Báo Đồng Nai điện tử
En

Chủ tịch Quốc hội dự khai mạc Hội nghị thế giới các chủ tịch quốc hội

04:09, 01/09/2015

Đúng 10 giờ sáng 31/8 (theo giờ New York, Mỹ tức đêm 31/8, rạng sáng 1/9 theo giờ Việt Nam), tại Trụ sở Liên hợp quốc, Hội nghị Thế giới các Chủ tịch Quốc hội lần thứ tư đã chính thức khai mạc với sự tham dự của của 140 đoàn nghị viện cấp cao từ các quốc gia trên thế giới.

Đúng 10 giờ sáng 31/8 (theo giờ New York, Mỹ tức đêm 31/8, rạng sáng 1/9 theo giờ Việt Nam), tại Trụ sở Liên hợp quốc, Hội nghị Thế giới các Chủ tịch Quốc hội lần thứ tư đã chính thức khai mạc với sự tham dự của của 140 đoàn nghị viện cấp cao từ các quốc gia trên thế giới. 
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng dự phiên khai mạc Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội trên thế giới và phát biểu tại phiên toàn thể lần thứ nhất. (Ảnh: TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng dự phiên khai mạc Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội trên thế giới và phát biểu tại phiên toàn thể lần thứ nhất. (Ảnh: TTXVN)
Đoàn Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng dẫn đầu. Chủ đề của Hội nghị lần này tập trung vào các vấn đề liên quan đến hòa bình, dân chủ và phát triển. 

Dự và điều hành Hội nghị có Ngài Saber Chowdhury, Chủ tịch Liên minh nghị viện thế giới (IPU); Ngài Ban Ki-moon, Tổng Thư ký Liên hợp quốc và Ngài Tổng Thư ký IPU Martin Chungong.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Liên minh nghị viện thế giới Saber Chowdhury nhấn mạnh, việc tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh các Chủ tịch Quốc hội lần này thể hiện sự nỗ lực tham gia ngày càng tích cực và sâu sắc của nghị viện các quốc gia trên thế giới vào việc hoạch định và xây dựng chương trình nghị sự sau năm 2015 của Liên hợp quốc.

Ngài Saber Chowdhury cho rằng, mối quan hệ về tổ chức IPU với tổ chức Liên hợp quốc đã liên tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua; mong muốn hai tổ chức sớm ký kết bản Thỏa thuận hợp tác hướng tới những cơ hội hợp tác rộng lớn hơn nữa với những mục tiêu tương đồng quan tâm đến con người, vấn đề an ninh và đời sống của người dân và cử tri trên toàn thế giới.

Đề cập những thách thức toàn cầu hiện nay, Chủ tịch IPU nêu rõ trong khi chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn trong một số lĩnh vực từ kết quả thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDG), chúng ta vẫn còn đối mặt những thách thức đang diễn ra: Tình trạng biến đổi khí hậu; thiên tai, địch họa diễn ra ngày càng thường xuyên gây nhiều tổn thất nặng nề; sự bất bình đẳng ngày càng rõ nét... đã cản trở tiến trình cải thiện tình hình và quyết tâm của nghị viện các nước.

Với chế định tổ chức theo hiến pháp ghi nhận bao gồm chức năng giám sát Chính phủ, thông qua luật và bảo đảm quá trình thực thi luật pháp, đưa pháp luật vào cuộc sống, hài hòa các nguồn lực thông qua quá trình phân bổ phân sách, các nghị viện các nước trên thế giới giữ vai trò và trách nhiệm to lớn. Vì thế nghị viện các nước đóng vai trò rất quan trọng trong tiến trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDG).

Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon nhấn mạnh, tại hội nghị lần này, các nhà lập pháp lại gặp nhau sau 5 năm để bàn thảo những nội dung phát triển trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với ngày càng nhiều các cuộc khủng hoảng trên nhiều lĩnh vực. Kể từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, đây là thời điểm mà ngày càng có nhiều người dân trên thế giới bị mất nhà cửa do các cuộc xung đột và tác động to lớn và nghiêm trọng từ sự biến đổi khí hậu toàn cầu. Đó cũng là nguyên nhân ngày càng đe dọa tới hạnh phúc của nhân loại. Thế giới đang trải qua những thử thách to lớn, bởi vậy, hơn lúc nào hết, chúng ta cần tăng cường quyết tâm đồng thuận tập thể nhằm mục tiêu thúc đẩy hòa bình và an ninh, sự phát triển bền vững và các quyền của con người trên toàn thế giới.

Tổng Thư ký Ban Ki-moon cũng đánh giá cao những nỗ lực và vai trò của Liên minh nghị viện thế giới trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu và đóng góp tích cực vào các nội dung nghị sự của Liên hợp quốc. Tổng thư ký Ban Ki-moon cũng cho biết, hồi đầu tháng này, các quốc gia thành viên cũng đã tiến một bước quan trọng trong việc kết thúc đàm phán về chương trình nghị sự phát triển bền vững cho 15 năm tới. Ngài Tổng thư ký cũng kêu gọi cùng nhau xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn cho toàn nhân loại.

Tham luận dẫn đề Hội nghị thượng đỉnh nghị viện quốc tế này là bài phát biểu của ông Forest Whitaker – một nghệ sỹ, nhà hoạt động nhân quyền và Đặc phái viên Liên hợp quốc về Hòa bình và Hòa giải.

Ngay sau phần khai mạc, hội nghị đã họp Phiên toàn thể thứ nhất với các báo cáo: Báo cáo về việc thực hiện các khuyến nghị của các Hội nghị Thế giới các Chủ tịch Quốc hội và Nghị viện trước đây và góc độ nghị viện trong quan hệ quốc tế do bà Rebecca Kadaga, Chủ tịch Nghị viện Uganda trình bày; Báo cáo về Lồng ghép bình đẳng giới vào công việc của các Nghị viện do bà Gabriela Montano, Chủ tịch Hạ viện Boliavia và ngài Norber Lammert, Chủ tịch Nghị viện Đức trình bày.

Toàn cảnh phiên toàn thể lần thứ nhất của Hội nghị Thế giới các Chủ tịch Quốc hội với bài phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. (Ảnh: TTXVN)
Toàn cảnh phiên toàn thể lần thứ nhất của Hội nghị Thế giới các Chủ tịch Quốc hội với bài phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. (Ảnh: TTXVN)
Trong bài phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, Quốc hội chính là hiện thân của nền dân chủ. Hội nghị Thượng đỉnh Chủ tịch Quốc hội các nước trên thế giới lần này là dịp để tất cả chúng ta cùng nhìn lại những cam kết mà chúng ta đã đưa ra và tái khẳng định những cam kết đó với những nội hàm mới phù hợp với tình hình quốc tế đang đổi thay hàng ngày, hàng giờ.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, với quyết tâm chính trị mạnh mẽ, các Nghị viện thành viên của IPU đã thông qua Tuyên bố Hà Nội “Các Mục tiêu Phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động” tại Đại hội đồng IPU-132 được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 3/2015 vừa qua. Các Nghị viện đã khẳng định tầm nhìn phát triển bền vững lấy người dân làm trung tâm thực hiện các quyền con người, trao quyền cho mọi người phát huy hết tiềm năng, dựa trên ba trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường; đồng thời đảm bảo hòa bình và an ninh quốc tế, tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, với mong muốn gìn giữ hòa bình, Việt Nam luôn chủ trương giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc, của luật pháp quốc tế, cam kết không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, vì lợi ích và an ninh chung của khu vực và trên toàn thế giới. Việt Nam lên án mạnh mẽ các hành vi bạo lực, đe dọa sử dụng vũ lực, khủng bố trên toàn cầu. 

Tiếp đó, Hội nghị đã thảo luận chung về chủ đề: Dân chủ vì Hòa bình và Phát triển bền vững: Xây dựng thế giới theo ý nguyện của nhân dân.

Cũng trong ngày đầu tiên, hội nghị đã họp Phiên toàn thể thứ hai; nghe các báo cáo: Báo cáo về sự tham gia của nghị viện trong việc hình thành và thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững do ngài Saber Chowdhury, Chủ tịch IPU trình bày; Báo cáo về những thách thức mà các Nghị viện ngày nay phải đối mặt do ngài David Carter, Chủ tịch Nghị viện New Zealand trình bày. Hội nghị đã nghe bài phát biểu của bà Helen Clark, Giám đốc Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP)./.

(TTXVN/VIETNAM+)

Tin xem nhiều