Sau 3 tháng điều tra, cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc vừa xác nhận gần 50% gạo và sản phẩm làm từ gạo trên thị trường có chứa chất độc gây ung thư.
Sau 3 tháng điều tra, cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc vừa xác nhận gần 50% gạo và sản phẩm làm từ gạo trên thị trường có chứa chất độc gây ung thư.
Kết quả vừa được cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm thành phố Quảng Châu công bố trên website của cơ quan này hôm 16/5.
Theo đó, sau khi tiến hành lấy 18 mẫu để giám định tại các chợ của thành phố này trong giai đoạn từ tháng Giêng đến tháng 3 vừa qua, kết quả cho thấy có đến 8 mẫu, tương đương 44,4%, có chứa hàm lượng chất độc hóa học catmi, một chất có thể phá hủy thận, gây ung thư, vượt tiêu chuẩn an toàn.
Các thanh tra của cơ quan này cũng đã kiểm tra nhiều loại thực phẩm khác, trong đó có các loại bánh, xúc xích, dầu ăn và vi cá mập. Kết quả cho thấy tất cả đều an toàn hơn gạo rất nhiều.
Chính quyền Quảng Châu thì từ chối cung cấp thêm thông tin về các loại gạo nhiễm độc với lí do việc công bố các thương hiệu gạo này là “không tiện”, tờ nhật báo Phương Nam khẳng định. Tuy nhiên tuyên bố giữ bí mật này đã ngay lập tức bị phản ứng gay gắt.
Trên Sohu.com, một trong những cổng thông tin lớn nhất của Trung Quốc, tờ báo trên cho biết đã nhận được tới hơn 22.000 lượt bình luận từ hầu khắp các tỉnh, khiến vấn đề này trở thành đề tài được bàn luận sôi nổi nhất trong ngày hôm qua. Hầu hết ý kiến đều chỉ trích chính phủ đã bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp hơn là người dân.
Không ít người còn cho rằng các quan chức đã nhận hối lộ từ các nhà sản xuất để im lặng. “Làm sao có thể tin vào chính phủ, tin đảng, nếu họ thậm chí còn không thể đem đến thông tin sức khỏe cơ bản nhất?”, một cư dân mạng tại tỉnh Sơn Đông viết.
Giáo sư Feng Zhiming, một nhà nghiên cứu tại Học viện khoa học Trung Quốc cho biết phát hiện trên được công bố quá muộn.
“Gạo đã được sản xuất, và một lượng lớn trong số đó có thể đã được tiêu thụ bởi cư dân thành phố hoặc chính những người nông dân”, ông Feng nói. “Những nỗ lực của chính phủ cần phải quyết liệt hơn ngay khi gạo bắt đầu được sản xuất thay vì ở giai đoạn cuối khi nó đã ra thị trường. Tình hình thực tế có thể còn tồi tệ hơn bởi không thể kiểm tra từng bát cơm được người dân ăn mỗi ngày”.
Chuyên gia này cũng nhận định rằng việc cơ quan chức năng không muốn cung cấp thông tin chi tiết về vấn đề có nguồn gốc từ ô nhiễm đất này, có thể một phần do sự thiếu thốn hệ thống kiểm tra nguồn gốc đối với các nông sản trên thị trường Trung Quốc đại lục. Hầu hết gạo trên thị trường đều không nhãn mác, còn ngay cả các sản phẩm có nhãn mác cũng có thể là gạo từ khắp nơi được trộn chung vào một túi.
Giáo sư Feng nhận định cơ quan chức năng cũng có thể lo lắng việc tiết lộ quá nhiều thông tin sẽ gây hoảng loạn cho công chúng và họ còn chịu nhiều áp lực từ các tỉnh sản xuất gạo.
Theo các nghiên cứu, việc hấp thụ nhiều catmi có thể làm hỏng thận, tổn thương phổi, gây ra các bệnh về xương và ung thư. Kim loại nặng độc hại này có thể lưu lại trong cơ thể người tới 30 năm.
Bí mật quốc gia
Đây không phải lần đầu tiên vấn nạn gạo nhiễm catmi được phát hiện tại Trung Quốc. Hồi tháng 2 vừa qua, tờ Nanfang Daily của Quảng Châu đã cho đăng loạt bài điều tra cho thấy khoảng 10.000 tấn gạo nhiễm chất độc này đã được tuồn ra thị trường. Rất nhiều trong số các nhà cung cấp gạo nhiễm độc là các tập đoàn lương thực quốc doanh.
Các công ty này sau đó đã nhanh chóng phủ nhận cáo buộc. Tuy nhiên với điều tra trên của cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm thành phố Quảng Châu, không còn gì để nghi ngờ về tình trạng gạo nhiễm độc được bán tràn lan tại Trung Quốc.
Pan Genxing, một giáo sư tại đại học nông nghiệp Nam Kinh dẫn một khảo sát về chất lượng gạo trên phạm vi toàn quốc ước tính 10% sản lượng gạo hàng năm của Trung Quốc, tương đương gần 20 triệu tấn, có chứa hàm lường catmi cao vượt chuẩn.
Theo Học viện khoa học nông nghiệp tỉnh Hồ Nam, gạo nhiễm catmi có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân như: ô nhiễm không khí, ô nhiễm đất và ô nhiễm nguồn nước sử dụng cho tưới tiêu.
Từ năm 2006, Bộ Bảo vệ môi trường Trung Quốc đã tiến hành điều tra về mức độ ô nhiễm đất trên phạm vi toàn quốc và lẽ ra thông tin này phải được công bố vào năm 2010. Tuy nhiên đến đầu năm nay, theo tờ tạp chí phố Wall, khi một luật sư tại Bắc Kinh yêu cầu cung cấp thông tin về tình trạng ô nhiễm đất, Bộ này lập tức từ chối với tuyên bố đây là “bí mật quốc gia”.
Ngay lập tức dư luận Trung Quốc đã bày tỏ sự giận dữ, trong đó ngay cả báo chí nhà nước Trung Quốc cũng chỉ trích quyết định “ém” thông tin của Bộ Bảo vệ môi trường.
“Bí mật quốc gia là một cụm từ thần kỳ để từ chối cung cấp thông tin. Phải chẳng bởi nó có liên quan đến những bí mật không thể tiết lộ, hay đơn giản chỉ bởi các cơ quan ban ngành lo sợ sẽ làm bùng lên sự không hài lòng của người dân?”, tờ Nhân dân nhật báo viết. “Việc che giấu thông tin chỉ khiến người dân nghĩ: chúng ta đang bị lừa dối”.
Luật sư Dong Zhengwei, người đã yêu cầu Bộ Bảo vệ môi trường trên cung cấp thông tin nhận định: “Tôi cho rằng tình trạng ô nhiễm ở một số khu vực phải rất nghiêm trọng và trên diện rộng. Do đó Bộ này mới lo ngại rằng việc công bố thông tin sẽ khiến người dân nổi giận và họ chưa được chuẩn bị để đưa ra giải pháp”.
Theo DTO