Tích cực và đúng hướng là nhận định chung của các bên liên quan sau cuộc gặp đầu tiên về vấn đề hạt nhân của Iran trong 3 năm qua. Diễn biến mới này mở ra hy vọng làm "sống lại" thỏa thuận hạt nhân lịch sử mà các bên ký kết vào năm 2015.
Tích cực và đúng hướng là nhận định chung của các bên liên quan sau cuộc gặp đầu tiên về vấn đề hạt nhân của Iran trong 3 năm qua. Diễn biến mới này mở ra hy vọng làm “sống lại” thỏa thuận hạt nhân lịch sử mà các bên ký kết vào năm 2015.
Các bên nối lại đàm phán hạt nhân Iran. Ảnh: Reuters |
Dĩ nhiên, việc khôi phục lại thỏa thuận hạt nhân mà nhóm P5+1 (Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) đã ký với Iran hồi năm 2015, không thể được thực hiện trong một sớm một chiều, nhưng việc các bên chịu ngồi lại với nhau tại Vienna (Áo) lần này cho thấy cả P5+1 và Iran đều có thiện chí muốn giải quyết vấn đề gai góc này. Như vậy, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thực hiện lời hứa là xem xét lại bản thỏa thuận mà người tiền nhiệm Donald Trump đã đơn phương rút khỏi cách đây 3 năm.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán, Mỹ thông báo sẽ dỡ bỏ một số biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran. Tuy nhiên, Washington cũng khẳng định việc các bên quay trở lại thỏa thuận hạt nhân là cần thiết, nhưng không đủ. Mỹ muốn một thỏa thuận mạnh mẽ hơn, bền vững hơn, đồng thời hợp tác với các đối tác để giải quyết những vấn đề này.
Về phần mình, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đánh giá các cuộc đàm phán mới được nối lại đã mở ra “một chương mới” trong nỗ lực cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015.
Sau cuộc gặp “phá băng” hôm 6-4, dự kiến hôm nay (9-4), Iran và nhóm P5+1 sẽ có cuộc gặp tiếp theo, sau khi các chuyên gia dự thảo kế hoạch liên quan tới việc Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt và Iran quay lại việc tuân thủ thỏa thuận hạt nhân.
Quốc Trung