Ngày 22/2, Ủy ban châu Âu (EC) đã cảnh báo sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt Italy nếu nước này không áp dụng các biện pháp thắt lưng buộc bụng tương đương ít nhất 0,2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào cuối tháng 4 tới.
Ngày 22/2, Ủy ban châu Âu (EC) đã cảnh báo sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt Italy nếu nước này không áp dụng các biện pháp thắt lưng buộc bụng tương đương ít nhất 0,2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào cuối tháng 4 tới.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Telegraph) |
Đây là một phần trong kế hoạch nhằm kiểm soát tình trạng nợ công của Italy hiện đứng ở mức cao thứ 2 trong khu vực đồng tiền chung Eurozone.
Theo dự báo của EC, năm 2017 nợ công của Italy sẽ chiếm tới 133.3% GDP, mức cao nhất trong lịch sử so với mức 132.8% GDP của năm 2016. Hiện EC yêu cầu Italy phải giảm thâm hụt ngân sách 3,6% GDP mỗi năm.
Ông Valdis Dombrovskis, Phó Chủ tịch EC khẳng định "sẽ đưa ra các quyết định kỷ luật dựa trên những dự báo về tăng trưởng của khối và đánh giá về việc triển khai các biện pháp mà Italy đã cam kết thực hiện, cụ thể là sau tháng 4 tới."
Theo quy định, EC có quyền áp đặt các biện pháp trừng phạt và ngừng cấp ngân sách của EU cho các nước thành viên có mức thâm hụt ngân sách trên 3% GDP và không đưa ra được những biện pháp để thu hẹp khoảng cách này.
Động thái trên đang tăng thêm áp lực cho chính phủ theo đường lối trung tả của Italy, khi sẽ phải áp dụng những biện pháp tài chính thắt chặt không được người dân ủng hộ đồng thời phải đối mặt với cuộc bầu cử sớm sắp tới trong bối cảnh chủ nghĩa bài châu Âu ngày một gia tăng tại Italy.
Cũng trong thông báo, EC đã cảnh báo Pháp - một trong những nền kinh tế hàng đầu trong Liên minh châu Âu đang rơi vào tình trạng mất cân bằng khi nợ công cao, thâm hụt ngân sách. Mặc dù đã tiến hành cải cách trong những năm gần đây, tuy nhiên EC hy vọng Paris vẫn tiếp tục điều chỉnh để phù hợp với các kế hoạch phát triển đã đề ra./.