Ngày 25/11, Ủy ban Bầu cử Tối cao Ai Cập (HEC) công bố kết quả chính thức cuộc bầu cử Quốc hội giai đoạn hai, theo đó Liên minh Vì Tình yêu Ai Cập tiếp tục giành trọn vẹn 60 ghế theo danh sách đảng phái, trở thành liên minh duy nhất kiểm soát tất cả số ghế theo danh sách đảng sau hai giai đoạn bỏ phiếu bầu Quốc hội.
Ngày 25/11, Ủy ban Bầu cử Tối cao Ai Cập (HEC) công bố kết quả chính thức cuộc bầu cử Quốc hội giai đoạn hai, theo đó Liên minh Vì Tình yêu Ai Cập tiếp tục giành trọn vẹn 60 ghế theo danh sách đảng phái, trở thành liên minh duy nhất kiểm soát tất cả số ghế theo danh sách đảng sau hai giai đoạn bỏ phiếu bầu Quốc hội.
Nhân viên Ủy ban bầu cử Ai Cập kiểm phiếu tại Giza, thủ đô Cairo ngày 19/10. (Nguồn: THX/TTXVN) |
Thông báo của HEC cho biết, sau khi giành trọn vẹn 60 ghế theo danh sách đảng tại cuộc bầu cử Quốc hội giai đoạn một diễn ra ở 14/27 tỉnh hồi tháng 10 vừa qua, Liên minh Vì Tình yêu Ai Cập tiếp tục thâu tóm hết 60 ghế còn lại theo danh sách đảng trong cuộc đua giai đoạn hai diễn ra từ ngày 21-23/11 tại 13/27 tỉnh.
Như vậy, tổng số 120 ghế theo danh sách đảng phái đã thuộc về Liên minh Vì Tình yêu Ai Cập, liên minh quy tụ 10 đảng phái chính trị ủng hộ đương kim Tổng thống Abdel-Fattah El-Sisi.
Tại các cuộc bỏ phiếu giai đoạn hai, chỉ chín ứng cử viên hội đủ số phiếu theo quy định để giành ghế theo danh sách ứng viên độc lập trong Quốc hội, do đó các ứng cử viên sẽ tiếp tục chạy đua tại vòng bỏ phiếu bổ sung để giành 213 ghế còn lại, dự kiến diễn ra từ 30/11 đến 2/12.
Theo HEC, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu giai đoạn này cao hơn giai đoạn trước, với gần 30%. Tỉnh Nam Sinai là địa phương có tỷ lệ cao nhất với gần 42%, tiếp đến là tỉnh Bắc Sinai với xấp xỉ 37%. Xếp thứ ba là tỉnh Daqahliya thuộc miền Trung lưu vực sông Nile với 36%. Tỉnh Suez có tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu thấp nhất, chỉ với hơn 18%, tiếp đến là Cairo gần 20%. Số công dân Ai Cập sinh sống và làm việc ở nước ngoài đi bỏ phiếu bầu Quốc hội giai đoạn hai là 37.141 người, tăng gần 22% so với số cử tri giai đoạn một.
Kết quả cuối cùng cuộc bầu cử Quốc hội gồm hai giai đoạn của Ai Cập sẽ được công bố vào đầu tháng 12 tới. Với tổng số 596 ghế, bao gồm 448 ghế độc lập, 120 ghế theo danh sách đảng và 28 ghế do Tổng thống chỉ định, Quốc hội mới của Ai Cập dự kiến sẽ tiến hành phiên họp đầu tiên vào trước cuối năm 2015.
Bầu cử Quốc hội là chặng thứ ba và cũng là chặng cuối cùng của lộ trình chuyển tiếp chính trị tại Ai Cập sau cuộc chính biến lật đổ Tổng thống Hồi giáo Mohamed Morsi hồi giữa năm 2013.
Cuộc bầu cử Quốc hội của Ai Cập trước đó đã được ấn định vào ngày 21/3 nhưng đã bị hoãn lại sau khi Tòa án Hiến pháp tối cao Ai Cập phán quyết rằng luật bầu cử không phù hợp với Hiến pháp, đồng thời ra lệnh ngừng cuộc bầu cử quốc hội cũng như tất cả các công việc chuẩn bị cho cuộc bỏ phiếu này.