Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng. |
Hôm nay 5-9, trên 750 ngàn học sinh trong tỉnh Đồng Nai sẽ cùng với khoảng 20 triệu học sinh các bậc học trên cả nước chính thức bước vào năm học mới 2024-2025. Tỉnh đã có sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của cả năm học.
Trả lời phỏng vấn Báo Đồng Nai, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng khẳng định: “Tỉnh đã và sẽ tiếp tục quan tâm đầu tư các nguồn lực cần thiết cho giáo dục, từ đó thúc đẩy nâng cao toàn diện chất lượng giáo dục và đào tạo (GDĐT), trong đó có chất lượng đào tạo nguồn nhân lực”.
Nâng cao toàn diện chất lượng giáo dục và đào tạo
Ông đánh giá như thế nào về kết quả ngành GDĐT Đồng Nai đã đạt được trong năm học 2023-2024 vừa qua?
- Ngành GDĐT toàn tỉnh vừa bước qua năm học 2023-2024 với nhiều thuận lợi nhưng cũng có không ít khó khăn, nhất là khi Đồng Nai là tỉnh công nghiệp, có dân số đông, quy mô trường lớp, đội ngũ giáo viên và học sinh thuộc tốp thứ 5 cả nước.
Cùng với nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, năm học 2024-2025 cần đặc biệt ưu tiên đi tắt đón đầu trong đào tạo nhân lực hàng không, logistics, vi mạch bán dẫn, sản xuất chíp…, bởi đây là những ngành tỉnh đang rất cần nhân lực cho giai đoạn phát triển mới.
Với sự quan tâm lớn của lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, nỗ lực của đội ngũ nhà giáo, ngành GDĐT toàn tỉnh đã có nhiều đổi mới. Cụ thể là hệ thống trường lớp tiếp tục được đầu tư theo hướng kiên cố, hiện đại; đội ngũ nhà giáo không ngừng được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức và kỹ năng giảng dạy mới. Công tác dạy học kết hợp với kiểm tra đánh giá học sinh theo hướng thực chất hơn.
Việc quan tâm đầu tư đồng bộ cho GDĐT đang ngày một đáp ứng tốt hơn trước những yêu cầu của quá trình triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới năm 2018. Bên cạnh đó, mở ra nhiều cơ hội học tập cho mọi người dân, gắn với mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao cho giai đoạn phát triển mới của tỉnh.
Học sinh Trường trung học cơ sở Phước Tân 3 (phường Phước Tân, thành phố Biên Hòa) vui chơi trong ngôi trường có cơ sở vật chất mới khang trang, hiện đại. |
Vậy theo ông, dấu ấn của năm học vừa qua là gì?
- Có thể nhận thấy, ngành GDĐT Đồng Nai đã có nhiều nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức và tiếp tục đạt được những dấu ấn quan trọng trong năm học vừa qua. Cụ thể là đã tổ chức thành công hội khỏe Phù Đổng cấp huyện và cấp tỉnh. Đoàn học sinh Đồng Nai tham dự hội khỏe Phù Đổng cấp khu vực và toàn quốc xếp vị trí thứ 10/63 tỉnh, thành trên cả nước. Học sinh Đồng Nai tiếp tục đoạt được nhiều giải cao trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia, nhiều học sinh và giáo viên đoạt được các giải thưởng trong các hội thi toàn quốc…
Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2024 là kỳ thi cuối cùng theo Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2006, đây là kỳ thi khá áp lực trong khâu tổ chức. Dù vậy, Đồng Nai đã tiếp tục tổ chức thành công kỳ thi, đảm bảo an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế và có chất lượng tốt. Điều đáng mừng là kỳ thi năm nay, tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp THPT đã được nâng lên đáng kể so với các năm trước.
Dù Đồng Nai có quy mô trường lớp rất lớn nhưng đến cuối năm học vừa qua, tỷ lệ trường chuẩn quốc gia ở các bậc học đều được nâng lên. Cụ thể, bậc mầm non đạt gần 80%, tiểu học 71,6%, trung học cơ sở gần 80% và THPT trên 65%.
Dành nguồn lực xứng tầm cho giáo dục và đào tạo
Theo ông, năm học mới 2024-2025, ngành GDĐT Đồng Nai cần ưu tiên tập trung cho những nhiệm vụ quan trọng nào?
- Có thể nói, năm học mới 2024-2025 này tiếp tục đặt nhiều nhiệm vụ mới lớn hơn đối với ngành GDĐT của tỉnh. Đây là năm học mang nhiều ý nghĩa, vì là năm học cuối cùng phấn đấu thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025). Ngành đồng thời phải tiếp tục nghiên cứu, đề xuất những định hướng phát triển mới cho giai đoạn tiếp theo là 2025-2030.
Đây là năm học mà Chương trình Giáo dục phổ thông mới được thực hiện đồng bộ từ lớp 1 đến lớp 12, đặc biệt Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sắp tới là lần đầu tiên sẽ thi theo chương trình mới. Do đó, Sở GDĐT cũng như các cơ sở giáo dục phải nỗ lực không ngừng nâng cao chất lượng dạy và học, chuẩn bị tốt cho kỳ thi.
Ngành GDĐT phải tiếp tục làm tốt công tác dự báo về nhu cầu đầu tư hệ thống trường lớp, từ đó tham mưu, đề xuất cho tỉnh đề ra chiến lược đầu tư dài hạn. Tiếp tục đẩy nhanh đầu tư, đánh giá và công nhận trường chuẩn quốc gia ở các cấp độ. Với những địa phương còn khó khăn về trường lớp, do số lượng học sinh đông thì kịp thời đầu tư, nhanh chóng kéo giảm sĩ số học sinh/lớp theo đúng chuẩn. Chú trọng thu hút xã hội hóa giáo dục để có thêm nguồn lực cho giáo dục.
Ngành GDĐT cần quan tâm bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, đảm bảo tốt chất lượng, nhất là khắc phục cho được tình trạng thiếu giáo viên cục bộ ở một số môn học. Chú trọng công tác đặt hàng đào tạo nâng chuẩn trình độ cho đội ngũ nhà giáo, đồng thời đặt hàng đào tạo giáo viên mới ở các bộ môn mà các trường đang khó tuyển dụng. Tiếp tục nâng cao trình độ ngoại ngữ, kỹ năng công nghệ thông tin để có thể thực hiện tốt chiến lược chuyển đổi số trong giáo dục.
Năm học 2024-2025 có nhiều nhiệm vụ mới đặt ra đối với ngành GDĐT. Vậy tỉnh đã đầu tư như thế nào để các trường sẵn sàng cho năm học mới này, thưa ông?
- Ngay từ đầu năm 2024, tỉnh đã sớm có chỉ đạo với Sở GDĐT và các địa phương đẩy nhanh đầu tư hoàn thiện những dự án xây dựng trường lớp, mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho năm học mới.
Năm học 2023-2024, bằng các giải pháp trọng tâm, tỷ lệ tốt nghiệp THPT của tỉnh đạt 98,58% (tăng 1,47% so với năm 2023). Trong đó, khối THPT đạt 99,72% (tăng 0,36%), khối giáo dục thường xuyên đạt 93,47% (tăng 4,48%).
Toàn tỉnh có 56 dự án được triển khai với kinh phí gần 2,2 ngàn tỷ đồng, bên cạnh đó là các dự án thiết bị với số vốn khá lớn. Đây cũng là năm học tỉnh có số dự án trường học với số vốn đầu tư lớn nhất từ trước đến nay. Toàn tỉnh có 56 dự án, trong đó có 29/56 dự án kịp hoàn thành và đưa vào sử dụng dịp khai giảng; 27 dự án còn lại dự kiến sẽ hoàn thành trong năm học.
Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Ngô Quyền (thành phố Biên Hòa) Phan Trọng Nghĩa trao đổi với các học sinh lớp 12 trước thềm năm học mới. Ảnh: Hải Yến |
Trước khi năm học mới diễn ra, vào giữa tháng 7 vừa qua, HĐND tỉnh khóa X đã chính thức thông qua Nghị quyết về chính sách hỗ trợ đối với giáo viên tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2025. Theo đó, tỉnh sẽ hỗ trợ 2 triệu đồng/người/tháng cho giáo viên mầm non ở các cơ sở giáo dục công lập, giáo viên công tác tại trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật loại hình công lập. Hỗ trợ 1,5 triệu đồng/tháng đối với giáo viên phổ thông công lập ở các bộ môn khó tuyển dụng, giáo viên ở các cơ sở giáo dục công lập tại các địa bàn khó tuyển dụng. Thời gian hỗ trợ tối đa 9 tháng/năm học, tổng kinh phí hỗ trợ dự kiến khoảng 195 tỷ đồng.
Như vậy, chính sách hỗ trợ giáo viên theo nghị quyết của HĐND tỉnh sẽ chính thức được thực hiện từ đầu năm học mới này. Đây được xem là chính sách có tính nhân văn rất lớn, đồng thời được kỳ vọng sẽ tạo ra động lực mới để đội ngũ nhà giáo tiếp tục nỗ lực phấn đấu và hoàn thành tốt nhiệm vụ trồng người.
Xin cảm ơn ông!
Công Nghĩa (thực hiện)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin