Cơ quan quản lý Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) thông báo hơn 300 máy bay thuộc dòng 737 MAX và 1 dòng 737 cũ hơn có thể có những bộ phận được chế tạo không đúng thiết kế.
Cơ quan quản lý Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) thông báo hơn 300 máy bay thuộc dòng 737 MAX và 1 dòng 737 cũ hơn có thể có những bộ phận được chế tạo không đúng thiết kế.
Các loại máy bay chở khách phổ biến nhất của Airbus. (Ảnh: Airbus) |
Sau khi Chiến tranh thế giới thứ Hai kết thúc, thị trường hàng không dân dụng bắt đầu phát triển và bùng nổ vào thập niên 60. Khi đó, hai tập đoàn Mỹ đang thống lĩnh thị trường máy bay chở khách dân dụng: Boeing và Douglas Aircraft (sau này đổi thành McDonnell Douglas). Những chiếc máy bay Douglas DC-8 và Boeing 707 của Mỹ xuất hiện trên khắp thế giới, di chuyển qua các châu lục, rút ngắn thời gian và chi phí cho những chuyến đi đường dài.
Sức mạnh của các nhà sản xuất máy bay Mỹ lên đến đỉnh điểm vào năm 1969, khi Boeing 747 có chuyến bay đầu tiên. Chiếc máy bay với biệt danh Jumbo Jet (Phản lực khổng lồ) đã khiến những chuyến bay xuyên lục địa trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Hơn nữa, Boeing 747 giữ kỷ lục là máy bay có sức chứa hành khách lớn nhất trong gần 4 thập kỷ sau đó.
Air France là hãng hàng không đầu tiên đưa A300 vào sử dụng (Ảnh: Airbus) |
Dĩ nhiên, trước sự “bành trướng” của các nhà sản xuất Mỹ, châu Âu cũng muốn lấy phần của mình trên “chiếc bánh” hàng không dân dụng. Một số sản phẩm của châu Âu như Sud Aviation Caravelle (Pháp) hay Vickers VC-10 (Anh) bắt đầu xuất hiện. Mặc dù vậy, các hãng hàng không châu Âu vẫn ưa thích máy bay do Mỹ sản xuất hơn những sản phẩm từ chính châu lục này.
Kể từ đó, các nước châu Âu nhận ra họ phải kết hợp những nguồn lực của mình lại thì mới có thể cạnh tranh được với Mỹ. Năm 1970, một loạt các công ty từ Anh, Pháp và Đức đã quyết định liên kết với nhau để tạo thành một “siêu tập đoàn”: Airbus.
Chưa đầy 5 năm sau, ngày 30/5/1974, châu Âu bắt đầu đưa ra đòn “đáp trả” đầu tiên: hãng hàng không Air France (Pháp) giới thiệu chiếc Airbus A300 trong đội bay của hãng. A300 là máy bay đầu tiên do Airbus sản xuất, đồng thời là chiếc máy bay thân rộng 2 động cơ đầu tiên trên thế giới.
A380 - Máy bay chở khách lớn nhất thế giới (Ảnh: Lufthansa) |
A300 được thiết kế với ý đồ cạnh tranh trực tiếp với những sản phẩm của Mỹ như Douglas DC-10 và Lockheed (sau này là Lockheed Martin) L-1011. A300 có sức chứa hành khách tương tự DC-10 và L-1011 trên các chuyến bay tầm ngắn và tầm trung ở châu Âu (khoảng 266 hành khách). Tuy nhiên, không giống như DC-10 và L-1011 với 3 động cơ, A300 của Airbus chỉ có 2 động cơ General Electric CF6 nên có thể giảm thiểu được chi phí hoạt động.
Airbus cũng là nhà tiên phong trong một phương thức sản xuất mới: các bộ phận của máy bay được chế tạo ở nhiều nước khác nhau trên toàn châu Âu. Sau đó, những bộ phận này được đưa đến cơ sở lắp ráp của hãng ở Toulouse (Pháp). Người dân Pháp từng rất bất ngờ khi thấy các đoàn xe chở những bộ phận của chiếc A300 phiên bản mẫu đi qua nhiều làng quê nhỏ của nước Pháp. Sau này, các bộ phận của máy bay được chở đến Toulouse bằng những chiếc máy bay vận tải chuyên dụng.
Với sức chứa tương đương các máy bay Mỹ nhưng chi phí vận hành rẻ hơn, A300 bắt đầu nhận được những đơn hàng khổng lồ tại châu Âu và châu Á. Thậm chí, hãng còn tổ chức một chuyến hành trình vòng quanh thế giới để quảng bá A300 đến các hãng hàng không trên toàn cầu.
Dù đã ngừng sản xuất từ lâu nhưng A300 vẫn được nhiều hãng vận tải tin dùng (Ảnh: Wikimedia) |
Bước đột phá đến với A300 vào năm 1978 khi Eastern Airlines trở thành khách hàng Mỹ đầu tiên mua 23 chiếc máy bay của hãng. Sau đó, Pan American Airways (Pan Am) cũng có động thái tương tự, giúp Airbus tạo được chỗ đứng trên thị trường.
Chính thành công của A300 đã mang đến một “đại gia đình” máy bay Airbus. Năm 1982, phiên bản ngắn hơn của A300 là A310 có chuyến bay đầu tiên. Tiếp sau đó là những A320 vào năm 1987, A330 và A340 vào nửa đầu của thập niên 90. Đến năm 2007, Airbus đã chính thức soán ngôi của Boeing với A380 – chiếc máy bay chở khách thân rộng lớn nhất thế giới.
Dù mất nhiều thời gian, nhưng nhờ sự đoàn kết và chia sẻ tài nguyên hợp lý, châu Âu cũng đã có thể cạnh tranh song phẳng với Mỹ trên thị trường hàng không dân dụng. Sau nhiều vụ tai nạn gần đây liên quan đến Boeing, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến dòng máy bay 737 MAX, Airbus hoàn toàn có cơ hội vượt mặt đối thủ Mỹ để trở thành nhà sản xuất máy bay dân dụng hàng đầu thế giới./.
(TTXVN/Vietnam+)