Cuba và Nga đã ký kết các thỏa thuận về cung cấp máy móc cơ khí; hợp tác chống vi phạm quy định hàng không, đào tạo cán bộ hải quan; nâng cấp, hiện đại hóa hạ tầng đường sắt; dự án trung tâm chiếu xạ.
Cuba và Nga đã ký kết các thỏa thuận về cung cấp máy móc cơ khí; hợp tác chống vi phạm quy định hàng không, đào tạo cán bộ hải quan; nâng cấp, hiện đại hóa hạ tầng đường sắt; dự án trung tâm chiếu xạ.
Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cuba Miguel Diaz-Canel (phải) và Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev trong cuộc gặp tại La Habana, ngày 3-10 vừa qua. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev vừa kết thúc chuyến thăm chính thức 2 ngày tới Cuba.
Đây là chuyến thăm đầu tiên của một nhà lãnh đạo cấp cao Nga tới Cuba trong 5 năm qua, sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin thăm quốc gia vùng Caribe này tháng 7-2014.
Kết quả chuyến thăm được đánh giá là thiết thực và mang nhiều ý nghĩa.
Bản thân việc Thủ tướng Nga thăm Cuba vào thời điểm quốc gia vùng Caribe đang phải đương đầu với những khó khăn mới sau khi Mỹ tiếp tục siết chặt các biện pháp trừng phạt kinh tế, cũng thể hiện vai trò của mối quan hệ đối tác chiến lược truyền thống và tình hữu nghị bền chặt giữa hai nước.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, hai bên đã ký 8 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực giao thông, khoa học-kỹ thuật, công nghiệp và hải quan.
Hai nước nhất trí tăng cường các mối quan hệ chiến lược, hợp tác trong các lĩnh vực khoa học-kỹ thuật và khuyến khích sáng tạo, ký thỏa thuận liên quan tới việc cấp vốn cho các dự án bảo trì máy bay của hãng hàng không dân dụng Cuba do Nga sản xuất.
Dưới sự chứng kiến của Chủ tịch Cuba và Thủ tướng Nga, quan chức chính phủ hai nước cũng ký kết các thỏa thuận về cung cấp máy móc cơ khí, hợp tác chống vi phạm quy định hàng không và huấn luyện cán bộ hải quan, nâng cấp và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng đường sắt của Cuba, triển khai dự án tiến tới thành lập một trung tâm chiếu xạ và mở rộng cơ sở sản xuất phụ tùng và lắp ráp ôtô tại đảo quốc Caribe.
Có thể nói các thỏa thuận hợp tác được hai bên ký kết lần này bao trùm nhiều lĩnh vực và trong bối cảnh Cuba đang bị cô lập như hiện nay, đây được đánh giá như một liều thuốc “trợ lực” quan trọng và đúng lúc, giúp đảo quốc vùng Caribe chống đỡ, trụ vững trước sức ép.
Năng lượng, lương thực và đầu tư là 3 lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nhất của các biện pháp trừng phạt.
[Cuba và Nga đồng ý thành lập công ty liên doanh đầu tiên]
Trong chuyến thăm lần này, bảo đảm an ninh năng lượng cho Cuba là thỏa thuận giữa hai bên và được Thủ tướng Nga cam kết. Thủ tướng Medvedev đã đích thân khởi động máy khoan đầu tiên của mỏ dầu “Boca de Haruko” có trữ lượng hơn 3 tỷ tấn
Lãnh đạo tập đoàn dầu mỏ Nga “Zarubezhneft” đánh giá khi dự án hợp tác giữa tập đoàn này và công ty Cubapetroleo được thực hiện, sản lượng khai thác sẽ đủ đáp ứng được nhu cầu trong nước của Cuba.
Đáng chú ý tuyên bố giúp đỡ mà Nga dành cho Cuba không phải là giúp đỡ không hoàn lại như thường thấy thời trước năm 1990, quan hệ hai nước giờ đây mang tính chất “hữu nghị song thực tiễn,” còn hợp tác “đôi bên cùng có lợi.”
Tuyên bố trên cho thấy Nga coi Cuba là đối tác thực thụ, cũng như Moskva tìm kiếm một quan hệ hợp tác hiệu quả và thực chất tại La Habana.
Thủ tướng Medvedev đánh giá cao quan hệ truyền thống giữa Nga và Cuba, khẳng định Moskva coi La Habana “là một đồng minh thật sự quan trọng” và quan hệ song phương có một tương lai tươi sáng.
Thủ tướng Medvedev nêu rõ: "Chuyến thăm này một lần nữa chứng minh Cuba thực sự là một đồng minh quan trọng của Nga ở Mỹ Latinh và các mối quan hệ của chúng ta là hướng tới tương lai, mang tính xây dựng trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau."
Ngoài sự tiếp đón trọng thị và những đề tài thảo luận quan trọng, qua chuyến thăm, quan hệ Nga-Cuba tới đây còn có cơ hội được thắt chặt hơn nữa khi Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel thông báo ông sẽ có chuyến thăm Nga vào cuối tháng này để gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Đây sẽ là chuyến công du thứ 2 của nhà lãnh đạo Cuba tới Nga trong vòng chưa đầy một năm, cho thấy La Habana hết sức coi trọng quan hệ với Moskva.
Sau thời gian “đứt đoạn” hồi thập niên 1990 do những lý do khách quan, Liên bang Nga và Cuba bắt đầu nối lại quan hệ từ những năm 2000.
Giếng khoan dầu mỏ theo công nghệ trục ngang tại Boca de Jaruco, tỉnh Mayabeque của Cuba, ngày 4-10 vừa qua. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Các chuyến thăm cấp cao được tổ chức. Năm 2014, Tổng thống Putin và Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cuba Raul Castro đã ký văn kiện về hợp tác trong lĩnh vực an ninh, năng lượng, công nghiệp, văn hóa và y tế. Kể từ đó hai nước tích cực phát triển các mối quan hệ kinh tế-thương mại.
Kim ngạch song phương tăng từ 180 triệu lên 450 triệu USD. Hiện nay, Nga chỉ đứng sau Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc với vai trò là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Cuba.
Trong lĩnh vực hợp tác quân sự, hiện hai nước đang thực hiện thỏa thuận vay tín dụng của Nga 38 triệu USD để mua sắm quốc phòng
Trong bối cảnh Cuba đã phải chịu các biện pháp trừng phạt, bao vây, cô lập của Mỹ suốt 6 thập niên qua, hợp tác với Nga trong lĩnh vực kinh tế và quân sự vừa đem lại hiệu quả kinh tế thực tiễn, vừa có ý nghĩa củng cố được vị thế của “Hòn đảo Tự do,” giữ vững con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội của quốc gia chỉ ở cách nước Mỹ hơn 100km này. Nga và Cuba cũng hỗ trợ và ủng hộ lẫn nhau trên trường quốc tế.
Trong khi quan hệ với Mỹ căng thẳng trở lại dưới thời Tổng thống đương nhiệm Donald Trump, Cuba đang đứng trước một thời kỳ thay đổi mạnh mẽ về chính trị và cải cách kinh tế, với việc chuyển giao thế hệ lãnh đạo từ tháng 7/2017, thông qua Hiến pháp mới hồi tháng Hai vừa qua; trong đó tiếp tục khẳng định mục tiêu theo đuổi con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội đồng thời thực hiện những kế hoạch cải cách tham vọng, thông qua việc thu hút đầu tư và xây dựng nền kinh tế từ kinh tế xã hội chủ nghĩa thành nền kinh tế hỗn hợp, định hướng thị trường song do nhà nước quản lý...
Thúc đẩy hợp tác với Nga, đất nước hữu nghị truyền thống, cường quốc quân sự, quốc gia có tiếng nói trọng lượng trên trường quốc tế, sẽ là chỗ dựa, là bảo đảm cho Cuba thực hiện bước chuyển mình mạnh mẽ vì sự phồn vinh và phát triển.
Về phía Moskva, trong bối cảnh quan hệ căng thẳng với Mỹ và phương Tây vẫn chưa thể tháo gỡ, Liên bang Nga cũng rất cần duy trì các mối quan hệ tin cậy tại khắp các châu lục. Moskva đã khẳng định vai trò tại Trung Đông và thế giới Arab, từng bước thành công trong “xoay trục sang châu Á”.
Còn ở Mỹ Latinh, củng cố quan hệ với Cuba tiếp tục là một ưu tiên trong chiến lược của Moskva nhằm mở rộng vai trò và vị thế tại khu vực từng được xem là nằm trong vòng ảnh hưởng của Mỹ này.
Với cơ sở là tình hữu nghị truyền thống đang được hai nước đầu tư phát triển một cách kỹ lưỡng, thực chất và hiệu quả Nga và Cuba đều hướng tới mục tiêu đạt được “trái ngọt” là sự phát triển chung./.
Tâm Hằng (TTXVN/Vietnam+)