Trong dịp cuối tuần qua, ít nhất 3 trong số các ứng cử viên chính cho các cuộc chạy đua giành ghế Tổng thống Pháp vào cuối tháng Tư đầu tháng Năm tới đã chọn thành phố Lyon ở miền Trung làm nơi khởi động chiến dịch vận động tranh cử của mình.
Trong dịp cuối tuần qua, ít nhất 3 trong số các ứng cử viên chính cho các cuộc chạy đua giành ghế Tổng thống Pháp vào cuối tháng Tư đầu tháng Năm tới đã chọn thành phố Lyon ở miền Trung làm nơi khởi động chiến dịch vận động tranh cử của mình.
Bà Marine Le Pen được cho là có phong cách giống ông Donald Trump. (Nguồn: BBC) |
Những gương mặt này bao gồm lãnh đạo đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (FN), bà Marine Le Pen, ứng cử viên theo đường lối cực tả Jean-Luc Melenchon và ứng cử viên theo đường lối trung dung Emmanuel Macron.
Trong bài phát biểu trước khoảng 3.000 người ủng hộ tại Lyon ngày 5/2, bà Marine Le Pen tuyên bố sẽ trở thành một tổng thống đặt "nước Pháp trên hết," với phong cách và quan điểm vận động tranh cử làm gợi nhớ cách thức đã giúp ông Donald Trump trở thành tổng thống thứ 45 của Mỹ trong cuộc đua tháng 11 năm ngoái.
Bà Le Pen tiếp tục nhấn mạnh cương lĩnh đã giúp bà hiện đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò dư luận trước bầu cử như công kích làn sóng nhập cư ồ ạt vào châu Âu và Pháp, phản đối toàn cầu hóa và Hồi giáo chính thống.
Ứng cử viên theo đường lối cực hữu này đánh giá cao việc nước Anh quyết định rời khởi Liên minh châu Âu (EU) và thúc giục cử tri Pháp "học tập theo" cử tri Mỹ khi "đặt lợi ích quốc gia của chính mình lên trên hết."
Bà Le Pen cũng so sánh toàn cầu hóa với chế độ nô lệ khi "dùng nô lệ để sản xuất và bán hàng cho người thất nghiệp," đồng thời cam kết đảng FN của mình sẽ "tập trung vào trong nước, thay vì toàn cầu." Vụ tấn công ngày 3/2 tại Bảo tàng Louvre cũng được bà Le Pen khai thác để minh họa cho các chủ đề ưa thích của mình về an ninh, Hồi giáo và nhập cư.
Phát biểu tại thành phố Lyon - nơi trước đó bà từng so sánh cảnh những tín đồ Hồi giáo cầu nguyện trên đường phố với sự hiện diện của binh lính phát xít Đức thời nước Pháp bị chiếm đóng - ứng cử viên Le Pen tuyên bố sẽ "không chấp nhận chung sống với khủng bố" và "sự tàn bạo của chủ nghĩa Hồi giáo chính thống."
Những cuộc thăm dò dư luận trong các tháng qua dự báo bà Le Pen sẽ giành đủ số phiếu ủng hộ trong vòng bầu cử đầu tiên ngày 23/4, nhưng sẽ bị đánh bại trong vòng bầu cử thứ hai vào ngày 7/5. Đối thủ chủ chốt của bà này được dự báo nhiều khả năng sẽ là ứng cử viên đang lên Emmanuel Macron thuộc phong trào "Tiến lên."
Ít nhất 8.000 ủng hộ đã trực tiếp tham dự lễ phát động tranh cử tại thành phố Lyon trong ngày 4/2 của chính trị gia theo đường lối trung dung và có chủ trương ủng hộ châu Âu này, trong khi vài nghìn người khác cũng tập trung theo dõi sự kiện qua màn hình lớn bên ngoài địa điểm tổ chức.
Ông Emmanuel Macron, 39 tuổi, tự miêu tả mình là "ứng cử viên duy nhất" có khả năng hòa giải một nước Pháp bị chia rẽ sâu sắc giữa các trào lưu cánh hữu và cánh tả. Những người ủng hộ coi ông Macron là gương mặt mới mẻ cần thiết cho một chiến dịch vận động tranh cử đang bị phủ bóng bởi các trào lưu dân túy ở những quốc gia đồng minh quan trọng nhất của nước Pháp như Mỹ và Anh. Tuy nhiên, những người phản đối lại cho rằng chính trị gia độc lập xuất thân từ một nhà đầu tư tài chính này chưa từng đảm nhiệm cương vị dân bầu nào và cam kết tranh cử của ông cũng không chứa đựng nhiều thông tin chi tiết.
Một gương mặt khác cũng chọn Lyon làm nơi khởi đầu chiến dịch tranh cử của mình trong dịp cuối tuần qua là ông Jean-Luc Melenchon. Buổi lễ phát động tranh cử ngày 5/2 của ứng cử viên theo đường lối cực tả này đánh dấu ứng dụng công nghệ cao lần đầu tiên xuất hiện trong một chiến dịch tranh cử tổng thống Pháp từ trước đến nay.
Ngoài bài phát biểu khởi động chiến dịch tranh cử được thực hiện trực tiếp trước những người ủng hộ tại Lyon, hình ảnh 3 chiều của ông này cũng được truyền song song tới khoảng 6.000 người ủng hộ khác tập trung tại một nhà hát ở thủ đô Paris.
Ông Melenchon về thứ tư trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp năm 2012 và đứng ngay sau đối thủ Marine Le Pen. Quan điểm tranh cử của chính trị gia 65 tuổi này là thay đổi nền cộng hòa tổng thống của nước Pháp hiện nay bằng một nền cộng hòa nghị viện, đồng thời đàm phán lại các hiệp định liên quan đến EU, cùng các cam kết thúc đẩy cải cách thị trường lao động thông qua quốc hội./.