Đó là nhận xét của đa số đại biểu tham dự hội thảo triển khai các dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo trình Quốc hội khóa XV trong năm 2023 do Công an tỉnh tổ chức mới đây. Các đại biểu còn cho rằng, việc ban hành các dự án luật này là cần thiết để hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Đó là nhận xét của đa số đại biểu tham dự hội thảo triển khai các dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo trình Quốc hội khóa XV trong năm 2023 do Công an tỉnh tổ chức mới đây. Các đại biểu còn cho rằng, việc ban hành các dự án luật này là cần thiết để hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Công Long phát biểu tại hội thảo triển khai các dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo do Công an tỉnh vừa tổ chức. Ảnh: T.Danh |
Các dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo được Công an tỉnh triển khai gồm: Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân (CAND); Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở; Luật Trật tự an toàn giao thông (ATGT) đường bộ; Luật Căn cước; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
* Sự cần thiết trong việc ban hành các luật
Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh QUẢN MINH CƯỜNG đề nghị, ngoài khuôn khổ các ý kiến tại hội thảo, các đại biểu Quốc hội, đại diện các sở, ban, ngành tiếp tục có những đóng góp về các dự án luật này để bổ sung, sửa đổi. Các ý kiến đóng góp phải dựa trên tình hình thực tiễn nhằm góp phần xây dựng các dự án luật một cách hiệu quả nhất. |
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Công Long, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho hay, qua các kỳ họp Quốc hội, nhiều ý kiến của các đại biểu cho rằng, các dự án luật còn có những bất cập cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế. Ví dụ như dự án Luật Trật tự ATGT đường bộ, qua các lần sửa đổi trước đây mới chỉ điều chỉnh một số nội dung về trật tự ATGT. Riêng vấn đề về hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, vẫn còn những bất cập cần phải được điều chỉnh, bổ sung.
Ngoài ra, lực lượng đảm bảo trật tự ATGT ở cơ sở, theo ông Long, vẫn còn những vấn đề cần phải được làm rõ ràng, cụ thể hơn như: phân công trách nhiệm, quyền hạn và cả chế độ cho lực lượng thực thi nhiệm vụ. Do đó, việc Bộ Công an chủ trì soạn thảo, hoàn thiện 5 dự án luật này là rất cần thiết.
Riêng đối với dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật CAND, theo ông Nguyễn Công Long trong lần sửa đổi này cũng đã có những quy định rõ ràng, cụ thể về các vấn đề liên quan. Chính vì vậy việc Quốc hội sớm thông qua dự luật này là điều cần thiết, phù hợp với thực tiễn hoạt động của lực lượng CAND.
Trao đổi về tính cấp thiết trong việc ban hành Luật Trật tự ATGT đường bộ, Phó giám đốc Công an tỉnh, đại tá Trần Anh Sơn cho biết, tình hình trật tự ATGT đường bộ trong những năm qua tuy đã có những chuyển biến nhưng chưa thực sự căn bản, vững chắc, còn diễn biến phức tạp. Tai nạn giao thông vẫn ở mức cao và nghiêm trọng. Tình trạng coi thường pháp luật khi tham gia giao thông vẫn diễn ra phổ biến. Các loại tội phạm hoạt động trên các tuyến giao thông đường bộ diễn biến phức tạp; ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn tăng đột biến, trong khi quy hoạch giao thông, tổ chức giao thông, hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được yêu cầu… Một trong những nguyên nhân cơ bản của tình trạng trên là do Luật Giao thông đường bộ năm 2008 chưa đồng bộ, chưa sát với thực tế.
Chính vì vậy, việc ban hành Luật Trật tự ATGT đường bộ nhằm xây dựng thói quen, ý thức tự giác và hình thành văn hóa giao thông hiện đại, đề cao bảo vệ tính mạng, tài sản và quyền con người khi tham gia giao thông; phát triển hạ tầng giao thông, vận tải hiện đại, đồng bộ, chất lượng là đòi hỏi tất yếu, khách quan, cấp bách của thực tiễn. Điều này cũng phù hợp với quy luật phát triển, xu hướng hoàn thiện của hệ thống pháp luật Việt Nam.
Đánh giá về sự cần thiết trong việc ban hành các dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, Phó giám đốc Công an tỉnh, đại tá Trần Tiến Đạt cho rằng, qua 4 năm triển khai, Luật CAND (có hiệu lực từ năm 2019) đã tạo cơ sở pháp lý tương đối đầy đủ, toàn diện để lực lượng công an thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, kết quả đạt được, quá trình thực hiện luật đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập cần phải được sửa đổi, bổ sung.
Cụ thể, quy định về hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an chưa phù hợp với quy định về độ tuổi nghỉ hưu của Bộ luật Lao động năm 2019. Ngoài ra, còn một số vướng mắc trong quy định về thăng cấp bậc hàm trong lực lượng CAND cũng cần phải có sự điều chỉnh cho phù hợp.
* Tiếp tục hoàn thiện dự thảo để trình Quốc hội
Phát biểu tại hội thảo, Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường nhất trí với sự cần thiết ban hành các dự thảo luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo trình Quốc hội khóa XV.
Đồng chí Quản Minh Cường đánh giá cao các ý kiến đóng góp cụ thể, chất lượng của các đại biểu đối với các dự án luật nêu trên. Những ý kiến đóng góp của các đại biểu đã góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện các dự án luật để trình Quốc hội trong thời gian tới.
Theo đồng chí Quản Minh Cường, việc xây dựng và ban hành các dự án luật nói trên là phù hợp với tình hình thực tế, phù hợp với hệ thống pháp luật hiện nay. Việc sửa đổi, xây dựng các dự án luật là để góp phần thực hiện ngày càng tốt hơn nhiệm vụ của lực lượng công an.
Thiếu tướng Nguyễn Sỹ Quang, Giám đốc Công an tỉnh cho rằng, việc xây dựng, ban hành 5 dự án luật nêu trên là nhiệm vụ chính trị quan trọng của toàn lực lượng CAND trong xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật về ANTT. Thiếu tướng Nguyễn Sỹ Quang yêu cầu lãnh đạo công an các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm kế hoạch tổ chức tuyên truyền, cung cấp thông tin về các dự án luật đến thường trực cấp ủy, HĐND và UBND các huyện, thành phố để tạo sự đồng thuận trong xây dựng, ban hành các dự án luật.
Trần Danh