Ngày 9/7, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi đã phê chuẩn Luật phân chia khu vực bầu cử sửa đổi, qua đó gỡ bỏ rào cản pháp lý cuối cùng đối với việc tổ chức bầu cử quốc hội vốn bị trì hoãn từ lâu.
Ngày 9/7, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi đã phê chuẩn Luật phân chia khu vực bầu cử sửa đổi, qua đó gỡ bỏ rào cản pháp lý cuối cùng đối với việc tổ chức bầu cử quốc hội vốn bị trì hoãn từ lâu.
Hãng thông tấn chính thức MENA cho biết luật trên chia Ai Cập thành 209 khu vực bầu cử, trong đó 204 khu vực dành cho các ứng cử viên độc lập và 4 khu vực còn lại dành cho các ứng cử viên tranh cử theo danh sách đảng phái.
Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Ngoài quy định cụ thể số ghế cho đại diện của thanh niên, phụ nữ, cộng đồng người Thiên Chúa giáo và người lao động, đạo luật phân bổ 448 ghế trong Quốc hội mới của Ai Cập cho các ứng cử viên độc lập và 120 ghế cho đại diện các đảng phái.
Hồi đầu tháng Ba vừa qua, Tòa án Hiến pháp Tối cao Ai Cập ra phán quyết cho rằng các đạo luật bầu cử không phù hợp với Hiến pháp, đồng thời ra lệnh ngừng cuộc bầu cử quốc hội cũng như tất cả các công việc chuẩn bị cho cuộc bỏ phiếu này.
Bầu cử quốc hội - chặng thứ ba và là chặng cuối cùng của lộ trình chuyển tiếp chính trị tại Ai Cập sau cuộc chính biến lật đổ Tổng thống Mohamed Morsi hồi tháng 7/2013 - theo kế hoạch diễn ra từ ngày 21/3-7/5 nhưng đã bị trì hoãn.
Kể từ tháng 6/2012, Ai Cập bị khuyết Quốc hội sau khi Tòa án Hiến pháp tối cao ra lệnh giải tán cơ quan lập pháp này chỉ 6 tháng sau khi được bầu. Theo quy định của Hiến pháp mới được thông qua trong cuộc trưng cầu dân ý tổ chức vào tháng 1/2014, bầu cử quốc hội sẽ được tổ chức trong vòng 6 tháng kể từ khi Hiến pháp có hiệu lực thi hành.
Cũng trong ngày 9/7, 20 cảnh sát Ai Cập đã bị thương trong vụ đánh bom ven đường nhằm vào một xe bus và một xe bọc thép chở quân đang di chuyển trên đường cao tốc tại thành phố Al-Arish, thủ phủ tỉnh Bắc Sinai. Vụ đánh bom diễn ra chỉ một tuần sau vụ một nhóm phiến quân Hồi giáo có liên hệ với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng phát động các cuộc tấn công đồng loạt vào 15 trạm kiểm soát an ninh tại 2 thành phố của tỉnh này khiến 21 binh sỹ thiệt mạng. Trong khi đó, hơn 100 phiến quân bị tiêu diệt.
Ngày 9/7, một tòa án hình sự Ai Cập đã tuyên án tử hình đối với 10 người ủng hộ tổ chức Anh em Hồi giáo (MB) với tội danh sát hại vệ sỹ của một thẩm phán cấp cao tại tỉnh Mansoura thuộc khu vực đồng bằng châu thổ sông Nile hồi tháng 1/2014. Ngoài ra, tòa án này cũng tuyên án tử hình đối với 4 người Hồi giáo và tù chung thân đối với 9 người khác liên quan đến các vụ bạo lực hồi tháng 8/2013 sau khi lực lượng an ninh Ai Cập dùng vũ lực giải tán hai khu lán trại của những người ủng hộ Tổng thống bị phế truất Mohamed Morsi.
Các bị cáo này bị buộc tội giết người, sở hữu vũ khí trái phép và tham gia tổ chức khủng bố - ám chỉ MB vốn bị chính quyền Ai Cập cấm hoạt động hồi tháng 11/2013./.
(TTXVN/VIETNAM+)