Kỳ họp thứ 10 - kỳ họp thường lệ cuối năm 2022 của HĐND tỉnh khóa X bước vào phiên khai mạc vào sáng nay, 9-12.
Phó chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Thị Bích Hằng. Ảnh: H.THảo |
Kỳ họp thứ 10 - kỳ họp thường lệ cuối năm 2022 của HĐND tỉnh khóa X bước vào phiên khai mạc vào sáng nay, 9-12.
Đây là một trong 2 kỳ họp lớn trong năm của HĐND tỉnh nhằm xem xét, đánh giá nhiều nội dung quan trọng liên quan đến việc thực hiện các mục tiêu, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trong năm 2022 và kế hoạch phát triển năm 2023.
Nhân dịp này, Báo Đồng Nai đã có cuộc phỏng vấn Phó chủ tịch HĐND tỉnh HOÀNG THỊ BÍCH HẰNG.
Để nghị quyết được khả thi, sát thực tiễn, đúng quy định
Dự kiến kỳ họp lần này có tới 29 nghị quyết được thông qua. Với số lượng nghị quyết lớn như vậy, Thường trực HĐND tỉnh, các ban HĐND đã phát huy vai trò của mình như thế nào để đảm bảo nghị quyết ban hành được khả thi, sát thực tiễn, đúng quy trình thủ tục theo quy định của pháp luật, thưa bà?
- Kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa X có số lượng nghị quyết dự kiến thông qua rất lớn với nhiều nội dung quan trọng. Có thể kể đến như dự thảo nghị quyết về: điều chỉnh bảng giá đất tỉnh Đồng Nai 5 năm giai đoạn 2020-2024; về xây dựng hệ số điều chỉnh giá đất năm 2023; về phát triển thanh niên tỉnh Đồng Nai đến năm 2030; về quy định nội dung, định mức, trình tự thực hiện dự án mô hình giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng trên địa bàn tỉnh; về chính sách hỗ trợ nguồn nhân lực y tế tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2023-2025…
Kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa X sẽ xem xét thông qua các nghị quyết thường kỳ và chuyên đề làm cơ sở cho công tác quản lý và điều hành nhà nước trên địa bàn tỉnh. Kỳ họp sẽ diễn ra trong 2 ngày 9 và 10-12. |
Để phát huy vai trò của mình, ngay từ đầu tháng 10, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã họp và thống nhất các nội dung sẽ trình kỳ họp cuối năm. Thường trực HĐND tỉnh phân công các ban HĐND tỉnh thẩm tra theo lĩnh vực phụ trách. Các ban HĐND tỉnh chủ động tiếp cận các tờ trình, dự thảo nghị quyết ngay từ bước dự thảo. Đồng thời, đề nghị lãnh đạo các sở, ngành tham dự đầy đủ các buổi thẩm tra của các ban HĐND tỉnh (nội dung nào không có lãnh đạo sở, ngành dự thì các ban HĐND tỉnh chưa thực hiện thẩm tra).
Thường trực HĐND tỉnh cũng yêu cầu báo cáo thẩm tra phải đánh giá được sự phù hợp của dự thảo nghị quyết đối với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và phù hợp với tình hình, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ngoài ra, đối với những vấn đề phức tạp, liên quan đến quyền và lợi ích của đông đảo cử tri và nhân dân, các ban tiến hành hoạt động khảo sát, giám sát để nắm bắt thêm thông tin phục vụ hoạt động thẩm tra. Trên cơ sở đó nêu rõ quan điểm và đề xuất phương án xử lý đối với những nội dung còn ý kiến khác nhau.
Cùng với đó, trước khi khai mạc kỳ họp một tuần, Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức một ngày để các đại biểu thảo luận tại tổ về toàn bộ nội dung, chương trình kỳ họp; trong đó, có nội dung thảo luận về các nghị quyết trình kỳ họp. Tất cả đều nhằm hướng tới mục tiêu đảm bảo nghị quyết ban hành khả thi, sát thực tiễn, đúng quy trình thủ tục theo quy định của pháp luật, đi vào cuộc sống.
Bà có thể điểm qua một vài dự thảo nghị quyết thể hiện rõ tính chất đặc thù, thực tiễn của địa phương được bàn thảo tại kỳ họp này?
- Có thể kể đến là dự thảo Nghị quyết về chính sách hỗ trợ nguồn nhân lực y tế tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2023-2025. Theo đó, trước thực tế áp lực, khó khăn của ngành Y tế tỉnh, để thuận lợi cho ngành ổn định nguồn nhân lực, góp phần thực hiện đạt mục tiêu 10 bác sĩ/vạn dân vào năm 2025 theo Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết này.
Trong quá trình xây dựng dự thảo nghị quyết, Đảng đoàn HĐND tỉnh đã có báo cáo với Thường trực Tỉnh ủy về việc ban hành nghị quyết này có thể vướng một số nội dung trong triển khai các chính sách có liên quan về tiền lương của Trung ương. Song trước tình hình khó khăn của ngành Y tế, để động viên, giữ chân nhân lực cho ngành, Ban TVTU đã quyết định trình Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh để có chủ trương, nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh; từ đó trình ra Kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh. Có thể nói, đây là sự nỗ lực rất lớn của tỉnh trong chăm lo cho đội ngũ nhân lực ngành Y tế, nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Hay có thể kể đến dự thảo Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh về công tác cải cách hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh. Thời gian qua, công tác cải cách hành chính của tỉnh được quan tâm nhưng kết quả chưa như mong đợi. Năm 2021, chỉ số cải cách hành chính của Đồng Nai đã tụt hạng xuống thứ 55/63 tỉnh, thành. Từ thực tế đó, HĐND tỉnh thành lập đoàn giám sát của HĐND tỉnh nhằm làm rõ những kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn vướng mắc, nguyên nhân và giải pháp thực hiện tốt hơn trong thời gian tới…
Nâng cao chất lượng phiên chất vấn và trả lời chất vấn
Chất vấn và trả lời chất vấn là một trong những phần quan trọng tại kỳ họp được cử tri đặc biệt quan tâm. Hoạt động này đã được Thường trực HĐND tỉnh nỗ lực nâng cao chất lượng, hiệu quả như thế nào, thưa bà?
- Ngay từ tháng 10-2022, Thường trực HĐND tỉnh đã có văn bản gửi các đại biểu HĐND tỉnh yêu cầu từ chức năng, nhiệm vụ và lĩnh vực hoạt động của mình đề xuất nội dung chất vấn gửi về Thường trực HĐND tỉnh để tổng hợp. Căn cứ vào nhiều tiêu chí, Thường trực HĐND tỉnh đã sàng lọc và cân nhắc kỹ càng. Yêu cầu trước hết, đó phải là những vấn đề được cử tri, nhân dân, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Thường trực HĐND tỉnh cũng làm việc trước với UBND tỉnh, các sở, ngành để xác định người được chất vấn, người được mời tham dự phiên họp trả lời chất vấn về vấn đề thuộc trách nhiệm của mình.
Đến thời điểm này, dự kiến HĐND tỉnh sẽ thực hiện chất vấn 9 nội dung vấn đề liên quan đến trách nhiệm của 15 lãnh đạo sở, ngành, địa phương. Trong đó, dự kiến 5 nội dung sẽ chất vấn trực tiếp tại kỳ họp bao gồm: việc xây dựng các khu tái định cư phục vụ các công trình trọng điểm; việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh; tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết; tình hình ngập nước tại đô thị và hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa. Ngoài 9 nội dung chất vấn nói trên, trước và trong quá trình diễn ra kỳ họp, đại biểu HĐND tỉnh có thể đặt thêm câu hỏi chất vấn về các nội dung khác.
Đặc biệt, trong quá trình chất vấn, đại biểu HĐND tỉnh, người được chất vấn, người được mời tham dự phiên chất vấn được quyền tranh luận để đưa ra ý kiến phản biện lại các quan điểm mà mình quan tâm. Từ đó, làm sáng rõ và đưa ra được cách giải quyết vấn đề tốt nhất. HĐND tỉnh cũng sẽ ban hành nghị quyết về trả lời chất vấn; trên cơ sở đó, đại biểu HĐND tỉnh giám sát lời hứa của các sở, ngành, địa phương đối với nội dung cử tri, đại biểu quan tâm chất vấn.
Xin bà chia sẻ thêm một vài điểm đổi mới trong tổ chức kỳ họp?
- Như đã nói ở trên, để chuẩn bị cho kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh đã có sự chuẩn bị rất chu đáo, kỹ lưỡng. Đồng thời, tích cực đổi mới ở tất cả các khâu từ khi bắt tay vào chuẩn bị kỳ họp cho đến nay; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động.
Ngay tại kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh yêu cầu các báo cáo của UBND, báo cáo thẩm tra của các ban HĐND tỉnh khi trình bày tại kỳ họp phải tóm gọn lại, đi đúng trọng tâm, đúng vào nội dung tờ trình, nội dung thẩm tra để tránh mất thời gian, ưu tiên dành thời gian cho các đại biểu thảo luận. Cùng với đó, chỉ đạo đại biểu khi chất vấn và các sở, ngành, Ủy viên UBND tỉnh khi trả lời chất vấn đi thẳng vào vấn đề mà đại biểu quan tâm…
Xin cảm ơn bà!
Hồ Thảo (thực hiện)