởng của Nhật Bản yếu hơn dự báo (do hoạt động kinh tế trong quý III-2021 bị hạn chế đáng kể do sự bùng phát trở lại các đợt lây nhiễm Covid-19 trên toàn quốc) và thị trường bất động sản tại Trung Quốc hạ nhiệt khi Bắc Kinh siết chặt quản lý lĩnh vực này.

Trong khi đó, tăng trưởng GDP của khối ASEAN trong năm 2021 được AMRO đánh giá là sẽ cao hơn so với dự báo trước đây, chủ yếu nhờ những kết quả tích cực trong hoạt động kinh tế tại Singapore, Philippines, Campuchia và Thái Lan (vốn được hỗ trợ từ tiến độ tiêm vaccine nhanh và xuất khẩu hàng hóa ổn định trong quý IV-2021). Bên cạnh đó, theo AMRO, mức lạm phát giá tiêu dùng của khu vực ASEAN+3 trong năm 2021 là 2,2%, thấp hơn so với con số 2,4% dự báo trước đây do tốc độ gia tăng giá thực phẩm tại Trung Quốc, Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam thấp hơn dự kiến.

TTXVN

Tin xem nhiều